Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.0011

'Kỳ án vườn mít Lê Bá Mai' và bi kịch của 2 gia đình

07/01/2013 11:50
Theo Infonet
Vụ án bước vào năm thứ 9, bị cáo 2 lần bị tuyên án tử hình, nhưng phiên sơ thẩm lần 3 tòa lại tuyên án chung thân. Phía sau những phiên tòa xét xử đó là tấn bi kịch của 2 gia đình nạn nhân và bị cáo.

Ngày 5/1, TAND Bình Phước trong ngày thứ 3 của phiên sơ thẩm lần 3 và tuyên bị cáo Lê Bá Mai (31 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước) án tù chung thân với các tội danh “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”. Đây là vụ án kéo dài đến 9 năm, có nhiều tình tiết phức tạp mà báo chí gọi là "kỳ án vườn mít".  

Nỗi đau của cha mẹ

Ông Điểu Cẩn (cha của nạn nhân Thị Út) cho biết lâu lâu cả nhà lại được mời ra tòa, mỗi lần đi là một lần khó khăn, vì nhà không có tiền. “Chúng tôi mong vụ án kết thúc nhanh chứ chúng tôi lên xuống hoài mệt mỏi lắm. Chỉ mong tòa xử đúng người, đúng tội để trả lại công bằng cho con gái tôi”, ông Điểu Cẩn nói.

Sau 2 lần thoát án tử, bị cáo Lê Bá Mai bị tuyên án chung thân trong phiên tòa sơ thẩm lần 3.
Sau 2 lần thoát án tử, bị cáo Lê Bá Mai bị tuyên án chung thân trong phiên tòa sơ thẩm lần 3.
Vợ chồng ông Điểu Cần, cha mẹ nạn nhân Thị Út, mong vụ án kế thúc nhanh, trả lại công bằng cho gia đình.
Vợ chồng ông Điểu Cần, cha mẹ nạn nhân Thị Út, mong vụ án kế thúc nhanh, trả lại công bằng cho gia đình.

Gia đình ông là người dân tộc thiểu số không được ăn học nhiều, quanh năm phải làm thuê cuốc mướn ở xã An Khương, huyện Bình Long (cũ, nay huyện Hớn Quản), tỉnh Bình Phước. Thị Út (nạn nhân trọng vụ án) là con thứ 6 trong gia đình có 8 người con. Do cuộc sống quá khó khăn mà 2 người con của ông đã qua đời khi còn rất nhỏ.

Năm 10 tuổi, Út sang nhà cậu ruột để sống, hàng ngày phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải học hành. Hàng ngày, sau mỗi buổi học, Út thường cùng em họ Thị Hằng đi mót củ sắn về bán. Trong một lần đi kiếm ăn, chuyện không hay đã xảy ra.

Trong phiên sơ thẩm lần 3 này, ông Điểu Cần cùng vợ đi dự. Những lần trước, ông cần một phiên dịch vì ông không nói được tiếng Việt, nhưng lần này ông đã tự trả lời được các câu hỏi của thẩm phán. Nhiều người trong phiên tòa chép miệng “một người không biết nửa tiếng Việt mà giờ lại trả lời rõ ràng thẩm phán thì biết vụ án kéo dài 9 năm ảnh hưởng đến gia đình này như thế nào”. Nhìn vợ chồng ông quần áo úa màu, dép còn dính bùn đất đỏ… đi dự tòa phên tòa, nhiều người không khỏi cảm thấy đắng lòng.

Vợ chồng ông cho biết đã qua 8 lần giỗ con nhưng từ đó đến nay gia đình không có đủ tiền để làm mâm cơm đàng hoàng cúng con gái. Hàng năm ông cùng vợ bỏ bê công việc đi hầu tòa không biết bao nhiêu lần mà hung tủ giết con gái vẫn chưa đền tội trước pháp luật. Trong phiên tòa, mỗi khi HĐXX hỏi ý kiến gia đình, thì ông cúi mặt đáp: “Pháp luật xử sao thì nghe vậy chứ gia đình có hiểu biết gì đâu. Chỉ mong vụ án khép lại, chúng tôi nhận tiền đền bù để trang trải cho cuộc sống đã quá khó khăn”.

