Giáo dục phi lợi nhuận tại Việt Nam, luật có nhiều chỗ lách

29/08/2014 06:47
Xuân Dương
(GDVN) - Giáo dục Đại học Việt Nam là “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” đã cho thấy những kẽ hở về pháp luật nhà nước và đạo đức của nhà đầu tư giáo dục.

Học thuyết về giá trị thặng dư của Mác được biểu thị vắn tắt qua công thức T-H-T’, trong đó T là tiền vốn ban đầu, H là giá trị hàng hóa làm ra từ nguồn vốn đó và T’ là tiền thu được sau bán hàng.

Nếu T’ lớn hơn T thì phần chênh lệch  L = T’ – T gọi là giá trị thặng dư (làm ăn có lãi), ngược lại là lỗ và dẫn tới phá sản. Giá trị thặng dư sau khi trừ chi phí trả công sẽ là lợi nhuận.

Nếu lợi nhuận được chia cho nhà đầu tư hoặc trở thành tài sản riêng của chủ sở hữu thì đó là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận, ngược lại nếu không chia lợi nhuận cho các chủ sở hữu, cổ đông mà sử dụng cho mục tiêu tái sản xuất, kinh doanh thì được coi là phi lợi nhuận (non-profit).

Tranh luận về chuyện các trường cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) ngoài công lập (NCL) hiện nay là “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” tuy chưa đến cao trào nhưng đã cho thấy những kẽ hở về phía pháp luật nhà nước và đạo đức của nhà đầu tư giáo dục.  

Trong khuôn khổ bài viết xin chỉ đề cập đến lĩnh vực giáo dục đại học NCL.

Nguồn thu của các cơ sở giáo dục NCL bao gồm nguồn tài trợ từ chính phủ hoặc tư nhân, học phí của sinh viên, các kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào sản xuất, kinh doanh… chẳng hạn Đại học Princeton, Hoa Kỳ có nguồn tài trợ tới 11,3 tỉ đôla Mỹ.

Tại Việt Nam sau khi Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 141, trong đó có quy định về loại hình đại học “phi lợi nhuận”:

Điều 6. Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

1. Cơ sở giáo dục đại học tư thục được xác định hoạt động không vì lợi nhuận khi đảm bảo các điều kiện sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định trong cùng thời kỳ;

b) Chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng năm của nhà trường là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia, dùng để đầu tư phát triển cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học; đào tạo cán bộ quản lý; hoạt động nghiên cứu khoa học; cấp học bổng cho người học và sử dụng cho các mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng khác;

c) Có cam kết hoạt động không vì lợi nhuận bằng văn bản với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở chính. Cam kết được công bố công khai theo nội dung quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này.

Có thể thấy về hình thức, nhiều trường ĐH NCL đã thỏa mãn các tiêu chí nêu trên. Chỉ khi đi sâu tìm hiểu mới thấy thực chất cái “đám rận” trong tấm chăn ngoài công lập là như thế nào.

- Lách luật qua chiêu bài phi lợi nhuận

Không chia cổ tức cho cổ đông nhưng trả lương  cho lãnh đạo, giảng viên và nhân viên (là cổ đông) cao một cách bất thường  khiến lợi nhuận âm hoặc bằng không. Một khi lợi nhuận âm hoặc bằng không thì không  còn để chia cổ tức,  vì thế theo luật, chẳng còn khoản nào để phải chịu thuế, có chăng chỉ còn khoản thuế thu nhập cá nhân mà những người nhận lương cao phải nộp.

- Lợi dụng chiêu bài phi lợi nhuận triệt hạ đối thủ, cướp tiền của các cổ đông

Điều này đã xảy ra tại một trường ĐH (xin không nêu tên), một nhóm cổ đông, sau khi mua bán giành được trên 50% cổ phần đã thành lập HĐQT, đưa người của phe mình và họ hàng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt (Ban Giám hiệu, các phòng ban, Chi bộ Đảng, Công đoàn…). Bằng cách tự công bố tiêu chí của trường là “phi lợi nhuận”, nhóm này đã quyết định không chia cổ tức, mọi quyền lợi của những cổ đông không tham gia điều hành gồm lương, thi đua khen thưởng, cổ tức trở thành con số không. Kết quả là dù đóng góp trên 40% cổ phần, nhóm không  tham gia điều hành không nhận được một đồng nào từ phía nhà trường. Đây thực chất là hành động ăn cướp hợp pháp mà các cơ quan tố tụng rất khó giải quyết.

