HS vùng cao: Nhà khá giả vẫn chỉ dám mơ chiếc kẹo cao su

30/10/2011 00:00
Văn Trinh
(GDVN) - “Không có tiền mua kẹo đắt nên thích ăn nhất kẹo cao su. Ăn được lâu, hết ngọt vẫn nhai được”-  lời chia sẻ của một HS Suối Giàng.
LTS: Đoàn công tác Báo GDVN cùng các nhà hảo tâm đã mang "bữa cơm có thịt" đến Suối Giàng. Nhưng rõ ràng chỉ một chuyến đi, chỉ một khoản tiền hàng nhất định không bao giờ là đủ đối với cuộc sống khốn khó của học sinh vùng cao. Bài phỏng vấn dưới đây nhắc nhở tất cả chúng ta rằng: Nếu tất cả mọi người đều chung tay lá lành đùm lá rách thì em bé 16 tuổi dưới đây (cũng như hàng triệu em nghèo khác) mới không còn phải ước mơ được ăn chiếc kẹo cao su, ước mơ mỗi bữa cơm có 1 miếng thịt.

Câu chuyện giữa phóng viên và Trang A Chao (16 tuổi, học sinh lớp 9 trường Suối Giàng) bắt đầu từ chính đề nghị của các em học sinh Suối Giàng: Chơi trò đố phép tính.

Những câu trả lời chân thật, không màu mè của Trang A Chao chắc chắn khiến nhiều người suy nghĩ. Và, câu chuyện đã bắt đầu như thế...
Trang A Chao: Em thích ăn kẹo cao su nhất, vì nó ngọt, nhai lâu.Ảnh: Văn Trinh
Trang A Chao: Em thích ăn kẹo cao su nhất, vì nó ngọt, nhai lâu.Ảnh: Văn Trinh
- Chào A Chao, bắt đầu đố nhé! 5+ 5 bằng mấy?

Bằng 10. Dễ quá (cười thích thú).

- 10+10 bằng mấy?

Bằng 20

- 20+20 bằng mấy?

Bằng 40

- 40 x 40 bằng mấy?

(Gãi đầu một tý) Em không rõ nữa!

- Nhà em cách đây bao xa?

Khoảng 12 cây số.

- Bao lâu em về một lần?

Cuối tuần về 1 lần.

- Về nhà, bố mẹ cho em mang gì đi học?

Trước đây mang gạo lên, gần đây thì có gạo rồi, chỉ mang quần áo thôi.

-Ước mơ của em là gì?

Chưa ước mơ được đâu!

- Ai chẳng có ước mơ. Em mạnh dạn nói đi, không phải lấy vợ sớm là được?

Cũng nhiều lắm! Thích làm giáo viên nhất, nhưng mà học bình thường thế này không biết có làm được giáo viên không.
"Em thích làm giáo viên". ảnh: Văn Trinh.
"Em thích làm giáo viên". ảnh: Văn Trinh.
- Em nghĩ đi học để làm gì?

Học để biết cho mình!

- Có học để biết cho ai nữa không?

Không, cho mình thôi!

- Thế không học để cho bố mẹ à?
 
Vẫn cho cả bố mẹ, nhưng mà cho mình là chính. Bố mẹ bảo em thế!

- Một tuần em thay mấy bộ quần áo?

Thay thường xuyên luôn! Mỗi ngày ở đây phải tắm một lần mà. Ở trường, em có 3 bộ quần áo, nhưng ở nhà vẫn còn.

- Ở trường, ngày được ăn nhiều món ăn nhất là mấy món?

3-4 món gì đó.

- Là những món gì?

Cá, thịt lợn, canh bí.

- Em thích ăn gì nhất?

Em thấy thịt ngon hơn rau với cá.

- Khoảng nửa tháng trước (tính từ ngày 1/10), các em có hay được ăn thịt không?

Một tuần được 2-3 bữa, nhưng toàn thịt mỡ.

- Thế là vẫn có thịt ăn rồi?

Không phải đâu, gia đình ai có tiền thì mua cho con họ ăn, chứ không phải ai cũng có tiền ăn thịt.

- Nghĩa là ai có tiền, họ chỉ mua thịt cho con cái họ ăn một mình? Không cho bạn khác ăn cùng à?

Vâng, quí ai thì cho ăn cùng thôi.

- Nếu không có thức ăn, chỉ có cơm trắng, em có ăn được không?

Người Mông thì vẫn ăn được.

- Nếu không có cơm, không có thức ăn thì ăn cái gì?

Không có cơm thì phải góp tiền đi mua mì tôm về ăn.

