Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

"Hà Nội - trái tim cả nước mà sao về trái tim quá khó!"

28/10/2012 09:34
Minh Anh
(GDVN) - Chiều 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủ đô. Tại các tổ thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu QH (ĐBQH) bày tỏ sự băn khoăn, trái chiều về quy định cho phép Hà Nội được thu phí và mức phí xử phạt hành chính trong nội đô cao hơn các địa phương khác; cùng với quy chế nhập cư vào nội thành được siết chặt và biểu tượng Hà Nội. 
Dự thảo Luật Thủ đô đưa ra 2 phương án quy định điều kiện nhập cư vào Hà Nội. Phương án 1, người lao động “có biên chế” hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó phải bảo đảm từ đủ 3 năm trở lên.
Các đại biểu quốc hội thảo luận về Dự luật Thủ đô
Các đại biểu quốc hội thảo luận về Dự luật Thủ đô
Phương án 2, khi ở nhà thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu 5 m2/người. Bí Thư thành ủy Phạm Quang Nghị nhìn nhận việc hạn chế là cần thiết, hơn nữa quy định về nhập cư trong dự luật chỉ áp dụng khu vực nội thành, còn ngoại thành vẫn áp dụng theo luật cư trú. 
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) bày tỏ: “Hà Nội là “trái tim” của cả nước nhưng về “trái tim” sao mà khó quá khi những quy định hạn chế được đặt ra trong dự luật như các loại phí cao hơn, rồi “siết” nhập cư. Việc này chưa hẳn đã giảm tải được vì nhu cầu mưu sinh của người dân vẫn phải vào nội đô. Giải pháp tình thế này thấy lạnh lùng quá”.

Cùng quan điểm này, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, biện pháp giảm dân là không thực chất, vì chỉ giảm trên giấy tờ chứ người dân vẫn tìm cách sống ở nội đô mà không cần nhập khẩu. 
Bày tỏ quan điểm khác, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng lại dùng hình ảnh “thóc đến đâu bồ câu đến đấy” khi nói về việc dân nội đô Hà Nội đang không ngừng tăng cao. "Người dân có quyền cư trú bất cứ đâu Hiến pháp đã quy định. Vì thế từ 40 vạn dân nay nội đô Hà Nội lên trên 1,4 triệu rồi còn tăng thêm nữa", ông Thanh nói. Tuy nhiên, vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, dự luật này vênh Luật Cư trú và vi hiến nên phải đồng thời sửa cả quy định pháp luật liên quan.

Đồng tình ý kiến này, ĐB Trần Du Lịch đề nghị chờ sửa Hiến pháp xong rồi mới tính làm Luật Thủ đô. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi (Hà Nội) cảnh báo do quy định “siết” nhập cư nên khi đưa ra QH khóa XII, dự Luật Thủ đô đã bị trả lại không thông qua. 

Ông Đỗ Văn Đương đề nghị, Dự luật Thủ đô phải nêu rõ trách nhiệm của chính quyền Hà Nội, nhất là UBND TP. Đặc biệt là phải rõ chế định tuyển cán bộ cho bộ máy Hà Nội, nhất là tuyển chọn giám đốc sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị phải là đội ngũ giỏi, được chọn lọc từ cả nước về. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho hay, uỷ ban vừa tổ chức hội thảo về dự luật nhận được nhiều ý kiến phản ánh việc quy định “tạo điều kiện” cho Hà Nội đều có cả nhưng tại sao không thực hiện được? Do đó cần phải hết sức cân nhắc.
Còn ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) băn khoăn: “Các địa phương vẫn áp dụng chung quy định về phí nhưng vẫn quản lý tốt sao Hà Nội phải tăng lên. Đội ngũ cán bộ quản lý không đáp ứng thì thay người khác để quản lý chứ đừng đổ gánh nặng lên đầu dân”. Theo bà Hậu, Hà Nội cần phải là đầu tầu gưỡng mẫu với mức phạt như nhau mà vẫn lập được kỷ cương. Thậm chí để làm tốt thì có thể bố trí hẳn vị trí tương đương 1 Phó Thủ tướng làm “thị trưởng” Hà Nội để có “sức nặng”. 

Minh Anh