Điều gì đang đón đợi tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh?

11/05/2017 11:02
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Liệu thành phố có dám “làm lại từ đầu” ở một vài lĩnh vực “nóng” hay vẫn loay hoay với mớ giải pháp manh mún. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo.

LTS: Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chính thức được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác giả Trương Khắc Trà nhật thấy một số vấn đề của Thành phố mang tên Bác đang chờ đợi ông Nguyễn Thiện Nhân ở phía trước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi ông Đinh La Thăng bị kỷ luật, cho thôi Uỷ viên Bộ Chính trị và hết đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/5 Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quyết định phân công ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nắm giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất thành ủy thành phố này.

Thông tin này nhận được sự quan tâm rộng rãi từ dư luận trong nước lẫn quốc tế, bởi Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - nơi đóng góp tới 31,8% ngân sách quốc gia; mỗi ngày thu về hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế. 

Là đầu tàu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, khoa học công nghệ, bộ mặt của đất nước...

Vậy nên, sự quan tâm của dư luận là điều dễ hiểu, nhưng mặt khác sự quan tâm này đồng thời phản chiếu một vài góc khuất mà ở đó có những vấn đề muôn thuở - nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ là “điểm nghẽn” khiến cho thành phố khó hóa rồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quyết định phân công nhiệm vụ cho ông Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: P.L)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quyết định phân công nhiệm vụ cho ông Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: P.L)

Một địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng, nên lãnh đạo phải xứng tầm, điều này không thể bàn cãi với một người dày dặn kinh nghiệm chính trường như ông Nhân. 

Ông có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, được đào tạo bài bản ở những nền giáo dục hàng đầu như Đức và Mỹ.

Từng kinh qua nhiều vị trí như lãnh đạo đoàn thanh niên, giáo dục, lĩnh vực khoa học công nghệ, nhà nước, Chính phủ... thông thạo nhiều ngoại ngữ. 

Một trí thức hàng đầu và hoàn toàn phù hợp với một địa phương đa ngành, đa lĩnh vực như Thành phố Hồ Chí Minh.

Không nói ai cũng biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang nắm giữ nhiều lợi thế - nơi tập trung chủ yếu nguồn lực chất lượng cao của cả nước, tiềm lực kinh tế hùng mạnh, có cơ chế riêng, cơ sở vật chất kỹ thuật vào dạng tốt nhất nước, có lịch sử phát triển năng động…

Nhưng, bên cạnh đó còn nhiều thách thức đón đợi tân Bí thư, những vấn đề cũ phát sinh và tồn đọng hàng chục năm nay.

Điều gì đang đón đợi tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh? ảnh 2

Tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân vinh dự vì được về nhà

Chướng ngại nằm ngay trước mắt và dễ thấy nhất là sự quá tải hạ tầng giao thông – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là những khu vực trung tâm và xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Phải làm thế nào để giải quyết? Liệu có phá ra làm lại tất cả hay cải thiện từng phần?

Hàng thế kỷ nay, thành phố được quy hoạch nhiều lần, nhưng chứa ai dám “làm lại từ đầu”.

Còn nếu giải pháp manh mún rời rạc đã áp dụng nhiều nhưng không mấy mang lại kết quả, thậm chí khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Ví dụ, mới đây một vài chuyên gia đề xuất cấm xe máy, lập tức dân chúng đặt câu hỏi: “Cấm xe máy thì đi bằng gì?”.

Câu hỏi này các vị chuyên gia chưa thể trả lời nên một lần nữa giải pháp chống ùn tắc lâm vào ngõ cụt. Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ tắc cả trên trời lẫn dưới mặt đất, tắc từ trong ra ngoài…

Đi kèm với tình trạng tắc người là tắc nước, đây là hệ quả của các khu đô thị mọc lên ngay vùng thoát nước ở ngoại thành cùng với tư duy quy hoạch mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn.

Nhiều vùng ở Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ chỉ cần một trận mưa lớn hoặc triều cường là tất cả bị xáo trộn, mọi thứ cứ loạn lên như gà mắc tóc, đại lộ biến thành sông, giao thông tắc nghẽn. 

Nước không chừa nơi nào từ khu ổ chuột đến biệt thự, khu đô thị sang chảnh…

Người viết cho rằng: Vấn đề lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh lúc này là hạ tầng giao thông, chỉ cần thành phố giải quyết được tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập cục bộ thì không cần chính sách đặc thù kinh tế vẫn phát triển nhanh chóng.

