“Đôi mắt Tào Tháo” và sự thất bại của lòng tốt?

21/02/2017 06:50
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Có quá nhiều sự việc đáng buồn, đáng để suy nghĩ nhưng người viết vẫn đặt đằng sau mệnh đề “sự thất bại của lòng tốt” bằng một dấu hỏi.

LTS: Bàn về lòng tốt trong xã hội hiện nay, tác giả Trương Khắc Trà phản ánh một hiện thực xã hội khi con người phải luôn cảnh giác với nhau để bảo vệ bản thân.

Dù phát hiện ra “cái xấu”, dù biết cần phải lên tiếng để đẩy lùi “cái xấu” nhưng đôi khi để an toàn, người ta vẫn lựa chọn “im lặng là vàng”.

Và khi đó, lòng tốt phải nhường chỗ cho nhu cầu tìm kiếm sự an toàn của mỗi con người.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Lần đầu bước chân đến thành phố lớn nhất nước tôi được ông anh có thâm niên 15 năm “chinh chiến” ở đây dạy cho một khóa vỡ lòng về cách giữ gìn tài sản cá nhân.

Nếu có đây chuyền vàng, bông tai, đồng hồ xịn phải thu vào trong, nghe điện thoại trên đường mắt đảo liên tục cảnh giác… coi chừng bị giật!

Ở trọ cùng nhau nhưng tuyệt đối không được tin một ai, chỉ sơ hở mấy giây thôi đồ của bạn sẽ nhẹ nhàng “bốc hơi” đi về nơi xa lắm, nói tóm lại ở môi trường này không có nhiều người để bạn đặt niềm tin vào họ. 

Đâu đâu cũng thấy người và người nhưng ai cũng ném vào nhau cái nhìn ngờ vực.
 
Một anh chàng hào hoa lịch lãm, veston comple nhưng rất có thể là tên lừa đảo, một cô nữ sinh mặt non choẹt nhưng không loại trừ đó là con nghiện ma túy, một người đàn ông ăn mặc bẩn thỉu, bán nước vỉa hè nhưng có trong ngân hàng vài chục tỷ là chuyện thường…

Mọi điều có thể xảy ra, chẳng ai có thể hiểu được ai.

Dù phát hiện người ta làm việc xấu nhưng mấy ai dám lên tiếng tố cáo. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)
Dù phát hiện người ta làm việc xấu nhưng mấy ai dám lên tiếng tố cáo. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)

Sống ở đây bạn luôn luôn phải canh chừng, đề phòng người bên cạnh có thể hại bạn bất cứ lúc nào, đó là một cuộc khủng hoảng các giá trị nhân văn tuy êm thấm nhưng vô cùng kinh hãi. 

Niềm tin, lòng tốt, sự bao dung… quá nhỏ bé so với sự vị kỷ, nghi kỵ lẫn nhau.

Phải chăng môi trường sống quá khắc nghiệt khiến con người phải trang bị cho mình “đôi mắt Tào Tháo”, phải biết ngờ vực, đề phòng với tất cả nếu không muốn bản thân mình gặp rắc rối. 

Trên xe buýt ở Hà Nội xuất hiện cảnh một gã trai nằng nặc nhận cô gái xinh đẹp bên cạnh là…vợ mình rồi lớn tiếng la mắng, quát nạt cầm tay lôi đi như kiểu “đồ đàn bà hư hỏng, về nhà biết tay ông”. 

Mặc cho cô gái van xin cầu cứu, cố giải thích với những người xung quanh là cô ta đang bị bắt cóc công khai, kết quả chẳng ai dám lên tiếng và vụ cướp người công khai diễn ra hoàn hảo.

Cậu bạn tôi một lần dẫn người yêu dạo chơi công viên, thấy rõ mồn một tên đạo chích gắp chiếc điện thoại đắt tiền của người bên cạnh rồi chuyển cho đồng bọn tẩu thoát nhưng đành im lặng cho qua. 

Nếu lên tiếng chắc chắn sẽ bị nhừ đòn bởi băng nhóm của bọn chúng vây quanh… vì sự an toàn của bản thân mà lòng tốt đành tắt lịm.

“Đôi mắt Tào Tháo” và sự thất bại của lòng tốt? ảnh 2

Làm ơn, dễ bị bắt vạ…

Ai cũng biết câu chuyện kinh điển trong “Tam quốc diễn nghĩa”, lần nọ Tào Tháo bị truy sát, vừa đói vừa mệt may mắn gặp được ngôi nhà của lão tiều phu hiền lành, thấy Tháo tội nghiệp lão mài con dao mổ lợn làm cơm thiết đãi. 

Vốn người đa nghi, tưởng ông lão chuẩn bị hại mình Tháo đã giết luôn ông lão để trừ hậu họa.

Tính đa nghi của Tào Tháo chính là thứ vũ khí lợi hại nhất để nhân vật này trở thành bá chủ thiên hạ sau này. 

Nhưng việc Tào Tháo giết chết thần y Hoa Đà cũng vì tính đa nghi đã biến con người này thành một gian hùng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa, khi sự nghi kỵ bị đẩy đi quá xa sẽ là mảnh đất tốt cho cái ác nảy nở sinh sôi.

