Không thể lấy thành tích bù cho oan sai

05/06/2015 12:12
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi: "Thủ trưởng cơ quan điều tra thiếu trách nhiệm dẫn đến oan sai thì xử lý như thế nào?".

Sáng nay, Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Thảo luận về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ: "Còn nhiều vụ án oan kéo dài 5 năm, 7 năm, 10 năm, thậm chí trên 10 năm mới phạt hiện ra.

Sau khi được minh oan, các cơ quan tư pháp công bố người đó vô tội hoặc không đủ căn cứ để buộc tội thì việc bồi thường cho người bị oan lại chậm trễ được thực hiện. Thực tế còn bao nhiêu vụ oan sai chưa được phát hiện?".

Bên cạnh đó, bà Khá cho rằng, việc bồi thường cũng chỉ bù đắp được thiệt hại về kinh tế, còn những tổn thương về tinh thần cho người bị oan thì không thể nào bù đắp được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá chỉ rõ, không thể lấy thành tích bù cho oan sai. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá chỉ rõ, không thể lấy thành tích bù cho oan sai. ảnh: Ngọc Quang.

Dẫn ra thí dụ, trong quản lý tạm giam tạm giữ còn có 78 vụ tự sát, 6 trường hợp chết do bị can đánh nhau, bà Khá đặt vấn đề: "Có ai dám bảo đảm rằng, trong số vụ tự sát trên không có vụ nào oan sai. Tôi cũng muốn biết trong những vụ oan sai này thì ai, cơ quan nào làm rõ, có bao nhiêu vụ oan sai do bản thân và gia đình họ minh oan?

Có bao nhiêu trường hợp do người khác nhận tội và chứng minh họ phạm tội thì người kia mới được minh oan. Có bao nhiêu trường hợp cơ quan điều tra phát hiện oan sai? Cơ quan nào, ai phát hiện oan sai".

Ngoài ra, bà Khá cũng yêu cầu làm rõ: Cơ quan điều tra đã thực hiện bồi thường đến đâu, nguyên nhân chậm là gì? Điều tra viên cố ý hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến oan sai bị xử lý như thê nào, có tương ứng ngang tầm với hậu quả gây ra không?

Ngoài trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì cá nhân họ có trách nhiệm gì, đặc biệt là đối với những hành động bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai. Thủ trưởng cơ quan điều tra thiếu trách nhiệm dẫn đến oan sai thì xử lý như thế nào?

"Tôi đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết có bao nhiêu trường hợp oan sai do năng lực, trình độ kiểm sát viên yếu, khi làm sai có bao nhiêu trường hợp bị đình chỉ, bị trách nhiệm hình sự, bao nhiêu trường hợp do thống nhất một chiều với cơ quan điều tra dẫn đến oan sai?. Tôi đề nghị làm rõ lý do và trách nhiệm?", bà Khá nhấn mạnh. 

Đồng ý với báo cáo đánh giá là một bộ phận thẩm phán năng lực còn hạn chế, một số thẩm phán cố ý ra bản án trái pháp luật, bà Khá đề nghị làm rõ sai phạm nêu trên, nguyên nhân và trách nhiệm và nêu ba kiến nghị:

Thứ nhất, thực hiện các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, nghiêm túc thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người đúng tội.

5 bị cáo từng là sĩ quan công an tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bị khởi tố trong vụ làm chết Ngô Thanh Kiều. ảnh: LDO.
5 bị cáo từng là sĩ quan công an tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bị khởi tố trong vụ làm chết Ngô Thanh Kiều. ảnh: LDO.

Thứ hai khi xác định oan sai thì phải kịp thời minh oan, sớm bồi thường cho người bị oan theo quy định của pháp luật. Đồng thời xử lý tương ứng những người mắc sai phạm, chịu trách nhiệm bồi thường một phần tùy theo mức độ sai phạm, do chủ quan, do khách quan.

Đề nghị làm rõ can phạm tự sát, chết do can phạm đánh nhau. Biết đâu có trường hợp do oan sai không nói được dẫn đến tự sát. Phải xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới người đứng đầu cơ quan dẫn đến oan sai tự sát.

Thứ ba, đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có giải pháp hữu hiệu như trong bố trí cán bộ phải đúng về chuyên môn đạo đức tính chuyên nghiệp. Xử lý nghiêm những người làm sai, tất cả mọi người phải bình đẳng trước pháp luật.

Trong trường hợp cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, bệnh thành tích dẫn đến oan sai, hoặc vì sợ trách nhiệm mà bỏ lọt tội phạm, Bộ Công an khi trình dự án luật phải có bổ sung cơ sở vật chất.

Trong các vụ án nghiêm trọng phạm tội quả tang, liên quan đến nhiều người, chứng cứ yếu, ngoài lập biên bản cần ghi âm ghi hình, tránh tình trạng bức cung nhục hình, tránh tình trạng tự sát trong trại tạm giam.

Cuối cùng, bà Khá đề nghị phải đảm bảo cuộc sống cho người thực thi công vụ để họ chuyên tâm với nhiệm vụ được giao tránh tình trạng oan sai, sợ trách nhiệm, hoặc sợ trách nhiệm bỏ lọt tội phạm, đảm bảo pháp luật được thực hiện một cách thường xuyên, bình đẳng để người dân yên tâm thể hiện niềm tin của mình.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, bà Khá nhấn mạnh: "Tôi nghĩ là chuyện nào ra chuyện đó, không thể nào nói rằng thành tích nhiều rồi làm oan sai thì lấy thành tích bù sang".

Ngọc Quang