Hậu quả tất yếu của hành động này là kiện cáo liên miên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình dạy và học trong trường, làm mất uy tín trường đại học và chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

- Đánh bóng thương hiệu thông qua hình thức đầu tư phi lợi nhuận vào trường học.

Điều này không phải chưa từng xảy ra, trong xã hội mà sự thiếu thiện cảm với người giàu vẫn tồn tại (dù không hẳn là hợp tình, hợp lý) thì danh xưng ông chủ doanh nghiệp không  giành được sự tôn trọng bằng danh xưng lãnh đạo trường đại học. Đầu tư phi lợi nhuận vào trường  là nói về phương diện kinh tế,  còn lợi nhuận thực sự lại nằm ở chỗ quảng bá thương hiệu, đánh bóng tên tuổi, điều này không thể tính bằng tiền. Khi tên tuổi dính vào chuyện lùm xùm, khi mục tiêu đánh bóng có nguy cơ phản tác dụng, người ta sẵn sàng rút tiền đầu tư vào chỗ khác.

Chỉ với một vài phân tích như vậy đã thấy, luật Giáo dục đại học và Nghị định 141 đã có những kẽ hở và các kẽ hở này đang được triệt để lợi dụng.

Điều cần làm hiện nay với các cơ sở “tự phong” phi lợi nhuận thực là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm triệt tiêu các kẽ hở đó, cụ thể:

1.   Ban hành văn bản pháp quy về loại hình trường CĐ-ĐH vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

2.   Có các quy định chặt chẽ về công khai tài chính như: không chia cổ tức cho cổ đông; quy định mức lương mà lãnh đạo các trường này được hưởng (có thể dùng thang lương như lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…).

3.   Các khoản đóng góp không phải là cho, hiến, tặng dưới dạng đầu tư phi lợi nhuận phải có cam kết về thời gian và cũng phải đảm bảo cho người góp vốn không bị thiệt sau thời gian góp, ví dụ xác định giá trị tương đương theo vàng hoặc ngoại tệ mạnh.

4.   Sửa Luật theo hướng khuyến khích các trường “phi lợi nhuận” như cấp đất sạch, miễn giảm thuế, cho vay không lãi… đồng thời cũng cần các chế tài mạnh như  truy thu thuế, phạt hành chính, truy tố những trường hợp gian lận,…

5.   Việc công nhận các trường là “phi lợi nhuận” cần được thẩm định chặt chẽ và công bố công khai trên trang web của Bộ GD&ĐT.

6.   Trong tương lai, khi Hiệp hội các trường CĐ-ĐH Việt Nam ra đời, trong điều lệ hoạt động nên giao cho tổ chức này chức năng  giám sát tài chính các cơ sở giáo dục CĐ-ĐH như là một tổ chức xã hội độc lập.

7.   Bài bỏ quy định chính quyền địa phương quản lý các trường CĐ-ĐH theo lãnh thổ, giao toàn bộ cho Bộ GD&ĐT quản lý. Quy định trên gây rất nhiều phiền toái khi cùng một đơn thư khiếu nại của công dân thì Bộ GD&ĐT lại phải tách ra những phần do địa phương quản lý chuyển về địa phương. Sự phối hợp này dù có đồng bộ đến mấy thì cũng mất thời gian, tốn tiền công quỹ và gây phiền hà cho người có kiến nghị.

Không thể nói Việt Nam chưa có các trường CĐ-ĐH phi lợi nhuận đúng nghĩa, nhưng số này thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết các trường tự phong cho mình cái mác phi lợi nhuận đều bằng cách này, cách khác làm giàu cho những người góp vốn, kể cả khi họ là những nhà giáo hay cán bộ hưu trí. Lợi ích mà các trường kiểu này mang lại cho xã hội chưa tương xứng với những gì mà người dân kỳ vọng, thậm chí trong một số trường hợp người ta đang biến cơ sở giáo dục CĐ-ĐH thành chợ mua bán văn bằng từ cử nhân đến tiến sĩ.

Luật được ban hành đúng lúc, không tồn tại kẽ hở để có thể lợi dụng là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là đội ngũ cán bộ công chức của Bộ GD&ĐT và chính quyền địa phương, kinh nghiệm cho thấy dù có đầy đủ các quy định, người thừa hành công vụ vẫn cố tình nắn cong pháp luật theo những mục đích cá nhân.

Xuân Dương