Hội Minh Thề vẫn chỉ có...dân chích huyết kim kê, uống rượu thề

03/03/2018 08:22
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Hội Minh Thề ở Hải Phòng đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, tuy nhiên, tại lễ hội có ý nghĩa này vẫn chỉ có dân thôn thề còn quan chức thì không.

Tờ mờ sáng 1/3 (14 tháng giêng âm lịch), cụ Phạm Đăng Khoa (84 tuổi), bậc cao niên được xem như “tiên chỉ” của làng Hoà Liễu đã lục tục dậy, ăn sáng xong, cụ vội đóng bộ áo dài khăn xếp, tất tả ra đền làng chuẩn bị cho lễ hội Minh Thề - hội thề không tham nhũng.

Di sản văn hoá phi vật thể

Trong làng ngoài xã đâu cũng thấy chộn rộn, tiếng cười nói huyên náo, từng nhóm rủ nhau lục tục hướng ra khu vực đền chùa làng Hoà Liễu. Hội Minh Thề năm nay  càng rộn ràng hơn khi lễ hội này đã chính thức được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể.

Dường như mang cùng tâm trạng sốt sắng như cụ Khoa, hầu như các bô lão trong làng đã chỉnh tề áo dài khăn xếp tối màu đã tề tựu trước khu vực lễ đài.

Những người trong đội tế lễ trong trang phục sặc sỡ đỏ vàng cũng đã có mặt.

Ông trưởng làng giữ vai trò chủ lễ làm thủ tục thiết linh chích địa trong hội thề. Ảnh: Đ.H.
Ông trưởng làng giữ vai trò chủ lễ làm thủ tục thiết linh chích địa trong hội thề. Ảnh: Đ.H.

Trên khoảng sân khấu trang trí khá hoành tráng, cờ hoa sặc sỡ, một dàn trống hội phục vụ cho buổi lễ được kê trước sân khấu. người dân tập trung ngồi kín các hàng ghế, phía ngoài là hàng người đứng bao quanh.

Sau màn biểu diễn văn nghệ, vài tiết mục phát biểu, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch  bước lên sân khấu trao tấm bằng công nhận danh hiệu di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho lễ hội minh thề.

Hội Minh Thề có từ thời nhà Mạc, cách nay hơn 400 năm. Theo đó, năm 1561, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (chính thất của Thái tổ Mạc Đăng Dung) lập ấp Lan Niểu (làng Hòa Liễu ngày nay) đã quyên tiền tu tạo ngôi chùa Thiên Phúc.

Hội Minh Thề vẫn chỉ có...dân chích huyết kim kê, uống rượu thề ảnh 2Hội Minh Thề "thiết linh, chích địa", thề không tham nhũng

Bà bỏ tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước ruộng dâng tam bảo. Sau đó, dân thôn cũng góp ruộng dâng lên, được tổng cộng 47 mẫu 3 sào gọi là “thánh điền”. Một phần này được cho cấy đấu thầu gây quỹ nghĩa thương cấp cho người nghèo khi giáp hạt, duy tu sửa chữa đường làng.

Để quản lý quỹ nghĩa thương không bị thất thoát các bậc bô lão, chức sắc trong thôn đã cùng nhau lập lời thề.

Lễ hội minh thề ra đời từ đó.

Từ sau năm 1945 lễ hội Minh Thề không được tổ chức nữa, số ruộng “thánh điền” cũng được chia cho dân thôn, quỹ nghĩa thương cũng không còn.

Lễ hội Minh Thề được phục dựng lại từ năm 2002, người có công đầu chính là cụ Khoa.

Chích huyết kim kê, uống rượu thề

Sau màn trống hội, tiếng nhạc réo rắt theo điệu lưu thuỷ nổi lên báo hiệu chuẩn bị diễn ra lễ hội chính.

Trên khoảng sân đền là một đài thề cờ phướn phấp phới, ông Phạm Phú Oanh, trưởng làng Hòa Liễu giữ vài trò chủ lễ, cùng các quan viên lo việc chính sự trong thôn được rước ra trước đài thề khói hương lan tỏa.

Chủ lễ thắp nhang quỳ lạy rồi làm cầm con dao bầu nhọn hoắt làm thủ tục “thiết linh, chích địa”.

Ông dựng đứng con dao quay một vòng tròn trên không rồi khom người rê mũi dao thành một vòng tròn trên mặt đất.

