Không nên để con tự quản lý tiền mừng tuổi

08/02/2019 06:29
Mai Hoa
(GDVN) -Cần dạy trẻ cách chi tiêu nhưng không có nghĩa ba mẹ phó mặc cho các em tự do sử dụng đồng tiền theo ý thích.

Ngày đầu tiên trở lại trường học, trông cô cậu bé nào cũng tươi roi rói. Các bé hồ hởi lên khoe với cô tiền được mừng tuổi trong dịp Tết.

Em nhiều nhất cũng lên tới vài triệu, em được ít cũng được vài trăm ngàn đồng.

Khi được hỏi: “Các con đã làm gì với khoản tiền được mừng tuổi ấy? Em nói đã đưa cho mẹ giữ hộ, em bảo bỏ vào ống heo sau này đi du lịch, em nói mẹ cho tự giữ để mua đồ...

Học sinh mua hàng rong (Báo Bà Rịa Vũng Tàu)
Học sinh mua hàng rong (Báo Bà Rịa Vũng Tàu)

Số học sinh được ba mẹ cho giữ tiền tiêu xài khá nhiều.

Bởi, phần lớn những phụ huynh này bận công việc làm ăn nên phó mặc cho các con tự giữ tiền và chi tiêu tùy thích.

Gặp gỡ một số phụ huynh nêu thắc mắc “Sao để các em tự ý giữ tiền và mang chi tiêu một cách thoải mái?”

Một số phụ huynh của chúng tôi bày tỏ quan điểm: “Đỡ mất công ngày nào cũng phải đưa tiền ăn sáng và tiêu vặt cho con”.

Có người còn thẳng thừng: “Đó là tiền mừng tuổi của con nên để chúng tự do quản lý”.

Có tiền trong tay, được tự do tiêu xài, các em thoải mái mua sắm những gì mình thích.

Chỉ đứng quan sát một lúc ngoài cổng trường, trong căng tin trước giờ vào học và sau giờ ra chơi sẽ thấy các cô cậu bé xài tiền vô tội vạ thế nào.

Có nên lấy tiền mừng tuổi của con?

Nhiều em gặp thứ gì cũng mua, ăn thử, nếm thử không thích lại vứt đi mua thứ khác mà không thấy tiếc.

Nào đủ thứ đồ ăn, thức uống và đồ chơi. Những thứ này vừa ê hề trong Tết, thậm chí ở nhà vẫn còn.

Em mua nem, xúc xích rán, em mua đồ chơi bạo lực, mua kẹo hình xăm ăn rồi dán đầy vào người và sách vở.

Em mua đủ loại đồ uống như nước sâm, trà sữa chân châu mà chất lượng không ai dám đảm bảo.

Học sinh lớn hơn có đồng tiền trong tay cũng thoải mái xài theo ý thích.

Nhiều học sinh đi học về, ghé ngay vào tiệm nét ngồi chơi vài ba tiếng.

Một số thầy cô dạy bậc trung học nói rằng "Sau Tết, học sinh của mình có tiền nên không ít em tập làm người lớn. Giờ tan trường buổi chiều thường ới nhau vào quán nhậu, cũng bia rượu “vào ra” .

Nhậu chán lại rủ nhau karaoke tới khuya lơ khuya lắc và nói dối gia đình đi học nhóm, học thêm.

Em lại tập tành phì phèo điếu thuốc trên môi.

Một số học sinh nữ mua quần này áo nọ, son phấn, giày dép hàng hiệu theo kiểu xun xoe đua đòi.

Em mua điện thoại suốt ngày lên mạng chát chít và chểnh mảng học hành.

Có nên cho trẻ giữ tiền mừng tuổi?

Tiêu xài thoải mái bằng số tiền mừng tuổi, khi không có tiền đã sinh ra nhiều tật xấu như ăn cắp tiền của cha mẹ, của bạn và của cả thầy cô.

Có em cả năm ngoan ngoãn, thật thà nhưng chỉ sau một mùa Tết thầy cô đã không còn nhận ra không chỉ vì diện mạo, về cả cách ăn nói và cách sinh hoạt. 

Một số phụ huynh phải lên nhờ thầy cô giáo nhắc nhở, giáo dục thêm vì ở nhà ba mẹ thường xuyên bị mất tiền.

Ngay cả bạn bè trên lớp thậm chí cả thầy cô giáo cũng liên tục bị khoắng trộm nhưng dù nghi ngờ cũng chưa có cách gì "bắt tận tay day tận trán".

Khi không chôm chĩa được tiền của mọi người, một số em theo đám bạn xấu đi ăn cắp.

Đã có nhiều vụ việc bị vỡ lở khi thủ phạm lấy máy tính, laptop trong trường lại chính là học sinh.

Cần dạy trẻ cách chi tiêu nhưng không có nghĩa ba mẹ phó mặc cho các em tự do sử dụng đồng tiền theo ý thích.

Tiền mừng tuổi của các em, người lớn nên giữ hộ và có kế hoạch thật cụ thể như dùng mua sách vở, mua đồ dùng học tập, mua giày dép, áo quần.

Tuyệt đối không nên để các em giữ số tiền lớn để tự do tiêu sài một cách vô tội vạ.

Cha mẹ cần dạy con lòng vị tha, biết san sẻ những điều mình có được với những mảnh đời bất hạnh xung quanh như mua đồ tặng cho bạn nghèo của lớp, giúp đỡ người già, người tàn tật neo đơn.

Cần dạy cho các con biết về giá trị đồng tiền và sự vất vả của người lớn khi làm ra nó.

Làm được điều này, cha mẹ không sợ con cái xài tiền sai mục đích để rước bệnh vào người, cũng không sợ các em sinh nhiều thói hư tật xấu khi có nhiều tiền trong tay.

Mai Hoa