Hãy cứ tưởng tượng, một người trung bình mỗi ngày mất 10 phút vì kẹt xe, tính ra hàng triệu người năm này qua năm nọ là bao nhiêu thời gian?

Trong khi đó, đặc tính của một thành phố công nghiệp, hiện đại là tính kỷ luật trong lao động, đúng giờ giấc. 

Máy móc, công nghệ và cuộc cách mạng 4.0 không thể sống chung với nạn lãng phí thời gian, tính tùy tiện bất kể giờ giấc. 

Xem ra hạ tầng giao thông có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phồn thịnh của một vùng miền, nó được ví như “mạch máu” của nền kinh tế. Dĩ nhiên, khi tắc nghẽn sẽ làm xuất hiện những cơn tai biến, thậm chí chết người.

Thành phố Hồ Chí Minh đã là một “siêu đô thị”, hiện có gần 8,5 triệu dân, số dân này còn nhiều hơn dân số của không ít quốc gia trên thế giới, có chuyên gia nói rằng, giá như hiện tại thành phố bớt đi khoảng 3 triệu dân thì sẽ lý tưởng biết bao.

Điều gì đang đón đợi tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh? ảnh 3

Ông Đinh La Thăng xin lỗi nhân dân, xin lỗi Đảng

Có nghĩa là, phải có tính toán để giới hạn dân số nhằm nâng cao chất lượng sống, sự gia tăng dân số ở đây chủ yếu do lao động tự do khắp nơi đổ về.

Tất nhiên là họ sẽ đóng góp cho sự phát triển nhưng phần nào đó cũng là gánh nặng lên hệ thống hạ tầng giao thông, an sinh, phúc lợi xã hội và cả an ninh trật tự…

Một trong những điều làm nên sự năng động, đa dạng và hấp dẫn của thành phố này chính là người nhập cư, nhưng đây cũng là nguyên nhân hàng đầu làm mất đẳng cấp của thành phố, kéo giảm chất lượng sống. 

Thực tế có một bộ phận không nhỏ đến đây chỉ để tìm cơ hội phạm tội chứ chẳng đóng góp gì.

Hiện nay, nhân loại đang rục rịch với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khái niệm “công nghiệp 4.0” được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức. 

Sau đó, nó được định hình để trở thành một xu hướng phát triển của nhân loại, tiếp nối 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trong lịch sử.

Điểm cốt lõi của cuộc cách mạng lần này là trí tuệ nhân tạo, kết nối và số hóa ở phạm vi rộng…Nước ta không thể nằm ngoài xu hướng này, nếu không muốn nói đây là cơ hội hiếm có để chúng ta rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.

Ở Việt Nam, nhìn đi nhìn lại thì có người bảo Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tốt nhất để tiếp nhận thành quả của cuộc cách mạng 4.0.

Với nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất hiện có, thành phố phải là nơi đi đầu để tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp này.

Với ước muốn biến Quận 1 thành Singapore thu nhỏ, việc đầu tiên mà chính quyền thành phố tiến hành là dọn dẹp vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Công việc này đã ngốn của báo chí và dư luận không biêt bao nhiêu là giấy mực.

Nhưng rồi, nay có vẻ chùng xuống, chẳng hiểu vì lý do gì!?

Bao nhiêu năm nay, dọn dẹp vỉa hè vốn không phải là việc hệ trọng của thành phố này, nhưng bản chất vấn đề là khi có niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân rồi thì làm sao để giải quyết rốt ráo vấn đề mới là chuyện đáng nói ở đây.

Từ việc không lớn có thể suy ra việc lớn nhưng từ việc lớn không thể quy kết việc cỏn con.

Người viết tin rằng, với một con người có tâm và tầm như Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn phù hợp với vị trí lãnh đạo một địa phương có thế mạnh về công nghiệp dịch vụ, khoa học và công nghệ.

Tiềm năng của thành phố là tài nguyên có sẵn, vấn đề là khơi nó lên như thế nào.

Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều vấn đề không thể giải quyết nếu cứ sử dụng các giải pháp xưa cũ.

Liệu rằng thành phố có dám “làm lại từ đầu” ở một vài lĩnh vực “nóng” hay vẫn loay hoay với mớ giải pháp nhỏ. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và góp ý của riêng tác giả. 

Trương Khắc Trà