Gặp người chiến sĩ cắm cờ giải phóng ở tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất

30/04/2013 06:23
Ngọc Quang
(GDVN) - 9h30 ngày 30/4, lá cờ sao vàng nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất trong tiếng súng rền vang của quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn.
823 ngày đêm đấu tranh trực diện ở trại Đa-Vít

Một trong hai người cắm lá cờ thiêng liêng ấy là ông Phạm Văn Lãi – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Văn phòng Chính phủ (người còn lại là ông Nguyễn Văn Cẩn, hiện đang ở Bà Rịa - Vũng Tàu).
Mấy năm gần đây, ông Lãi bị nhiều căn bệnh hành hạ, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều, nhưng ngay cả những lúc mệt mỏi nhất (chuẩn bị phải nhập viện) thì ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm tự hào, niềm hạnh phúc của 38 năm về trước khi nhắc lại thời khắc thiêng liêng lao mình đến tháp nước để cắm lá cờ ghi dấu một chiến tích oanh liệt của quân ta tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Phạm Văn Lãi quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình – một miền quê giàu truyền thống cách mạng, nơi đã sản sinh ra rất nhiều tên tuổi anh hùng trong lịch sử dân tộc. Có lẽ, vì được sinh ra ở một vùng đất giàu cách mạng như vậy mà ông Lãi đã mang trong mình ý chí của một chiến sĩ quả cảm.

Năm 1970, ông xung phong ra mặt trận khi đang học trường thể dục thể thao ở Bắc Ninh. Tôi hỏi: Lúc ông xung phong nhập ngũ, ở nhà các cụ có buồn không? Ông bảo: “Không đâu, bố mẹ tôi ủng hộ tôi xung phong ra tiền tuyến. Lúc ấy khí thế lắm, có hàng nghìn thanh niên sẵn sàng xung phong ra mặt trận, tất cả đều hướng về một điều duy nhất là phải giải phóng miền Nam, giành thống nhất đất nước”.

Ông Phạm Văn Lãi - chiến sĩ cắm cờ giải phóng tại tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.
Ông Phạm Văn Lãi - chiến sĩ cắm cờ giải phóng tại tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.
Sau 6 tháng rèn luyện, ông Lãi được điều động vào chiến trường miền Đông (B2) – một trong những trận địa quan trọng của chiến dịch giải phóng miền Nam. Đã có những lần bị rơi vào ổ phục kích, rồi bị sốt rét ác tính, bị bọ cạp đốt, bị rắn cắn, vắt cắn… nhưng những gian khổ, hiểm nguy ấy không thể làm nhụt ý chí chiến đấu của người chiến sĩ Phạm Văn Lãi.
Năm 1973, ông trở thành chiến sĩ của Phòng điện ảnh (có mật danh là B8) thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam (Cục Chính trị B2) hoạt động tại trại Đa-Vít. Ông kể rằng, đó là những ngày tháng mà các chiến sĩ sống trong lòng địch, phải cảnh giác cao độ để đánh bật mọi âm mưu đen tối của kẻ thù.

Ông Lãi nhớ lại: “Theo ký kết tại Hiệp định Paris thì vào đầu tháng 2/1973 hai phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt tại trại Đa-Vít trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris.

