Nhật ký Pả Vi:

Đoàn từ thiện báo GDVN xuyên màn đêm đến với học trò Pả Vi

16/12/2011 22:13
Thu Hòe
(GDVN) - Cuộc hành trình từ thiện của Báo GDVN đến với trường TH Pả Vi (Mèo Vạc – Hà Giang) sau bao chờ đợđã chính thức khởi hành 21h30 tối nay, 16/12.
Chuyến thăm và tặng quà các học sinh bán trú ở Pả Vi , Mèo Vạc, Hà Giang là chuyến đi xa cuối cùng trong năm 2011 của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Sau rất nhiều chờ đợi, tối nay, lúc 21h30, đoàn từ thiện của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã lên đường đến với các em học sinh biên giới, nơi địa đầu của Tổ quốc.

Để lại cái rét nhẹ nhàng của Hà Nội, đoàn lại khởi hành trong điều kiện đêm tối cho kịp lộ trình 500 Km (Hà Nội – Mèo Vạc, Hà Giang). Sự nhiệt tâm của những thành viên tham gia đoàn từ thiện đã khiến bầu không khí trở nên ấm áp, thân tình hơn.

Đoàn từ thiện báo GDVN xuyên màn đêm đến với học trò Pả Vi ảnh 1
Lần này, không chỉ số lượng thành viên của Đoàn đông hơn mà vật phẩm, quà tặng cũng nhiều hơn. Báo phải thuê riêng một xe 16 chỗ để chở hàng mà vẫn chưa hết

Mỗi thành viên tham gia đoàn từ thiện cùng báo Giáo dục Việt Nam đến trường Pả Vi, Mèo Vạc, Hà Giang lại mang trong mình những suy nghĩ, tình cảm riêng. Nhưng những nhà hảo tâm của chuyến đi đều khát khao đi để trải nghiệm, đi để học hỏi, đi để biết xung quanh ta còn quá nhiều người kém may mắn cần bàn tay sẻ chia của xã hội.

Đoàn từ thiện lần này gồm tổng số 54 nhà hảo tâm từ nhiều cơ quan đoàn thể khác nhau. Trong đó sự tham gia đặc biệt của diễn viên Hải Anh, giảng viên Ngô Anh Thơ (người bốn lần tham gia từ thiện cùng báo), sư thầy Thích Quảng Hoàng (Chùa Tảo Sách – Tây Hồ)…. Trong đó, đoàn phóng viên của Đài Truyền Hình Hà Nội đã đi trước mở đường cho chuyến đi.

Trong thời gian qua, có rất nhiều nhà hảo tâm từ khắp các mọi miền của đất nước gửi tiền ủng hộ các em học sinh nghèo miền núi về Quỹ Tấm lòng Việt Nam, báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với mong muốn đóng góp phần nào đó để làm với đi những khó khăn, vất vả trong hành trình học chữ của các em.

Trong chuyến đi này, báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam đã trích từ Quỹ Tấm lòng Việt Nam, hỗ trợ 230 em học sinh tiểu học bán trú ở điểm trường chính TH Pả Vi, điểm trường lẻ Mã Pí Lèng (44 học sinh) và điểm trưởng lẻ Kho Tấu (29 học sinh), 100 bé mầm non bán trú và 135 em học sinh bán trú THCS.

Đoàn từ thiện báo GDVN xuyên màn đêm đến với học trò Pả Vi ảnh 2
Các thành viên trong đoàn họp mặt trước khi xuất phát

Hà Giang là tỉnh biên giới mà bấy lâu nay người ta vẫn dùng những từ như: Khô – Khó – Khổ để hình dung về mảnh đất này….

Được sự đầu tư từ chương trình 135 của Chính phủ, Pả Vi đã có điện và được đầu tư xây dựng các công trình, cơ sở vật chất. Người dân ở địa phương đã dần được tiếp cận với nhiều phương tiện thông tin hơn. Tuy nhiên, nhìn chung cuộc sống của người dân cũng như các em học sinh vẫn cực kỳ thiếu thốn. Hầu hết các điểm trường lẻ vẫn chưa có điện, duy nhất có điểm trường lẻ Mã Pí Lèng là có điện. Điều kiện dạy và học của thày và trò Pả vi còn vô vàn những khó khăn, thiếu thốn.

Theo kế hoạch, sau khi di chuyển bằng ô tô tới điểm trường chính, đoàn sẽ được các thầy cô chở bằng xe máy tới thăm và tặng quà học sinh ở hai điểm trường lẻ là Mã Pí lèng và Kho Tấu.  

Theo thông tin chúng tôi nhận được từ cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường TH Pả Vi, các em học sinh bán trú dân nuôi ở điểm trường chính tuy được ở lại trường nhưng điều kiện ăn uống cực kỳ kham khổ.

Cũng giống như bao em nhỏ học sinh vùng cao khác, bữa ăn của các em chủ yếu là rau, canh suông, muối trộn ớt... Vào những lúc giáp hạt, các thầy cô đều phải phụ thêm để có đủ cơm cho các em ăn.

Với các em học ở điểm lẻ, tuy không phải ngủ lại trường qua đêm nhưng phòng học ở điểm lẻ lại thiếu thốn hơn nhiều so với điểm chính. Hiện tại mới chỉ có 1 điểm trường lẻ trong xã có điện.

“Hà Giang rét lắm. Rét đến tím tái da thịt. Đoàn có lên mới hiểu hết được nỗi khổ cực của học sinh, giáo viên trên này. Chúng tôi mong đoàn lên sớm lắm! Đoàn lên sớm bao nhiêu, các cháu có quần áo âm, chăn ấm đắp sớm bấy nhiêu… Mọi người trong đoàn nhớ mang thật nhiều áo ấm không là không chịu được cái lạnh giá nơi đây đâu đấy”, cô giáo Nguyễn Thị Hương xúc động khi trao đổi với chúng tôi qua điện thoại.

Nghĩ tới cảnh các em học sinh co ro ngồi học trong lớp và cảm nhận được từng cơn gió lạnh thổi qua vách, những người làm công tác xã hội của Báo lại muốn ngay lập tức thu ngắn khoảng cách 500 Km để được đến thăm và chia sẻ khó khăn cùng các em.

Thu Hòe