IPU - 132 bàn về chiến tranh mạng và quản trị nguồn nước

29/03/2015 18:24
Ngọc Quang
(GDVN) - Trong chương trình làm việc của IPU - 132, các nghị sĩ đặc biệt quan tâm tới chủ đề an ninh mạng và quản trị nguồn nước.

"Chiến tranh mạng - sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới" và "Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước" là hai chủ đề mà các nghị sĩ (trong đó có nhiều nghị sĩ trẻ) đặc biệt quan tâm trong chương trình làm việc của IPU - 132 đang diễn ra tại Hà Nội.

Chiến tranh mạng: Vấn đề cấp bách toàn thế giới

Trong những năm qua, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Chính vì vậy, thuật ngữ "chiến tranh mạng" thường xuyên được các phương tiện truyền thông sử dụng để mô tả các tình huống khác nhau với nhiều hậu quả cho dù chúng không phải luôn luôn liên quan toàn bộ đến chiến tranh mạng.

Thảo luận tại hội nghị, ông José Carlos Mahía, Đoàn Uruguay, đồng báo cáo viên của Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế, cho biết: “Chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì thế việc nghị viện các nước thảo luận về chiến tranh mạng là điều rất quan trọng. Trong các cuộc thảo luận, chúng ta cũng nên nhớ rằng tất cả những vấn đề an ninh vẫn phải đảm bảo tôn trọng quyền con người và quyền tự do cá nhân”.

Các nghị sĩ thảo luận về an ninh mạng và quản trị nguồn nước sáng 29/3. ảnh: ipu việt nam.
Các nghị sĩ thảo luận về an ninh mạng và quản trị nguồn nước sáng 29/3. ảnh: ipu việt nam.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là vai trò nghị viện có thể hoặc nên thực hiện, đặc biệt là bằng cách sử dụng quyền lập pháp và giám sát của mình để đảm bảo rằng các Chính phủ tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ hiện tại của mình hoặc tạo áp lực để khuyến khích họ đóng góp vào các hành động cụ thể khác.

Xuất phát từ thực tiễn, một số đại biểu cũng nêu thực tế trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các ứng dụng hiện hành của luật pháp quốc tế không phải là một giải pháp hoàn hảo. Do đó, luật an ninh quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi và cần có cách giải thích khác cho các quy định hiện hành nếu không áp dụng được hoàn toàn các quy tắc mới.

Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải có sự kết nối giữa Chính phủ các nước, người dân trên toàn thế giới để đối phó với những cuộc tấn công mạng đang là nguy cơ đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới, trong đó, vai trò của các nghị sĩ trẻ là rất quan trọng.

Ông Hon Yaumi Mpaweni, đại biểu Malawi nói: “Giới trẻ chính là tương lai của mỗi quốc gia. Chúng ta mang những thách thức tới diễn đàn, cũng chính là để tìm kiếm cơ hội. Tôi thấy rằng, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức chung của các nước khác trên thế giới. Những người trẻ Việt Nam được đánh giá rất cao, họ cũng là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Do đó, diễn đàn này chính là cơ hội kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia. Chúng ta cần những diễn đàn như vậy để trao quyền cho giới trẻ trong quốc hội các nước, cũng như tại các doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế. Trao quyền cho giới trẻ cũng là trao quyền cho thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước”.

Cần không gian mạng phục vụ lợi ích tất cả các nước

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Wang Xiao Chu, đoàn Đại biểu Quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác với nhau để xây dựng một không gian mạng an toàn, ổn định và thịnh vượng vì hòa bình và an ninh thế giới.

"Chúng ta cần một không gian mạng phục vụ lợi ích cho tất cả các nước. Thứ hai là phải tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước. Sự phát triển của Internet không thay đổi quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. Trong không gian mạng, tất cả các nước đều bình đẳng.

Thứ ba, quy định pháp luật cần phải giải quyết những vấn đề của không gian mạng và thứ tư là chia sẻ trong công tác quản trị Internet bởi đây cũng là một yếu tố quan trọng của quản trị toàn cầu. Cộng đồng quốc tế cần xây dựng một hệ thống quản trị dân chủ, đa phương và minh bạch để xây dựng một không gian mạng cởi mở, hòa bình và hợp tác” – ông WANG Xiao Chu nói.

Dự thảo Nghị quyết do các báo cáo viên trình bày tại phiên thảo luận khẳng định: Trong dự thảo nghị quyết, các Báo cáo viên tôn trọng tên chủ đề đã được Ủy ban thường trực thông qua là "Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới".

Về vấn đề này, các báo cáo viên định nghĩa chiến tranh mạng là cuộc chiến tiến hành trong không gian mạng và chủ yếu gồm những hoạt động quân sự trong hệ thống mạng và máy tính để tấn công một kẻ thù. Họ lấy cảm hứng từ những phần trình bày của các chuyên gia và các nghị sĩ tại các cuộc thảo luận được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 tại Geneva, tháng 10.2014 và thông qua các văn bản của các Nghị viện Thành viên IPU gửi đến trong những tuần sau đó.

Dự kiến, dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới" sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU-132; góp phần cung cấp khả năng đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện trong tương lai gần.

Các nghị sĩ trẻ đặc biệt quan tâm tới an ninh mạng, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình thế giới. ảnh: Xuân Hải.
Các nghị sĩ trẻ đặc biệt quan tâm tới an ninh mạng, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình thế giới. ảnh: Xuân Hải.

Tham gia diễn đàn, các đại biểu Quốc hội trẻ của Việt Nam đã góp ý kiến vào chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, đoàn Việt Nam cho rằng: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước đa dạng và phong phú nhưng trên thực tế nguồn nước có thể sử dụng ngay lại có hạn vì phân bố không đều. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác.

Do đó, Quốc hội cần có vai trò thúc thúc đẩy hành động trong việc bảo vệ nguồn nước.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trong đó nhấn mạnh nghị viện các nước cần điều chỉnh luật pháp, chính sách về quản lý nguồn nước; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ và tăng trữ lượng nguồn nước xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa các nghị viện để tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc quản lý nguồn nước và nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Ngọc Quang