Giải thể công đoàn giáo dục cấp huyện ở Hà Tĩnh

02/06/2017 07:07
Thủy Phan
(GDVN) - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa có quyết định giải thể công đoàn giáo dục cấp huyện tại tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, sau quá trình thực tiễn hoạt động và căn cứ quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã quyết định giải thể công đoàn giáo dục huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là công đoàn giáo dục cấp huyện).

Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị quán triệt nội dung sắp xếp lại công đoàn giáo dục huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị quán triệt nội dung sắp xếp lại công đoàn giáo dục huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tổ chức công đoàn gồm 4 cấp: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn cấp trên cơ sở; Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

Trong đó, công đoàn giáo dục huyện là cấp trung gian giữa công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở.

Trên cơ sở chủ trương của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh đã giao Ban Thường vụ Liên đoàn lao động huyện ban hành quyết định giải thể và chấm dứt hoạt động của Ban chấp hành công đoàn giáo dục huyện, chuyển các công đoàn cơ sở trường học và công đoàn cơ sở cơ quan phòng giáo dục – đào tạo về trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn lao động huyện.

Những công đoàn cơ sở trường học chưa tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2017-2022 thì Liên đoàn lao động huyện tiếp nhận và chỉ đạo đại hội theo quy định.

Những 'đòi hỏi' vô lý của ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động

Điều động số cán bộ công đoàn chuyên trách của công đoàn giáo dục huyện về làm việc tại cơ quan Liên đoàn lao động cấp huyện.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nhung Quyên - Chủ tịch công đoàn giáo dục tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện việc sắp xếp lại đang triển khai theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và công đoàn giáo dục tỉnh Hà Tĩnh.

Theo bà Quyên, việc giải thể công đoàn giáo dục cấp huyện sẽ có nhiều khó khăn. Cái khó khăn nhất theo bà Quyền là việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, bởi những cán bộ ở công đoàn cấp huyện họ đã gắn bó với tổ chức này rất nhiều năm, có người đến 20 năm. Bây giờ phải rời xa tổ chức này thì họ cũng có nhiều trăn trở, nhiều băn khoăn và tâm tư.

Rồi có nhiều người chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là đến tuổi nghỉ hưu, giờ chuyển về Liên đoàn lao động huyện thì không đủ nhiệm kỳ để tuyển vào các chức danh.

Cũng theo bà Quyên, về công tác chỉ đạo công đoàn cơ sở trường học, nếu như cán bộ ở liên đoàn lao động từ cấp huyện được chuyển về công đoàn cơ sở trường học mà không phải là người từ ngành giáo dục sang thì việc am hiểu về lĩnh vực sẽ bị hạn chế, rồi sẽ gặp khó khăn trong việc chỉ đạo các phong trào thi đua của ngành...

“Hiện chúng tôi đang tham mưu với cấp trên theo hướng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh phải chỉ đạo công đoàn giáo dục cấp huyện, liên đoàn lao động huyện và Phòng giáo dục và đào tạo huyện phải cùng phối hợp và có một cuộc làm việc với nhau để có sự phối hợp giữa ba bên.

Làm sao đó để cơ cấu một đồng chí Phó chủ tịch công đoàn giáo dục cấp huyện sang làm Phó chủ tịch liên đoàn giáo dục huyện, phụ trách mảng giáo dục và cố gắng cơ cấu vào Ban chấp hành giáo dục tỉnh để có một sự phối hợp chỉ đạo theo tính chất ngành nghề, chứ tôi nghĩ một mình liên đoàn lao động huyện chỉ đạo thì sẽ rất khó khăn”, bà Quyên nói.

Người đứng đầu công đoàn giáo dục tỉnh Hà Tĩnh cũng mong muốn, làm sao đó để liên đoàn lao động huyện vào phòng giáo dục đào tạo phải có một văn bản phối hợp thực hiện nhiệm, chỉ đạo của công đoàn khối trường học.

Được biết, việc sắp xếp lại công đoàn giáo dục phải hoàn hành trước ngày 30/6/2017.

Thủy Phan