Nhật ký Kim Bon:

Kim Bon: Tết Mông thiếu nữ tìm bạn tình

02/01/2012 06:00
Mạnh Mường
(GDVN) - Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào, thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả Pao.

Về Kim Bon đúng vào Tết truyền thống của đồng bào Mông, khắp nơi trên các triền núi cao, hình ảnh những chiếc váy xòe sặc sỡ của các thiếu nữ Mông hòa lẫn với màu hoa Ngũ sắc. Mỗi nóc nhà người Mông trên những quả đồi xa xa vọng tiếng chúc tụng nhau rôm rả.

Thanh niên nam nữ các bản làng tìm đến nhau để cùng chơi những trò chơi dân gian của dân tộc mình. Các trò chơi thường là Ném Pao, đánh Quai, hát giao duyên, múa khèn, nhảy dây...

“Ném Pao không biết có từ lúc nào, lớn lên thấy người ta chơi cũng chơi theo, thấy người ta làm cũng làm theo thôi”, cụ già Củ Mỉ Tủa kể cho phóng viên nghe về trò chơi Ném Pao.

Ném Pao để kết bạn

Qủa Pao hình tròn làm từ chất liệu vải, chỉ cần tận dụng những mảnh vải vụn nhồi làm ruột Pao. Bên ngoài phải là những miếng vải đẹp nhất.

Qủa Pao được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo tỉ mẩn của các cô gái Mông. Pao của các thiếu nữ màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn Pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn và có màu đen. Vào ngày tết của dân tộc mình, các cô gái thường mang theo vài quả Pao để ném, thông qua trò chơi này họ trao cho nhau những ánh mắt và cả nụ cười.

Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào, thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả Pao. Tài khéo léo của người ném Pao là không để cho Pao rơi xuống đất.

Nếu cô gái ưng chàng trai nào, thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười
Kim Bon: Tết Mông thiếu nữ tìm bạn tình ảnh 3
Còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả Pao.

Trong khi chơi, họ giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được Pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó mà cả đội quy định. Các chàng trai người Mông thể hiện sự mạnh mẽ của mình qua cách làm Quai và trò đánh Quai (ở những vùng dân tộc khác tên gọi là đánh Quay, đánh Cù).

Tết của đồng bào Mông bắt đầu từ mùng 1 đến khoảng mùng 10 tháng Chạp. Vào dịp Tết của dân tộc mình, trong ba ngày đầu đồng bào Mông kiêng chặt cây cối, hái rau, cắt cỏ và kiêng làm việc nặng. Cũng vì kiêng hái rau mà trong mâm cơm những ngày này của đồng bào chỉ toàn thịt.

Sau mười ngày nghỉ Tết của dân tộc mình đồng bào Mông lại trở về với việc nhà, với nương rẫy và chăn nuôi gia súc.

Mạnh Mường