- Nhà em có mấy anh em?

- Có 5 anh em. 2 đứa lập gia đình rồi. Dưới em còn 1 út nữa.

- Em đi học xa thế này thế không giúp được gia đình gì rồi?

Cuối tuần về vẫn giúp mà. Giúp như là nấu cám lợn, đi bóc quế hoặc chăn dê nữa.

- Một tháng bố mẹ em có cho em tiền tiêu không?

Lên đây không ăn tiêu nhiều nên một tháng bố mẹ cho 20 đến 30 nghìn.

- Em tiêu tiền đó vào việc gì?

Ở đây có cơm ăn rồi nên tiền đó thích gì thì ăn cái đó thôi.

- Hay mua quà vặt như bánh, kẹo ăn không?

Em thích ăn lắm, nhưng lâu rồi không được ăn.

- Em thích ăn kẹo gì?

Không có tiền mua kẹo đắt nên thích ăn nhất kẹo cao su. Ăn được lâu, hết ngọt vẫn nhai được.

- Em đã tự kiếm được tiền chưa?

Có. Tiền từ việc đi bóc quế. Thứ 7, khoảng 12h về đến nhà là đi bóc quế luôn.

- Em bóc quế thuê cho người ta hả?

Không. Cho gia đình thôi. Ngày chăm chỉ cũng bóc được khoảng 1 tạ rồi bố mẹ giao bán cho người ta, sau đó cầm tiền về cho bố mẹ. Mỗi cân quế bán được 10 nghìn.

- Thế thì làm sao mà nói đi làm thuê được, làm cho nhà mà. Chắc lại “bớt xén” từ tiền bán quế?

(Cười) Cũng có một chút!

- Thế mỗi lần “bớt xén” bao nhiêu đấy?

Chỉ bớt 5-10 nghìn thôi.

- Nhà có ai đi học như em không?

Có anh trai, nhưng nó học hết lớp 9, giờ về không có việc làm làm nó ở nhà trồng quế với bố mẹ.

- Về nhà ăn cơm nhà sướng hơn ở trường không?

Cũng có bữa sướng, bữa khổ. Ở nhà hay ăn trứng gà hơn ở trường.

- Nếu cho em nhiều tiền, em làm gì?

(Cười) không có tiền thôi, chứ nhiều tiền làm gì cũng được.

- Cho em 20 nghìn, em sẽ mua gì?

(Lại cười) Mua trứng, mua thịt nữa.

- Lại ăn một mình, không cho bạn bè chứ gì?

Không, chia cho bạn bè ăn cùng cho vui chứ!

- Vui nhưng nhanh hết thì lấy đâu ra tiền mua thịt tiếp. Không thấy tiếc à?

Có hơi tiếc, nhưng vẫn cho bạn ăn cùng.

- Em có muốn học cao nữa không hay là học hếp lớp 9 là về nhà đi làm?

Học giỏi thì cũng muốn đi học nữa, nhưng học bình thường thế này không biết có thi được không.

- Em học giỏi nhất môn nào?

Học giỏi nhất môn Giáo dục Công dân.
Hình ảnh khó quên trong chuyến hành trình mang "Bữa cơm có thịt" đến cho học sinh Suối Giàng, Yên Bái. Ảnh: Văn Trinh.
Hình ảnh khó quên trong chuyến hành trình mang "Bữa cơm có thịt" đến cho học sinh Suối Giàng, Yên Bái. Ảnh: Văn Trinh.
- Chứ không thích học Toán, Văn, Lý, Hóa…gì à?

Học công dân nó dễ thuộc, dễ học hơn. Toán Lý Hóa thì em không hiểu nên học chẳng vào.

- Môn học Công dân dạy em điều gì?

(cười) Không nói gì.

- Ở trên trường, tối có đi chơi đâu không?

Không, ở trên trường thì không đi chơi đâu cả.

- Thế tối làm những gì?

Ở trong phòng, có bài tập về phải làm bài tập chứ.

- Em có nhiều sách vở không?

Tất cả có 12 môn, nhưng em thiếu nhiều sách lắm, chẳng đủ!

- Thiếu bao nhiêu cuốn?

Bây giờ thì thiếu Toán với Văn.

- Lớp em học có bao nhiêu người?

Tất cả sỹ số có 35.

- Có nhiều người dưới xuôi lên thăm cho quà các em không?

1,2 tuần thi thoảng cũng có. Em thì chưa được quà gì, nhưng các anh chị dưới đó hay tổ chức bữa ăn cho chúng em.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


Văn Trinh