Giải pháp hạn chế tai nạn giao thông vùng nông thôn

02/03/2016 10:00
Hồng Minh
(GDVN) - Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn khu vực nông thôn đang có xu hướng gia tăng, chiếm đến 65% tổng số các vụ.

Giao thông nông thôn ngày càng phức tạp 

Kinh tế đất nước phát triển, đời sống người dân tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc ít người được nâng lên. Có điều kiện kinh tế, người dân dễ dàng mua sắm phương tiện xe máy để phục vụ đi lại và giao thương.

Tuy nhiên, thực trạng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia quá mức cho phép nhưng vẫn điều khiển xe máy là vấn đề đáng lo ngại tại nhiều vùng nông thôn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo số liệu thống kê của ngành giao thông, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; tỷ lệ tai nạn trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29% và đường làng, thôn, đường xóm chiếm 19%.

Coi thường luật giao thông, chủ quan vì đường vắng là nguyên nhân xảy ra tai nạn tại các tuyến đường giao thông nông thôn (Một vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ tại huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - Ảnh: Hoàng Minh
Coi thường luật giao thông, chủ quan vì đường vắng là nguyên nhân xảy ra tai nạn tại các tuyến đường giao thông nông thôn (Một vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ tại huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - Ảnh: Hoàng Minh

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng được hệ thông giao thông liên hoàn, kết nối với đường huyện, đường tỉnh, đường quốc lộ. 

Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được cải tạo, nâng cấp, mở rộng thảm nhựa, hoặc trải bê tông, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm, hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết, lắp đặt rất hạn chế; tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo... lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra phổ biến. 

Thực tế, tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn đang gia tăng tới mức báo động. Hiện nay nhiều người tham gia giao thông còn ý thức kém, chưa chấp hành luật giao thông, nên đã dẫn đến các vi phạm.

Nhiều người chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn tham gia điều khiển xe máy phân khối lớn.

Ở nhiều vùng quê có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trẻ em đi xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người qui định đang diễn ra phổ biến.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân - ảnh Báo Đắk Lắk
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân - ảnh Báo Đắk Lắk

Thanh niên nhiều vùng nông thôn trong các cuộc vui, thường uống rượu, bia đến say xỉn, sau đó lên xe máy vít ga, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, trong khi kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống kém, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Nhận thấy nguy cơ mất an toàn giao thông tại các tuyến đường giao thông nông thôn, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các địa phương đã tích cực tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực nông thôn, đường liên thôn, liên xã. 

Tuy nhiên, một phần do lực lượng còn mỏng, mặt khác người dân không hiểu luật, không nghiêm túc chấp hành luật và còn rất chủ quan với tai nạn giao thông, nên tai nạn tai nạn giao thông ở khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. 

Theo Ban An toàn giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn xe máy đang lưu hành ở nông thôn không bảo đảm an toàn, xe máy cũ từ các đô thị lớn dồn về, xe tự chế còn phổ biến.

Người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, kỹ năng điều khiển phương tiện của người dân khu vực nông thôn không cao, xử lý tình huống kém. 

Hầu hết các vụ tai nạn giao thông ở vùng nông thôn rơi vào lứa tuổi thanh niên với các nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, khi tai nạn giao thông xảy ra, hậu quả để lại rất nặng nề. 

Có thể thấy, vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa diễn ra rất nghiêm trọng. Điển hình như ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Bình Phước, Đắc Nông, Gia Lai.v.v…, có đến gần 50% các vụ tai nạn xảy ra ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông

Xuất phát từ thực tế về tình hình tai nạn giao thông tại vùng nông thôn, miền núi, cần phải có biện pháp kiểm soát và đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

Việc kiểm soát an toàn giao thông ở nông thôn cần có sự vào cuộc quyết liệt của công an xã, dân phòng, dân quân, phối hợp với các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương.

Cùng với đó, nên ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã với việc bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.  

Để hạn chế tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các huyện, thị xã tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở các tuyến đường liên xã, liên thôn.

Cảnh sát giao thông Quảng Trị nói chuyện an toàn giao thông với đồng bào dân tộc -ảnh nguồn: Bộ Giao thông vận tải.
Cảnh sát giao thông Quảng Trị nói chuyện an toàn giao thông với đồng bào dân tộc -ảnh nguồn: Bộ Giao thông vận tải.

Bên cạnh đó phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đưa văn hóa giao thông vào cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng Gia đình thực hiện nếp sống văn hóa giao thông và khu dân cư văn hóa giao thông. 

Tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã tăng cường trách nhiệm quản lý và kiểm điểm, giáo dục trước cuộc họp dân các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông được cơ quan công an thông báo về và có trách nhiệm hồi âm kết quả xử lý đến cơ quan đã ra thông báo.

Cũng giống như Đồng Nai, để nâng cao ý thức tham gia giao thông của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nhiều năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được tỉnh Bắc Giang quan tâm.

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", từ đầu năm 2016, Ban An toàn giao thong tỉnh đã đổi mới hình thức tuyên truyền tại vùng nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay vì tổ chức một lớp tập huấn cho cán bộ Ban An toàn giao thông các cấp, đơn vị mở 10 lớp với hơn một nghìn người là cán bộ hội nông dân và nông dân.

Từ lớp tập huấn này, mỗi học viên sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực để phổ biến đến đồng bào dân tộc mình.

Ghi nhận ở huyện vùng cao Sơn Động, năm nay, Công an huyện yêu cầu cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với già làng, người có uy tín đến từng nhà trao đổi về những lỗi thường xuyên vi phạm, thông tin về thiệt hại nếu vi phạm luật giao thông, những hậu quả nặng nề khi xảy ra tai nạn... 

Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã đề ra các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe...

Mỗi địa phương cần sớm lắp đặt biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn. 

Đồng thời, các địa phương cũng huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường tai nạn thường xảy ra.

Không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở mà phải xử lý vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; phát huy vai trò các tổ tự quản an toàn giao thông, giải tỏa các chướng ngại, bảo đảm hành lang an toàn các tuyến đường thuộc đường nông thôn. 

Hồng Minh