Dự án bị bỏ quên nhưng không ai bị kiểm điểm (?!)

17/06/2013 15:12
Mai Nguyễn
(GDVN) - “Có dự án sau khi công bố quy hoạch thì việc triển khai thực hiện cầm chừng cũng có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý. Đó chính là những vấn đề nhức nhối trong công tác quy hoạch hiện nay”.
ĐBQH Huỳnh Nghĩa, đoàn TP Đà Nẵng nêu ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Luật đất đai sửa đổi ngày 17/6.

Nhiều dự án bỏ hoang
Nhiều dự án bỏ hoang


Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội, đối với nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính... thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của Pháp luật.

ĐB Hà đề nghị liệt kê tên cụ thể các loại thuế này, sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không được thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Liên quan đến việc thu hồi đất, ĐB Ngô Văn Minh, đoàn ĐBQH Quảng Nam nêu dự thảo luật quy định nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào 3 mục đích: Về quốc phòng, an ninh, về lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là nội dung mà Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước hết sức quan tâm, vốn gây nhiều tranh cãi và trên thực tế đã bị lạm dụng, xảy ra nhiều sai phạm, tiêu cực, làm phát sinh nhiều khiếu kiện nhất là đối với thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội… Nhưng nội dung này ông Minh lại thấy “không có gì khác so với luật hiện hành”.

Tán thành với các quy định phân biệt rõ ràng, minh bạch như dự thảo, ĐB Minh “hy vọng với những bài học kinh nghiệm đắt giá trong thực tiễn những năm qua, các quy định này sẽ được triển khai thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, công khai, nghiêm túc thì nhân dân sẽ yên tâm và đồng tình ủng hộ”.

Chia sẻ tại hội trường, ĐB Nguyễn Thanh Thụy, đoàn Bình Định thì cho rằng quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Tuy nhiên đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nhà nước phải trưng mua, bởi nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của tổ chức và cá nhân thì nhà nước không thể thu hồi lại, càng không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất.

Liên quan đến giá đất, ĐB Thụy phản ánh thực trạng giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chỉ bằng khoảng 40% giá thị trường. Cá biệt, tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 18-30% giá thị trường.

Do công tác quản lý nhà nước còn buông lỏng và giá thuê đất quá thấp nên nhiều doanh nghiệp giữ đất sử dụng đất sai mục đích và cho thuê lại đất để hưởng chênh lệch địa tô diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp mới thành lập khả năng tiếp cận đất trực tiếp của nhà nước rất khó khăn, thường phải đi thuê lại của doanh nghiệp trước đó với giá rất cao.

Đồng tình với quy định thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia… Tuy nhiên, bà Thụy cũng đề nghị đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh được các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn những dự án mang tính kinh tế đơn thuần vì lợi ích của nhà đầu tư thì để nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

ĐB Lê Thị Công, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị: “Giá đất khi xây dựng phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của các loại đất của cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng đấu giá quyền sử dụng đất thành công, hoặc phù hợp với việc sử dụng đất đối với trường hợp được xác định thu nhập”.

Cho rằng việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vấn đề “nóng” nhất hiện nay, ĐBQH Huỳnh Nghĩa, đoàn TP Đà Nẵng phản ánh một số dự án “treo” gây bất bình trong nhân dân, đất bỏ hoang không sử dụng, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở. Có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng cũng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật, nhiều dự án sau khi được phê duyệt nhưng nhiều năm không công bố quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.

 “Có dự án sau khi công bố quy hoạch thì việc triển khai thực hiện cầm chừng cũng có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý. Đó chính là những vấn đề nhức nhối trong công tác quy hoạch hiện nay đều cho thấy công tác này còn nhiều bất cập. Nhưng dự thảo luật lại chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản” – ĐB Nghĩa nêu.



Mai Nguyễn