Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Di dời trụ sở nhiều cơ quan TW ra ngoại thành Hà Nội

26/09/2012 18:07
Trụ sở làm việc các cơ quan Trung ương được hình thành gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội, hiện đang bố trí phân tán tại nhiều địa điểm trong thành phố đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp.
Hệ thống này sẽ được quy hoạch, xây dựng lại theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp với định hướng của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Nội dung quan trọng này vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt.

Không còn phù hợp khi đặt trụ sở tại nội đô


Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành hiện phân tán tại các quận nội thành Hà Nội. Đây là nơi thu hút lượng lớn cán bộ hành chính đến làm việc, cán bộ từ các địa phương lên quan hệ công tác và các công ty, văn phòng làm việc có mối quan hệ với các bộ, ngành bố trí xung quanh. Việc phân bố rải rác dẫn đến bất cập về cơ sở hạ tầng, tập trung cao các phương tiện gây ách tắc giao thông cục bộ. Bên cạnh đó, hầu hết các Bộ ngành có quỹ đất chật hẹp, chưa đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phải sử dụng các tuyến đường xung quanh vị trí trụ sở để đậu xe, ảnh hưởng tới hoạt động của đô thị, khả năng tiếp cận của các tuyến giao thông công cộng là rất thấp.

Trụ sở mới của Bộ Công an. (Nguồn: Vietnamnet.vn)
Trụ sở mới của Bộ Công an. (Nguồn: Vietnamnet.vn)

Trên thực tế, trụ sở các bộ, ngành chủ yếu nằm trong nội thành, sau nhiều lần tách nhập các Bộ, thay đổi chức năng nhiệm vụ, chỉ tiêu về đất đai tương đối thấp. Đơn cử như, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ có 0,47ha. Nắm giữ nhiều chức năng nhiệm vụ quan trọng nhưng Bộ Tài Chính chỉ có 0,98ha, chỉ tiêu đất bình quân đạt 15 m2/người...

Nhiều Bộ, Ngành phải bố trí văn phòng làm việc cho các Cục, Vụ, Tổng Cục tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều hành. Ngoài ra, các dịch vụ công cộng hỗ trợ, nhà khách, bãi đỗ xe, cây xanh sân vườn đều thiếu đất để xây dựng. Quỹ đất chật hẹp đã ảnh hưởng tới điều kiện làm việc của cán bộ, công chức và gây trở ngại đối với khách đến làm việc tại các trụ sở.

Mặt khác, tòa nhà chính của các cơ quan trung ương được xây dựng phù hợp tại từng thời điểm xây dựng, nhưng qua quá trình khai thác sử dụng, cải tạo, cơi nới đã khiến nên cảnh quan kiến trúc lộn xộn. Một số công trình được xây dựng với thiết kế ban đầu là nhà ở, trường học, sau mới được cải tạo chuyển đổi thành trụ sở làm việc; trong đó có công trình có giá trị kiến trúc như là những quỹ di sản kiến trúc cần được đánh giá giá trị để bảo tồn. Nhiều công trình đã hết niên hạn khai thác sử dụng, cơ sở vật chất xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn, sau nhiều lần cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu môi trường làm việc...

Trụ sở làm việc trong nội đô, gắn với các khu vực dân cư, sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các khu vực dân cư, cũng góp phần gây quá tải tới hạ tầng khu vực. Do thiếu những dịch vụ hỗ trợ, dẫn tới việc hình thành các dịch vụ mang tính tự phát như dịch vụ ăn uống, dịch vụ văn phòng phẩm, dịch vụ khách sạn và đặc biệt là các văn phòng làm việc có hoạt động gắn kết với chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành.

Bộ Xây dựng khẳng định, đã đến lúc việc đặt trụ sở tại khu vực nội đô bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp.

Ưu tiên khu vực Tây Hồ Tây để di dời đợt 1

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về di dời trụ sở Bộ ngành, 5 năm qua đã có 5 Bộ (Bộ Công an, Ngoại giao, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học công nghệ, Nội vụ) và 1 cơ quan thuộc Chính phủ (Thanh tra Chính phủ) thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở ra bên ngoài các quận nội thành, tập trung chủ yếu ở xung quanh tuyến vành đai 3. Hiện tại, một số bộ, ngành đang tiếp tục xin chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhưng gặp khó khăn về xác định địa điểm, công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng.

Dựa trên bốn tiêu chí về vị trí, đất đai, cơ sở vật chất, hạ tầng hỗ trợ, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng trụ sở làm việc của 36 cơ quan thuộc đối tượng quy hoạch. Theo dự kiến, cần phải di dời trụ sở làm việc khoảng 11 bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể. Hiện tại, 8 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và 1 cơ quan Trung ương đoàn thể đã ổn định vị trí.

Theo Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, Quy hoạch xây dựng Hệ thống trụ sở các Bộ, ngành và các cơ quan đoàn thể Trung ương tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 phải theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp với định hướng của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng hệ thống trụ sở mới theo hướng khu hành chính tập trung, sử dụng chung các tiện ích công cộng, hạ tầng hỗ trợ và hạ tầng kỹ thuật. Các khu vực hành chính này được đấu nối với các tuyến giao thông quan trọng của thành phố.

Để đáp ứng yêu cầu về diện tích làm việc, cảnh quan môi trường và cơ sở hạ tầng bến bãi đỗ xe, dự kiến quỹ đất xây dựng các Bộ, ngành khoảng 3-5 ha/ trụ sở, tương đương 1.200-1.500 người/cơ quan theo quy mô số người làm việc của từng Bộ và vị trí bố trí trụ sở mới. Đối với các cơ quan trung ương các đoàn thể khoảng 1-2 ha/trụ sở. Như vậy, với 17 Bộ, cơ quan trung ương được kiến nghị di dời sẽ cần quỹ đất khoảng 45-50 ha để xây dựng trụ sở mới. Hai địa điểm bố trí xây dựng các khu hành chính tập trung là Khu trung tâm Tây Hồ Tây và Khu Mễ Trì.