Xe ô tô chở Hiệu trưởng cán gãy chân một học sinh lớp 2, để chạy tội, Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên, Hà Nội phát phiếu thăm dò và kết quả thật mỹ mãn, 100% giáo viên xác nhận không có xe ô tô vào trường trong thời điểm học sinh gãy chân, 100% cán bộ nhà trường xác nhận như trên, 100% học sinh cũng xác nhận như trên. 

Sự việc cuối cùng chỉ được làm rõ khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và kết quả điều tra từ cơ quan công an.

Người viết không ấu trĩ đến nỗi quy kết cho những cán bộ, giáo viên, học sinh của nhà trường đều là người xấu trong trường hợp này, họ không xấu nhưng cũng chưa phải tốt.

Họ làm vậy là có lý do, lý do gì thì tất cả chúng ta đều hiểu, đó là mưu cầu sự an toàn cho bản thân để rồi phải giả đui giả mù trước cái sai! 

Sự nhút nhát có thể được thông cảm bởi lẽ phận “con sâu cái kiến” sao dám bẻ nạng chống trời?

Nhà thờ dòng họ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu và đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã được xây dựng từ lâu. 

“Đôi mắt Tào Tháo” và sự thất bại của lòng tốt? ảnh 3

“Nếu anh không có lỗi tại sao lại tốt đến thế?”

Sau khi Dự án mở rộng Quốc lộ 8B được triển khai, nhà thờ này nằm trong diện phải di dời.

Tuy nhiên, đến thời điểm này nhà thờ vẫn đang nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ [1].

Trong khi có hàng trăm hộ gia đình hiến đất hiến nhà để mở rộng quốc lộ thì từ đường họ Đặng vẫn chễm chệ nơi đường cong mềm mại, dư luận biết, nhân dân biết nhưng cán bộ lại… không biết!? 

Vì ông ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh, Phó Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết đã nắm được thông tin phản ánh qua báo chí. 

Chúng tôi có nghe thông tin này trên báo chí. Tôi đang chỉ đạo anh em kiểm tra lại và sẽ cung cấp thông tin cho báo chí sau”, ông Kỳ khẳng định [2].

Quốc lộ 8B là con đường lớn, rộng đến 24 mét chẳng lẽ những người quản lý lĩnh vực giao thông vận tải của tỉnh này không biết trên đó có những gì hay sao mà phải chờ nghe thông tin từ báo chí? 

Nếu báo chí không phát hiện ra thì đến bao giờ mới đến tai chính quyền?

Cái lý nó như vậy nhưng về xét cái tình khó có thể trách được ai, giả sử như ngôi từ đường ấy không phải của những vị quan to nhất tỉnh này thì mọi nhẽ đã khác, cái mấu chốt vấn đề nằm ở đó, người ta không phải không biết cái bất hợp lý nhưng vì phải mưu cầu một sự an toàn cho mình và người thân nên nhắm mắt làm ngơ.

“Đôi mắt Tào Tháo” và sự thất bại của lòng tốt? ảnh 4

Khi lòng tốt bị nghi ngờ

Chắc chúng ta còn nhớ mấy con chim chào mào nổi tiếng ở Quảng Nam, chủ nhân của nó là vị Giám đốc Sở nhiều điều tiếng trước đây, xui cho mấy tên đạo chích có mắt như mù, trộm chim của lãnh đạo nên bị truy bắt tới cùng. 

Tại sao công lý “mở mắt” trong trường hợp này nhưng “nhắm mắt” trong trường hợp khác? Xin được nhường câu trả lời cho người đọc.

Dư luận “nóng” lên vụ chàng trai cứu cô gái bị tai nạn nhưng chính anh đã bị người nhà nạn nhân xông vào đâm nhát dao chí mạng, (có thể) và hy vọng rằng đây là sự việc cá biệt nhưng là ví dụ không thể điển hình hơn về “đôi mắt Tào Tháo” và lòng tốt bị nghi ngờ.

Bản chất đáng lo của vụ việc là sợ nó sẽ tạo tiền lệ xấu, làm hư hao lòng tốt trong đời sống, một sự cố xảy ra bao giờ cũng xúm đen xúm đỏ toàn người là người nhưng trong hàng trăm người đó họa hoằn lắm chỉ có một vài người xắn tay áo lên và hành động, còn lại là chụp ảnh, quay phim, nhòm ngó rồi phán xét…

Có quá nhiều sự việc đáng buồn, đáng để suy nghĩ nhưng người viết vẫn đặt đằng sau mệnh đề “sự thất bại của lòng tốt” bằng một dấu hỏi. 

Bởi nhìn rộng ra, lòng tốt chưa thể thất bại, vì lòng tốt đã thất bại liệu chúng ta có còn được sống? Tuy nhiên “lòng tốt chưa thất bại” có nghĩa rằng nguy cơ thất bại của lòng tốt luôn để ngỏ. Điều đó phụ thuộc vào mỗi chúng ta!

Tài liệu tham khảo:
[1], [2]http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-tho-ho-chu-tich-ha-tinh-lan-duong-hanh-dong-nong-3329050/

Trương Khắc Trà