Đổ xô xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc

01/04/2015 06:58
Xứ Nghệ
(GDVN) - Chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm lao động tại vùng nông thôn Nghệ An đã đổ xô nhau đi xuất khẩu lao động chui qua các đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Đi xuất khẩu lao động không cần hộ chiếu

Theo ông Lã Thế Vinh – Phó trưởng Phòng việc làm, tiền lương, bảo hiểm (thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An), cho biết: “Hiện chỉ mới có ký kết hợp tác lao động với Ma Cao và Đài Loan chứ nước ta chưa có ký kết hợp tác lao động nào với Trung Quốc”.

Vậy nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam thì thời gian gần đây có hàng trăm người dân chủ yếu ở vùng nông thôn thuộc một số xã của huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vẫn kéo nhau đi xuất khẩu lao động sang Trung Quốc.

Hàng năm số lượng người dân có mong muốn đi xuất khẩu lao động tại Nghệ An là rất lớn (ảnh nguồn internet)
Hàng năm số lượng người dân có mong muốn đi xuất khẩu lao động tại Nghệ An là rất lớn (ảnh nguồn internet)

Chị Nguyễn T.T. (trú tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: “Làng tôi cứ có người nào khỏe mạnh là kéo nhau đi sang Trung Quốc làm hết. Vốn đi chẳng mấy bao nhiêu mà nghe nói lương tháng gần chục triệu. Giờ trong làng có đến hơn 50 người đang đi làm việc bên Trung Quốc. Không biết làm ăn sao chứ giờ họ rủ nhau đi ngày càng đông. Thủ tục lại đơn giản không quá rắc rối, chỉ cần nộp ít tiền chẳng cần hộ chiếu hay học tiếng gì cũng đi được hết”.

Theo tiết lộ của các gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc cho biết, những năm trước đây người dân các vùng này đã đi sang Trung Quốc làm việc chui. Trước đó, số lượng người đi không nhiều nhưng sau khi thấy nhiều người trở về làm ăn được nên thời gian gần đây người dân đã đổ xô đi xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc.

Mỗi người muốn sang Trung Quốc làm việc phải đóng tiền phí cho các “cò” dịch vụ 5 đến 6 triệu đồng. Sau khi đóng tiền dịch vụ ít ngày, các “cò” tập trung đủ số người sẽ đưa những lao động này di chuyển theo đường bộ qua các đường tiểu ngạch để sang Trung Quốc.

Hệ lụy của việc xuất khẩu lao động chui để lại rất nhiều, trong ảnh một nạn nhân tại Nghệ An tử vong khi đi xuất khẩu lao động chi sang Angola (ảnh Xuân Hòa)
Hệ lụy của việc xuất khẩu lao động chui để lại rất nhiều, trong ảnh một nạn nhân tại Nghệ An tử vong khi đi xuất khẩu lao động chi sang Angola (ảnh Xuân Hòa)

“Chồng tôi phải đóng cho mấy người làm dịch vụ 5 triệu đồng để được họ (các cò dịch vụ - PV) đưa đi. Sau khi đóng tiền thì ít hôm sau chồng tôi cùng mười mấy người khác được họ đưa sang bên Trung Quốc bằng đường bộ. Anh ấy gọi về cho biết trên đường đi phải chuyển 3, 4 chặng xe. Giờ anh cũng đã sang làm được gần tháng rồi. Nghe nói làm bàn bi –a chứ thực chất gia đình cũng không nắm rõ làm gì. Bởi khi đi cũng không ký hợp đồng gì cả, hộ chiếu cũng không cần làm, tiếng cũng không cần học”, chị Trần T.H (trú tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết.

15 tuổi đã đi sang Trung Quốc làm việc

Thường các lao động trước khi xuất khẩu lao động sang nước khác phải được ký hợp đồng làm việc, học nghề, học tiếng và học luật của nước sắp sang. Để được sang làm việc tại nước khác các lao động phải đáp ứng được sức khỏe, đã đến độ tuổi lao động, làm hộ chiếu, Visa và một số thủ tục theo yêu cầu mới sang làm việc được tại nước đang cần tuyển dụng lao động.

Tuy nhiên, với các lao động sang Trung Quốc theo kiểu xuất khẩu lao động chui không cần hộ chiếu, giấy tờ, học tiếng, không cần đã đủ tuổi lao động theo quy định. Điều duy nhất các lao động phải đáp ứng được khi xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc là phải đóng “phí dịch vụ” đầy đủ và đáp ứng được sức khỏe để làm việc.

“Chồng tôi chẳng hề biết chữ nên làm sao mà đi học tiếng như đi các nước khác. Thấy họ nhìn có sức khỏe, biết làm việc là họ nhận đưa đi thôi. Chỉ đóng 5 triệu cho họ là mọi việc họ lo cho mình hết. Cũng chẳng cần làm hộ chiếu, giấy khám sức khỏe mà chỉ nhìn bề ngoài là họ nhận. Chứ mà làm khắt khe như các nước khác thì chồng tôi có muốn đi cũng chịu”, chị Trần T.H. (trú tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vô tư lý giải.

Chị Nguyễn Thị M. (trú tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: “Con trai tôi mới có 15 tuổi nhưng cháu nó cao lớn, khỏe mạnh. Gia đình tôi là gia đình lao động, gia đình khó khăn nên cháu phải nghỉ học sớm làm đủ mọi việc rất linh hoạt. Vì vậy, khi sang gửi để họ đưa đi họ không ngần ngại nhận cháu ngay. Giờ cháu sang đó làm việc nghe nói cũng được khen nhiều bởi cháu nhanh nhẹn, mau quen việc. Chứ nếu đúng phải 3 năm nữa cháu mới đủ tuổi lao động”.

Cũng theo tiết lộ của các gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc thì việc đi xuất khẩu lao động sang nước này có thể đi bất cứ lúc nào. Chỉ cần sang nhờ các “cò dịch vụ”, sau khi các cò này gom đủ người sẽ đưa các lao động sang Trung Quốc làm việc bất cứ vào thời điểm nào.

Như vậy, cho thấy việc xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc tại các vùng nông thôn của Nghệ An đang có dấu hiệu xấu. Hệ lụy của việc xuất khẩu lao động chui đã thấy rõ qua nhiều trường hợp trước đó. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc dẹp bỏ, tuyên truyền đến người dân để nhanh chóng xóa được nạn xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc như hiện nay.

Xứ Nghệ