Khu vực Tây Hồ Tây kết nối trực tiếp Hồ Tây ở phía Đông và công viên Hòa Bình ở phía Tây cách Trung tâm Ba Đình khoảng 4,5km. Đây hiện khu đất nông nghiệp đang đô thị hóa, được quy hoạch trong đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị Tây Hồ Tây với tổng quỹ đất khai thác khoảng 27ha và dự kiến dành xây dựng 8 trụ sở bộ ngành. Vị trí này sẽ kết nối thuận lợi đến các tuyến đường vành đai 2 và 3, các tuyến tàu điện ngầm số 2, số 4 trong tương lai; đồng thời liên kết dễ dàng đến sân bay Nội Bài, Trung tâm Thể thao quốc gia Mỹ Đình, khu công viên Hồ Tây cùng nhiều khu chức năng đô thị khác.

Bộ Xây dựng kiến nghị ưu tiên Khu vực Tây Hồ Tây bố trí xây dựng trụ sở các bộ ngành có nhu cầu di dời trong giai đoạn 1 với nhu cầu diện tích đất trung bình, gắn với lĩnh vực kinh tế tổng hợp và kinh tế ngành. Theo đó, sẽ sử dụng phương án hợp khối, sử dụng chung các tiện ích công công và hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh cảnh quan, mặt nước đảm bảo theo quy chuẩn xây dựng; mật độ xây dựng tối đa 30% với tầng cao trung bình là 9; bố trí 2 tầng ngầm làm bãi đỗ xe. Tổ hợp các công trình hành chính là trục không gian điểm nhấn ở khu trung tâm Tây Hồ Tây và có các công trình dịch vụ hỗ trợ, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng đi kèm.

Khu vực Mễ Trì sẽ kết nối trực tiếp Trung tâm Thể thao quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở phía Bắc và vành đai xanh sông Nhuệ ở phía Tây; cách Trung tâm Ba Đình khoảng 8km. Hiện khu vực này đang là đất cây xanh, được dự kiến thành khu công sở trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà nội. Quỹ đất có thể khai thác vào mục đích xây dựng công sở khoảng 20 - 50ha. Trước mắt, dự kiến xây dựng trụ sở 3 Bộ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể. Khu vực này sẽ dành bố trí cho các cơ quan có nhu cầu đất rộng hơn, phù hợp với các hoạt động của Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm hội nghị quốc gia.

Dự kiến dành quỹ đất khoảng 20 ha xây dựng trụ sở làm việc 3 bộ và 1 khu liên cơ cho cơ quan trung ương các đoàn thể. khu vực này cần thiết phải có quỹ đất dự trữ cho phát triển dài hạn.

Tạo nguồn vốn xây dựng trụ sở mới

Đối với các trụ sở nằm ở các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt, có vị trí xa trung tâm, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới.

Một số vị trí được khuyến khích chuyển đổi chức năng các cơ sở cũ sang mục đích công cộng, không gian xanh phục vụ cho cộng đồng và giảm sự mất cân đối về cơ cấu đất theo từng khu vực. Các quỹ đất, công trình sau khi di dời sẽ được quản lý chung, sau khi đánh giá giá trị, khả năng chuyển đổi, một số sẽ giao cho Chính phủ quản lý, một số sẽ giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, một số sẽ thực hiện để chuyển đổi chức năng, đấu giá, tạo nguồn vốn xây dựng chung cho các trụ sở mới. Việc chuyển đổi chức năng cụ thể của từng lô đất sẽ được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể ở các bước tiếp theo, làm cơ sở cho công tác định giá cho thực hiện đấu giá công khai theo quy định pháp luật.

Theo đề xuất, vốn bồi thường giải phòng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện gắn với các dự án khu đô thị đang triển khai; bàn giao đất sạch, có hạ tầng để xây dựng trụ sở các cơ quan trung ương. Đối với các cơ sở cũ, sau khi di dời các Bộ ngành ra địa điểm mới phải thực hiện quản lý sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, những công trình có giá trị về kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, hạn chế phá dỡ làm mất các giá trị; ưu tiêu sử dụng các công trình này cho mục đích văn hóa.

Như vậy, nguồn vốn thực hiện sẽ gồm: nguồn vốn nhà nước, vốn từ chuyển đổi các cơ sở cũ, thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT và PPP cùng nguồn vốn xã hội hóa khác. Giai đoạn từ 2012-2013 dự kiến sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thi tuyển ý tưởng kiến trúc quy hoạch các khu hành chính tập trung để chọn lựa các ý tưởng nổi bật, sáng tạo.

Từ năm 2012-2014 sẽ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật khu Tây Hồ Tây và Khu Mễ Trì. Công tác này gắn với 2 dự án đang triển khai là Khu trung tâm Tây Hồ Tây và Khu triển lãm quốc gia. 

Giai đoạn 2012-2015 triển khai đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan của 6 Bộ và 1 cơ quan thuộc chính phủ; giai đoạn 2015-2020 tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan 5 bộ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể. Ngoài năm 2020 sẽ thực hiện di dời và đầu tư xây dựng mới đối với các cơ quan ở nhóm chưa xem xét di dời và các cơ quan phát triển mới./.

Thu Hằng-Kim Anh (TTXVN)