“Đừng thấy lợi cho mình mà ép người dân”

02/04/2012 11:26

Đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông được Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) đề xuất đang làm nóng dư luận.

Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về chương trình kỳ họp sắp tới, đại diện của MTTQ đã phát biểu cho biết “Đề án thu phí phương tiện giao thông để giảm ùn tắc” của Bộ GTVT đề xuất đang “có nhiều ý kiến trái chiều trong nhân dân” nên cần phải được đưa ra Quốc hội. Ông có thể cho biết những ý kiến phản ánh của người dân xung quanh vấn đề này?

- Chúng tôi ghi nhận một bộ phận người dân có ý kiến phản ánh gay gắt, một bộ phận phản ứng vừa vừa và một bộ phận đồng tình với đề án này của Bộ GTVT. Bộ phận người dân có ý kiến phản ánh gay gắt nhất là những người lao động nghèo, phải kiếm sống bằng phương tiện xe cá nhân như xe ôm, nông dân chở hàng hóa nông sản ra đô thị… và chủ yếu là người dân các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng. Các ý kiến phản đối cho rằng, ùn tắc giao thông xảy ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mà bắt cả nước phải chịu mức phí hạn chế phương tiện cá nhân là không công bằng.

Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ông có cho rằng việc ùn tắc giao thông lỗi là ở người dân không?

- Tôi cho rằng nguyên nhân của ùn tắc do rất nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân cốt lõi do công tác quy hoạch hạ tầng giao thông không có tầm nhìn xa, quy hoạch không theo kịp với sự phát triển. Tôi xin lấy ví dụ, sau gần 30 năm đổi mới, từ chỗ người dân tham gia giao thông chủ yếu bằng xe đạp nay đã phát triển lên gần 100% là xe máy. Từ sau năm 1975, cấp thứ trưởng không có ô tô riêng, đến nay đã có ô tô riêng, không những thế một bộ phận lớn cán bộ có xe ô tô cá nhân. Đó là chưa kể hàng nghìn doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp có xe riêng…

Tất nhiên, việc ùn tắc không thể không có trách nhiệm của người dân trong đó, bởi trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều thời điểm người dân đồng tình và ủng hộ với các đề án quy hoạch của Nhà nước. Đồng thời, người dân với tâm lý “thích tự do”, lại sớm đi vào công nghiệp hóa, đô thị hóa nên còn thói quen chen lấn gây nên ùn tắc.

Thực tế nhiều ý kiến cho rằng như vậy là tận thu khiến người dân rất bất bình, đặc biệt là những người dân nghèo sống nhờ vào phương tiện cá nhân như nông dân, xe ôm?

- Trong các buổi thảo luận của Mặt trận gần đây, chúng tôi đều thấy rằng nhiều loại thuế, phí hiện nay không rõ định hướng xã hội chủ nghĩa. Thuế, phí phải góp phần giảm sự phân hóa giàu nghèo, ổn định an sinh xã hội. Chính vì vậy, đối tượng nào phải đóng, đối tượng nào không cần, phải được phân định rõ ràng để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chẳng hạn xe “xịn”, xe để đi chơi thì phải đóng nhiều, đóng đủ loại thuế, phí là đương nhiên. Còn các loại xe “cà tàng”, xe của nông dân mang hàng hóa ra đô thị bán mà bắt họ đóng đủ loại thuế, phí như các loại xe khác là không thỏa đáng, không khuyến khích được sản xuất. Bởi người nông dân là khổ nhất, được hưởng ít. Đừng thấy lợi cho mình mà ép người dân.

Chỉ một số ít người dân ủng hộ việc thu phí hạn chế lưu hành phương tiện cá nhân.
Chỉ một số ít người dân ủng hộ việc thu phí hạn chế lưu hành phương tiện cá nhân.

Theo ông, cái “mất” ở đây là gì nếu Bộ GTVT áp dụng việc thu phí hạn chế phương tiện? Liệu việc thu phí có giảm ùn tắc hay không?

- Bộ GTVT từ trước tới nay vẫn chịu nhiều sức ép của xã hội, dư luận nhất. Tuy nhiên với đề xuất này, rõ ràng chính sách của Bộ chưa thể hiện được lòng dân, nhất là qua những chính sách gần đây chưa xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, cái mất sẽ là mất đi sự ủng hộ của người dân.

Việc học tập, rút kinh nghiệm những ưu điểm của nước ngoài là tốt, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn Việt Nam thì nên coi trọng tính hợp lý và sự phù hợp. Không nên tách rời thực tiễn và lý thuyết, và chỉ khi nào độc lập suy nghĩ thì mới có chính sách đi từ lòng dân.

Gần đây có rất nhiều đề xuất của các cơ quan quản lý liên quan trực tiếp đến người dân nhưng không tổ chức trưng cầu ý dân, hoặc thông qua cơ quan đại diện của nhân dân là Mặt trận (chẳng hạn như thay đổi giờ học, giờ làm, đề án thu phí…). Ông có ý kiến gì xung quanh vấn đề này?

- Có một thực tế là gần đây các cơ quan quản lý, hành pháp ngày càng nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước mà coi nhẹ vai trò của dân trong quá trình hoạch định chính sách. Thậm chí, nhiều nơi ít quan tâm đến ý kiến của dân. Đây là mặt yếu trong quản lý nhà nước hiện nay.

Nếu sắp tới vấn đề này được đưa ra xin ý kiến phản biện của Mặt trận thì ông với tư cách là Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội sẽ bảo vệ quan điểm nào?

- Nếu vấn đề này được đưa ra thảo luận, phản biện, tôi sẽ ủng hộ những gì đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và cơ quan quản lý. Nếu chỉ vì đem lại lợi ích cho người quản lý thì tôi và những thành viên trong hội đồng tư vấn chắc chắn sẽ không ủng hộ.

Xin cảm ơn ông!

Phương Hà/Dân Việt