Hơn 70 tuổi, nếu phạm tội nặng vẫn có thể bị tạm giam

14/10/2015 12:48
Ngọc Quang
(GDVN) - Những trường hợp đã phạm tội là người già, yếu từ 70 tuổi trở lên có nơi cư trú, lai lịch rõ ràng thì có thể được áp dụng biện pháp miễn tạm giam.

Đây là một trong những nội dung đã được điều chỉnh trong dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi), thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (14/10).

Cụ thể, khi thảo luận, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định "không áp dụng tạm giam đối với người từ 70 tuổi trở lên". Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người từ 70 tuổi trở lên còn có hành vi mua bán ma túy, giết người, hiếp dâm... việc không tạm giam đối với những trường hợp này sẽ khó khăn cho các công tác xử lý tội phạm.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bỏ quy định "không áp dụng tạm giam đối với người từ 70 tuổi trở lên" và chỉnh lý theo hướng giữ quy định hiện hành: không tạm giam đối với người già yếu nếu họ có nơi cư trú và lai lịch rõ ràng.

Bên cạnh đó, để tránh lạm dụng tạm giam đối với bị can, bị cáo, đa số các Đại biểu Quốc hội đề nghị cần cụ thể hóa căn cứ “có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử” (Điều 106).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cụ thể hóa: “Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này”.

Bị cáo Đoàn Công Hương bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 5 năm tù về tội "giao cấu với trẻ em". ảnh: Đời sống & Pháp luật.
Bị cáo Đoàn Công Hương bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 5 năm tù về tội "giao cấu với trẻ em". ảnh: Đời sống & Pháp luật.

Đề nghị Kiểm ngư được quyền điều tra

Về việc bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35), nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ bổ sung Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Một số ý kiến đề nghị bổ sung cả cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do địa bàn hoạt động của cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước gần các Cơ quan điều tra chuyên trách, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho Cơ quan điều tra nên không cần thiết phải giao cho các cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra.

Riêng đối với Kiểm ngư, do tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển thì cần thiết giao cho cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra.

Tuy nhiên, trong phần thảo luận, ông Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thẩm quyền cho phép cơ quan Thuế và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được quyền điều tra, vì đây là hai cơ quan đặc thù và Chính phủ cũng đã có đề xuất này.

Người bị bắt không bị ép buộc đưa ra lời khai

Một trong những nội dung được quan tâm và thảo luận nhiều thời gian qua là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội.

Hơn 70 tuổi, nếu phạm tội nặng vẫn có thể bị tạm giam ảnh 2

Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Luật tạm giữ, tạm giam

Một số Đại biểu Quốc hội đã đề nghị quy định: Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội.

Nói cách khác đó là “quyền im lặng” của người bị bắt. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đặt ra rằng: Quyền im lặng sẽ áp dụng đến khi nào?

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận định rằng: “Quyền im lặng chỉ có thể được áp dụng cho tới khi có luật sư, chứ không thể im lặng mãi. Đồng thời cũng phải xem xét các biện pháp cần thiết vì khi đối tượng bị bắt mà có liên quan tới khủng bố lại nói rằng có quyền im lặng thì rất nguy hiểm”.

Trong phiên thảo luận sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra hai phương án:

Phương án thứ nhất: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Phương án thứ hai: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội”.

Đối với quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (Điều 59), đa số Đại biểu Quốc hội tán thành với quy định: sau khi kết thúc điều tra nếu bị can có yêu cầu thì được đọc, ghi chép bản sao hoặc các tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên về phạm vi tài liệu được đọc, ghi chép thì có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: để bảo đảm tính khả thi, cần quy định bị can được đọc, ghi chép "bản sao các tài liệu liên quan đến việc buộc tội họ".

Loại ý kiến thứ hai: để đảm bảo tốt hơn quyền tự bào chữa của bị can, cần quy định bị can có quyền được đọc, ghi chép “toàn bộ bản sao tài liệu trong hồ sơ vụ án” hoặc “tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Kể từ khi kết thúc điều tra bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.

Để bảo đảm chặt chẽ khi áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao các tài liệu, UBTVQH đề nghị quy định: Chính phủ chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.

Ngọc Quang