Trại Đa-Vít như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch. Chúng tôi đã trải qua 823 ngày đêm đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ - ngụy. Những năm tháng lịch sử ấy, chúng tôi đã kiên cường bám trụ để đấu tranh, phối hợp với quân dân cả nước buộc quân Mỹ phải rút khỏi nước ta, đánh cho quân ngụy sụp đổ hoàn toàn ngay trong sào huyệt của chúng”.
Ở chiến trường, anh em chiến đấu đầy gian khổ, vì vậy mà mỗi thước phim, mỗi buổi biểu diễn văn nghệ đều vô cùng quý giá. Nó có thể tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng lớn lao, giúp người chiến sĩ vượt lên trên cả sức mạnh và ý chí của chính bản thân. Ví như trước trận đánh cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày 26/4/1975, anh em đã chiếu liền 5 tập phim “Giải phóng châu Âu” của điện ảnh Liên Xô. Hình ảnh những chiếc xe tăng Hồng quân ào ạt tiến vào Berlin và lá cờ đỏ Búa Liềm tung bay trên nóc nhà Quốc hội Đức khiến mọi người được củng cố thêm sức mạng tinh thần, ý chí chiến đấu và tin tưởng rằng lá cờ cách mạng sẽ hiên ngang bay trên nóc Dinh Độc Lập”.
Ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, năm quân đoàn hùng dũng tiến vào hang ổ cuối cùng của địch. Đêm 28, rạng sáng 29-4-1975, pháo tầm xa 130 ly của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, chặt đứt cầu hàng không, con đường di tản cuối cùng của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn. Nói đến đây, ông im lặng trong giây lát, ánh mắt đượm buồn rồi kể tiếp: “Đạn pháo rơi cả vào sân Trại Đa-Vít, nơi Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Đoàn B) đóng quân ngay sát đường băng trong lòng địch. Đại úy Nông Văn Hưởng là cán bộ an ninh và Trung sỹ Nguyễn Văn Hòa là cảnh vệ gác cổng trại hy sinh, bốn đồng chí khác bị thương”.

Lá cờ tung bay chờ đến giờ toàn thắng

Đến khoảng 8h00 ngày 30/4, Thiếu tướng Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn lệnh cho Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị gọi Thượng sỹ Phạm Văn Lãi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ to nhất mang cho vệ binh cắm lên tháp nước.
“Ngay lập tức, tôi vào kho lấy lá cờ nhưng khi cầm đến đơn vị vệ binh thì các đồng chí đã đi làm nhiệm vụ khác. Trong tình thế đó, tôi không còn thời gian để suy nghĩ nữa, quyết định tự mình cắm cờ. Tôi gọi đồng chí Nguyễn Văn Cẩn – một chiến sỹ gác cổng trại, đề nghị cùng tôi leo lên cắm cờ trên nóc tháp nước Trại Đa-Vít. Chúng tôi lao qua bom đạn, tiến lên tháp nước cao chót vót.

Tôi cúi xuống với tay ra hiệu cho Cẩn chuyển ống dẫn nước lên, xuyên một đầu dây thép vào cuối cạp cờ, quấn mấy mấy vòng rồi buộc hai đầu dây thép vào cán cờ rồi chuyển sợi dây thép khác cho Cẩn buộc ghì cán cờ vào thanh sắt dọc ốp bên ngoài thành tháp nước. Lay lay cán cờ thấy căng chắc, tôi mới buông hai mép cờ ra khỏi lòng bàn tay. Theo đà gió, lá cờ bung thật mạnh nghe đánh phật một tiếng, tung bay chờ đến giờ toàn thắng”, ông Lãi nhớ lại.

Hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn bên lá cờ giải phóng vào sáng 30/4/1975. Ảnh tư liệu.
Hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn bên lá cờ giải phóng vào sáng 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Tôi hỏi: Trong lúc bom rơi đạn lạc như vậy mà ông và đồng chí Cẩn vẫn lao về tháp nước, lúc ấy ông suy nghĩ gì? Ông bảo: “Lúc ấy, tôi chẳng lo gì cho bản thân, trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải cắm cho được lá cờ của cách mạng lên đó. Lá cờ được cắm lên vừa là hoa tiêu cho pháo binh ta tính toán phần tử bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến côn, đồng thời là liều thuốc tinh thần khích lệ quân ta tấn công vào sào huyệt và giải phóng.

Quân địch ở Bộ Tổng Tham mưu ngụy tại cổng Phi Long cách đó gần 1 cây số, lính Sư đoàn dù, đơn vị tăng - thiết giáp ngụy đóng gần Trại Đa-Vít và tàn quân đang tháo chạy nhìn thấy lá cờ giải phóng, càng thêm hoảng loạn, tan rã”.
Hai tháng sau ngày giải phóng miền Nam, ông Phạm Văn Lãi được kết nạp Đảng, đến năm 1979 thì được điều về Văn phòng Chính phủ làm việc. Ông hay nói vui rằng, trong lúc chiến đấu đã rất may mắn được cắm lá cờ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Khi hòa bình lại một lần nữa may mắn vì được gần gũi, phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngọc Quang