Hà Nội cấm quay phim, chụp ảnh trong buổi tiếp công dân là trái luật

10/01/2019 06:00
Lại Cường
(GDVN) - Việc tiếp công dân là việc cán bộ công chức đại diện Nhà nước để thực thi công vụ, không đứng dưới tư cách cá nhân, không thuộc phạm vi bí mật đời tư”.

Ngày 3/1, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định Quyết định số 12/QĐ-UBND về ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố.

Theo đó, công dân đến trụ sở này phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên bảo vệ... và "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".

Quy định này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc công ty Luật Dragon cho rằng vấn đề cần nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau.

Theo Luật sư Long:  “Tiếp công dân về cơ bản là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền của nhà nước đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Đây là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường.

Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các bộ, công nhân viên chức trong quá trình thi hành công vụ.

Việc tiếp công dân là việc cán bộ công chức đại diện Nhà nước để thực thi công vụ, không đứng dưới tư cách cá nhân, không thuộc phạm vi bí mật đời tư”.

Do vậy, Luật sư Long cho rằng: “Xét trong mối quan hệ giữa công dân và cán bộ tiếp công dân.

Để điều chỉnh quy tắc ứng xử của công dân và cán bộ tiếp công dân thì Luật tiếp công dân năm 2013 và Nghị định 64/2014/NĐ-CP đã có những quy phạm pháp luật quy định cụ thể điều tiết hành vi của các đối tượng trên.

Trong Điều 6 Luật tiếp công dân năm 2013 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không có hành vi cấm quay phim, chụp ảnh.

Văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ghi rõ việc "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".
Văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ghi rõ việc "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".

Trên tinh thần của Hiến pháp thì công dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Theo đó việc quy chế tiếp công dân cấm người dân quay phim, chụp ảnh là không phù hợp với các quy định pháp luật”, Luật sư Long khẳng định.

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Minh Long cũng phân tích: “Xét về không gian địa lý thì trụ sở tiếp công dân là nơi người dân thường xuyên ra vào để khiếu nại, kiến nghị, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm theo Quyết định số  160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06/09/2004 nên không có cơ sở để cấm người dân thực hiện hành vi quay phim, chụp ảnh.”.

Cũng theo Luật sư Long chỉ ra: “ Những trường hợp được coi là bí mật Nhà nước: Những khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế quay phim, chụp hình thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền”.

Hà Nội cấm quay phim, chụp ảnh trong buổi tiếp công dân là trái luật ảnh 2Không chịu tiếp dân thì có còn xứng đáng là Chủ tịch tỉnh nữa không

Từ các phân tích, Luật sư cho rằng: “có thể thấy việc “quay phim, chụp ảnh” tại trụ sở tiếp công dân cần phải được nhìn nhận dưới góc độ tích cực bởi hành vi đó không nằm trong các hành vi bị cấm theo quy định pháp luật cho nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân theo quy định của Hiến pháp Việt Nam.

Theo quy định mới ban hành thì người dân có thể quay chụp nếu được sự cho phép của người tiếp công dân, điều này không đúng theo quy định và cũng khó thực hiện”. Luật sư Long kết luận.

“Tuy nhiên người dân cũng cần có nhận thức đúng đắn trong hành vi và ứng xử tại trụ sở tiếp công dân để đảm bảo hiệu quả của việc tiếp công dân theo quy định pháp luật, trường hợp phát tám video với mục đích xuyên tạc, vu khống hoặc bôi nhọ cơ quan hành chính nhà nước thì bị xử phạt theo Luật An ninh Mạng vừa có hiệu lực hoặc có dấu hiệu hình sự có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành”, Luật sư Long cho biết.

“Không cấm quay, nhưng cấm phát tán bừa bãi. Vì khi phát tán theo luật phải có ý kiến đồng ý của người liên quan. Trong trường hợp làm bằng chứng để khiếu nại, kiện tụng phải được sự đồng ý của tòa án, hoặc cấp có thẩm quyền theo quy định”, luật sư Long phân tích dưới khía cạnh phát tán.

Luât sư Nguyễn Minh Long cho rằng, việc “quay phim, chụp ảnh” không có cơ sở để “cấm” theo các quy định pháp luật hiện hành.

Sử dụng trái luật mới là vấn đề mấu chốt

Vấn đề sử dụng những clip, hình ảnh mới là vấn đề mấu chốt, bởi theo luật sư Nguyễn Minh Long sử dụng như thế nào là hợp pháp và như thế nào là không hợp pháp.

"Cũng như đã phân tích quyền hình ảnh của mỗi người là bất khả xâm phạm, chỉ được sử dụng khi người đó đồng ý trừ “Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng”. Vậy như thế nào là “sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng”?

Cụ thể với trường  hợp quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân thì như thế nào mới là sử dụng hợp pháp.

Căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành có thể hiểu, cán bộ tiếp công dân là những người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi công vụ, là tượng trưng cho sự “công khai, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Họ là hình ảnh đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước hay nói cách khác họ là hình ảnh đại diện cho quyền lực nhà nước.

Do đó nếu những đoạn phim, hình ảnh do công dân quay được thể hiện cán bộ tiếp công dân có hành vi sai trái, không đúng với các quy định pháp luật thì người dân có quyền sử dụng những tài liệu, chứng cứ đó làm bằng chứng tố cáo hành vi sai trái của cán bộ lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 Quy trình sử dụng các đoạn phim, hình ảnh đó sẽ căn cứ theo trình tự tố tụng tại Tòa án hoặc khiếu nại, kiến nghị theo thủ tục hành chính.

Việc sử dụng những hình ảnh đó được xem là đem lại công bằng – dân chủ cho người dân, giữ vững kỷ cương – pháp chế nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Và khi đó hình ảnh ấy đã được sử dụng hợp pháp.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp công dân thường kỳ tại Hà Đông (ảnh: Hà Nội mới)
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp công dân thường kỳ tại Hà Đông (ảnh: Hà Nội mới)

Trên một phương diện khác, nếu người dân cố ý “quay phim, chụp ảnh” là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đương nhiên đó là các hành vi vi phạm pháp luật", Giám đốc công ty luật Dragon phân tích.

Hà Nội cấm quay phim, chụp ảnh trong buổi tiếp công dân là trái luật ảnh 4Tiếp dân là trách nhiệm, là cái tâm của lãnh đạo, không tiếp cũng đâu có được

“Theo quan điểm cá nhân tôi việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra quy chế, nội quy tại trụ sở tiếp công dân cũng dựa trên tinh thần giữ an ninh trật tự, sự tôn nghiêm tại nơi thực hiện công vụ tuy nhiên việc triệt tiêu đi quyền tự do của công dân không bị pháp luật cấm là một hình thức “thấy khó bỏ qua” có nghĩa là chúng ta sợ “không quản lý” được nên “cấm”.

Điều này sẽ gây búc xúc trong quần chúng nhân nhân. Thiết nghĩ chính quyền nên có cách thức xử lý hài hòa hợp lý, kéo dân gần với cán bộ, xây dựng được hình ảnh người cán bộ trong lòng nhân dân thì người dân sẽ bỏ qua sự cảnh giác, đề phòng bằng việc quay phim, chụp ảnh từ đó giúp cho công tác “tiếp công dân” phát huy hiệu quả tối đa”, Luật sư Long kết luận.

Lại Cường