Con dao bầu được chủ lễ cắm phập xuống đất giữa vòng tròn.

Dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ. Nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử. Ảnh: Đ.H.
Dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ. Nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử. Ảnh: Đ.H.

Quan viên đọc hịch văn trịnh trọng tiếp tờ hịch từ tay chủ lễ. Văn thệ được tuyên đọc bằng giọng sang sảng.

Nội dung văn thệ có 4 phần chính: không lấy của công, không trộm cắp, không cậy thế o ép người, không bao che cho kẻ gian.

“Dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ. Nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử! Y như văn thệ!”-sau mỗi lời thề sang sảng như vậy, chủ lễ và quan viên lại vung tay hô to “xin thề”.

Sau khi hịch văn đọc xong, ông Oanh rút con dao bầu cắm dưới đất tiến ra đài thề làm thủ tục “chích huyết kim kê”.

Một con gà trống lớn được rước ra trước đài thề, chủ lễ cầm dao cứa cổ gà.

Tiết gà chảy vào bình rượu thề.

Chén rượu thề đầu tiên được dâng cho chủ lễ uống cạn.

Các quan viên trong làng lần lượt nâng chén rượu thề uống cạn.

Ước mong vươn khỏi làng

Cụ Phạm Đăng Khoa, người đã sưu tầm tài liệu, soạn thảo phục dựng lại lễ hội minh thề cho hay do đây là lễ hội của làng nên chỉ có quan viên, dân đinh trong làng thề chứ không có quan trên tham gia thề.

Cụ Khoa nói chưa rõ lời thề có linh nghiệm không nhưng nó có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống, khiến cho dân thôn, chức sắc trong làng ý thức hơn.

Từ hàng chục năm nay, các chức sắc trong làng từ trưởng thôn đến xóm trưởng đều không có điều tiếng gì.

Dân thôn cũng hòa ái, ứng xử với nhau giữ tình thân mật làng quê.

Làng Hòa Liễu được công nhận làng văn hóa sớm nhất huyện Kiến Thụy.

Chương trình nông thôn mới cũng đã hoàn thành sớm.

Uống rượu thề trong hội thề không tham nhũng. Ảnh: Đ.H.
Uống rượu thề trong hội thề không tham nhũng. Ảnh: Đ.H.

Trước đó, cuối tháng 12/2017, trong hội thảo “Lễ hội Minh Thề - di sản văn hoá đặc sắc, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị” do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng với tình trạng tham nhũng diễn ra khá phổ biến hiện nay, Hội Minh Thề có ý nghĩa rất quan trọng.

Giá trị cốt lõi của Hội Minh Thề là giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống trong sạch cho mọi người, nhất là người có chức sắc không lấy của công làm của tư. Nội dung hịch văn Minh Thề có tính giáo dục pháp luật, đạo đức sâu sắc.

Ông Đặng Trần Kiên, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Hải Phòng, cho rằng cần xem xét để nâng tầm của lễ hội Minh Thề bởi người dân cho rằng trong hội thề có lãnh đạo từ cấp xã trở lên tham gia chắc chắn sẽ tạo được niềm tin của người dân.

Hội Minh Thề vẫn chỉ có...dân chích huyết kim kê, uống rượu thề ảnh 5Phải lập bản đồ công chức quốc gia để chống tham nhũng biên chế


Ông Vũ Minh Đức, thành viên Câu lạc bộ Hải Phòng học, cho rằng tham nhũng đang là quốc nạn thì lễ hội này phải là lễ hội quốc gia mới xứng tầm. “Nếu được quan tâm tổ chức tốt, cán bộ từ thấp đến cao ai cũng tuyên thệ không tham nhũng và thực hiện không tham nhũng thật thì cuộc chiến chống tham nhũng mới thành công” – ông Đức nói.

Theo ông Đức, lời thề có thần linh, trời đất chứng giám là một phương tiện, một giải pháp ngăn chặn tham nhũng có hiệu quả vì trước mặt thần linh người có chức quyền đã hứa thì có muốn tham nhũng cũng sợ thần linh tru diệt.

Đây là biện pháp ngăn chặn tham nhũng, trộm cắp hữu hiệu vì quyền lực phải được kiểm soát, mà cơ chế kiểm soát ở đây ngoài người dân còn có thần linh, trời đất.

ĐỖ HOÀNG