ĐBQH Trần Du Lịch:

"Hàng trăm nghìn tỷ nằm chết ở lĩnh vực khách sạn, nhà hàng"

30/05/2013 15:45
Ngọc Quang
(GDVN) - ĐB Trần Du Lịch (đoàn TPHCM): “Hiện nay, nhà nước còn rất nhiều nguồn lực, cần rà soát lại việc đầu tư công nghiệp nhẹ, những ngành không cần thiết như khách sạn, nhà hàng… cần phải thoái vốn. Tại sao chúng ta để hàng trăm nghìn tỷ đồng ở đây, trong khi thiếu tiền làm quốc lộ và nhiều việc khác?”.

Làm gì để nền kinh tế trở lại thời kỳ vàng son?

Theo ĐB Trần Du Lịch, cử chi cả nước, đặc biệt là cộng đồng DN đang mong đợi tại kỳ họp này Quốc hội đưa ra những quyết sách gì ngăn chặn được tốc độ suy giảm kinh tế, vực dậy niềm tin cho thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn.

“Tôi đề cập tới hai điều mà tôi cho rằng 100% đại biểu đều đồng tình: Thứ nhất là ngành nông nghiệp rất khó khăn, không còn là chỗ dựa an toàn. Thứ hai là khu vực kinh tế trong nước, cả tư nhân và nhà nước đã suy úy, động lực nghiêng về khu vực đầu tư nước ngoài, dẫn đến cơ cấu nền kinh tế có vấn đề bất ổn”, ông Lịch nói.

ĐB Quốc hội Trần Du Lịch: Nguồn lực Nhà nước đang bị lãng phí.
ĐB Quốc hội Trần Du Lịch: Nguồn lực Nhà nước đang bị lãng phí.

ĐB Trần Du Lịch bày tỏ, trước những khó khăn của năm 2012, bước qua 2013, Chính phủ đã chủ động ban hành hai nghị quyết hỗ trợ thị trường, nỗ lực kiềm chế được lạm phát, đây là điều rất đang ghi nhận.

“Trước đây ta cho rằng lạm phát là con ngựa bất kham, nhưng trong điều kiện hiện nay thì trong ngắn hạn lạm phát không còn là con ngựa bất kham, đây là cơ hội để phát triển. Nếu trước đây do những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, chúng ta có những biện pháp mạnh để tái cơ cấu nền kinh tế thì đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn, để hướng tới mục tiêu trung và dài hạn. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội, loay hoay với những biện pháp nhất thời thì chẳng mấy  chốc lạm phát quay lại và chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn”, ĐB Lịch nhận định.

Bên cạnh đó, ông Lịch cũng đặt câu hỏi: Vấn đề quá rõ, tình hình quá rõ, vậy Quốc hội và Chính phủ phải làm thế nào để vài ba năm nữa nền kinh tế Việt Nam phục hồi và quay lại thời kỳ vàng son như những năm 1991, 1996, 2001, 2007?

“Kinh tế Việt Nam nếu không tăng trưởng được 7-8% trong vài thập niên thì không thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa và cũng không có tiền đề vật chất để xử lý vấn đề tiến bộ xã hội”, ĐB Lịch nhấn mạnh.

Đề xuất 4 giải pháp cho nền kinh tế

ĐB Trần Du Lịch đồng tình 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu, nhưng cũng thẳng thắn cho rằng các giải pháp đó chưa đủ mạnh, đồng thời đề xuất 4 giải pháp:

Thứ nhất: Phải xây dựng nhóm mục tiêu trung hạn, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Qua chương trình này, chính sách chủ đạo là chống lạm phát bị động sang chống lạm phát chủ động, tăng CPI từ 6,5-7% trong ba năm 2013 đến 2015, và sẽ kéo xuống dưới 5% trong những năm tiếp theo. Sự chủ động như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc phối hợp ba chính sách, đó là: Chính sách tiền tệ; chính sách chi tiêu công; Lộ trình điều khiển giá các loại dịch vụ do Nhà nước kiểm soát. Chương trình này cần thực hiện ngay từ năm 2013, chứ không phải thực hiện các chính sách theo kiểu ăn đong nữa.

Thứ hai: Trên tinh thần chống lạm phát mục tiêu như vậy, đề nghị có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để trong ba năm (2013 đến 2015) tổng đầu tư xã hội đạt mức 30-32% GDP. Đây là sự đòi hỏi phối hợp chặt chẽ của cả hai chính sách tiền tệ tài khóa, nếukhông đạt mức đầu tư như vậy thì giai đoạn sau không thể phát triển được.

Thứ ba: Về chính sách tài khóa, tôi ủng hộ chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng đề nghị thực hiện ba năm liền từ 2013 đến 2015 chứ không thực hiện 6 tháng. Trong điều kiện hiện nay, đề xuất Quốc hội xem xét cho nâng trần bội chi ngân sách vượt 4,8% GDP, để xử lý cho được việc trả nợ các công trình đầu tư  dang dở… Trong điều kiện hấp thụ tín dụng hạn chế thì đầu tư công, chi tiêu công như một cú hích của tổng cầu, và khi nền kinh tế hấp thụ tốt thì tín dụng cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, ĐB Lịch cũng thẳng thắn khi đề cập tới nguồn vốn Nhà nước: “Hiện nay, nhà nước còn rất nhiều nguồn lực, cần rà soát lại việc đầu tư công nghiệp nhạ, những ngành không cần thiết như khách sạn, nhà hàng… cần phải thoái vốn. Tại sao chúng ta để hàng trăm nghìn tỷ đồng ở đây, trong khi thiếu tiền làm quốc lộ và nhiều việc khác? Nguồn lực nhà nước đang lãng phí”.

Thứ tư, đề nghị NHHH quan tâm hơn nữa tới tín dụng, đừng để DN nào có thị trường nhưng chết vì không tiếp cận được vốn tín dụng; đề nghị quan tâm tới chính sách tỷ giá hiện đang bất lợi cho nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp.

“Tôi đề nghị cần phải đưa ra nghị quyết phục hồi nền kinh tế trong trung hạn để Chính phủ triển khai và Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH để giữa hai kỳ họp 5 và 6 những vấn đề gì thuộc thẩm quyền UBTVQH sẽ quyết định. Tôi tin rằng cử tri đang trông đợi những quyết sách như vậy”, ông Lịch đề xuất.

Ngọc Quang