Hối lộ trong lĩnh vực y tế bằng cách nào?

06/11/2014 14:58
Ngọc Quang
(GDVN) - Mấy chục công ty nước ngoài đầu tư trang thiết bị y tế và bán thuốc ở Việt Nam, chỗ nào cũng có hoa hồng, nhưng để phát hiện được là rất khó.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông Nguyễn Văn Tiên nhận định như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay (6/11).

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngay sau khi có thông tin Công ty Bio-Rad Laboratories (Mỹ) bị cáo buộc che dấu các khoản hối lộ cho các quan chức tại 3 quốc gia trong đó có Việt Nam, ngày 5/11 Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Công văn hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang. Trong Công văn Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ để xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi sai phạm.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Tiên cho hay: “Có mấy chục công ty nước ngoài đầu tư trang thiết bị y tế và bán thuốc ở Việt Nam, chỗ nào cũng có hoa hồng, nhưng làm thế nào để phát hiện được là rất khó. Họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo, cộng vào là có thể thành mấy triệu đôla. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó họ mời đi tham dự hội thảo khoa học. Đây cũng là dịp tốt cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng ẩn bên trong đó có chế độ, chính sách tài chính gì đó cho người cán bộ, bác sĩ được mời đó thì chúng ta khó biết được". 

Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (Đại biểu đoàn Tiền Giang).
Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (Đại biểu đoàn Tiền Giang).

Ông Tiên nêu thí dụ, hãng tài trợ cho mấy trăm bác sĩ đi dự hội thảo, mỗi người vài nghìn đôla cộng lại đã thành một khoản lớn. Hình thức hối lộ rất khó, vấn đề phát hiện ra như thế nào. Nhiều nơi có tình trạng chủ yếu trả hoa hồng qua đơn thuốc rất tinh vi. Tuy nhiên, đây sẽ là một dịp tốt cho Việt Nam tìm cách đưa giá thuốc, giá trang thiết bị y tế về giá thực mà không bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát.

“Trường hợp này ở ta, hiện nay phải xác định là họ hoạt động trong lĩnh vực nào: thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm hối lộ 2,2 triệu USD, có lẽ còn quá nhỏ. Nhiều năm nay, chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là chuyện phổ biến.

Ở Mỹ họ kiểm soát ngay từ các công ty, xem danh sách chi hoa hồng, chi cho những ai do đó mới phát hiện được. Ta cũng muốn kiểm soát nhưng rất khó. Tôi rất muốn Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu, trong đó có mục riêng cho đấu thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế để kiểm soát”, ông Tiên nói.

Là một Đại biểu Quốc hội thường xuyên quan tâm tới những vấn đề "nóng" của ngành y tế, tại kỳ họp trước, ông Nguyễn Văn Tiên thẳng thắn cho biết, dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp qua các phiên họp của Thường vụ Quốc hội, nhưng chưa khẳng định được có ngăn chặn được giá thuốc đầu thầu quá cao mà báo chí đã nhiều lần đề cập trong thời gian gần đây: “Nếu quy định như dự thảo thì không có điều gì mới, trừ nguyên tắc đàm phán giá, mà tương lai triển khai rất mù mịt do không có quy định lộ trình, số lượng, chủng loại cần đấu thầu, đàm phán. Vì vậy, thích thì làm, không thích thì đợi bởi như thế họ cũng chẳng vi phạm pháp luật”.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề cập tới vấn đề kiểm soát thu nhập, tài sản của bác sĩ, cán bộ ngành y tế là chuyện rất khó kiểm soát, vì ở Việt Nam vẫn còn sử dụng tiền mặt quá nhiều.

“Thực tế văn hóa tiền mặt ở Việt Nam rất khó kiểm soát. Ở Nhật, thu nhập bác sĩ bệnh viện kiểm soát rất chặt. Lương của bác sĩ họ nói là cao hơn gấp 3 lần mức bình quân của xã hội và xã hội chấp nhận. Nhưng họ kiểm soát chặt, chỉ có thu nhập chính thức gấp 3 lần. Trong khi đó ở ta, lương của bác sĩ theo hệ thống chung, nhưng chúng ta không kiểm soát được thu nhập từ nguồn này, nguồn kia. Đây là cái khó của Việt Nam. Khi nào chúng ta kiểm soát được tất cả thu nhập cá nhân qua tài khoản thì việc chống tham nhũng mới thuận lợi hơn”, ông Tiên nhấn mạnh.

Ngọc Quang