Còn ông Lê Bá Triệu (cha của bị cáo Lê Bá Mai) cho biết, từ ngày con ông vướng vào vòng lao lý, gia đình phải bán hết đất đai ngoài quê (miền Bắc) để lấy tiền đi lại và lo các chi phí phát sinh trong vụ án. Tinh thần sức khỏe của mọi người trong gia đình sa sút, không làm ăn được gì, chỉ quanh quẩn kiếm sống ở các trang trại trongmiền Nam.

Ông Lê Bá Triệu, cha bị cáo Lê Bá Mai, đã bán tất cả gia sản để lo cho con.
Ông Lê Bá Triệu, cha bị cáo Lê Bá Mai, đã bán tất cả gia sản để lo cho con.

Mai là đứa con trai duy nhất nên lúc được tuyên trắng án, gia đình cũng tính chuyện kiếm một cô gái gần nhà bàn chuyện cưới xin để có một đứa cháu nối dõi. Nhưng rồi mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu vì số phận của Mai vẫn chưa có hồi kết.

Bà Khoa, mẹ của Mai chia sẻ, ngần ấy năm trời gia đình bà không có một giấc ngủ yên, chợp mắt lại thì sợ gặp ác mộng. Hai lần trước, khi tòa tuyên Mai trắng án, gia đình vui sướng như đào được hủ vàng cực lớn. Họ ôm chầm với nhau mà khóc nức nở, nghĩ rằng gia tộc không phải lâm vào cảnh tuyệt tự.

Ông Triệu, trên mặt hằn lên những nếp nhăn, khẳng định: “Con trai tôi không bao giờ làm chuyện thất nhân, thức đức đó. Trong thâm tâm tôi luôn tin tưởng con mình vô tội và mong nó sớm được trở về để chung vui cùng gia đình. Gia đình tôi sẽ gửi đơn kháng cáo”.

Đối diện với cái chết 2 lần

Theo cáo trạng, vào khoảng 6h ngày 12/11/2004, Mai đi rải phân trong vườn thì thấy Thị Hằng và Thị Út đang mót sắn cách chỗ Mai khoảng 50m. Mai kêu “bé ơi, qua đây chú hỏi tí” rồi nói Út lên xe gắn máy đến một chỗ khác để nói chuyện. Khi đến khu vực vườn mít, Mai bất ngờ đánh vào gáy Út làm em ngã xuống đất rồi thực hiện hành vi đồi bại, sau đó giết Út vì sợ bị tố cáo.

Lê Bá Mai là hung thủ giết người hay hung thủ là người khác?
Lê Bá Mai là hung thủ giết người hay hung thủ là người khác?

Năm 2005, Lê Bá Mai bị 2 cấp tòa (sơ và phúc thẩm) tuyên tử hình với 2 tội danh là “giết người và hiếp dâm trẻ em”. Tuy nhiên, 2 bản án này bị Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy, yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do kết quả điều tra lại không có gì mới, không giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản nên tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (tháng 5/2011), TAND tỉnh Bình Phước tuyên Mai không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa. Tuy nhiên bản án này bị Viện KSND Bình Phước kháng nghị, sau đó Lê Bá Mai lại bị bắt tạm giam.

Phiên tòa xử phúc thẩm ngày 19/6/2012, TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm và yêu cầu TAND Bình Phước xét xử lại. Đến ngày 12/12/2012, HĐXX cho hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 3, với lý do vắng luật sư và những nhân chứng khác.

Một người dù cứng rắn đến đâu nhưng khi đối diện với cái chết thì cũng mềm ra, trong khi Lê Bá Mai khi bị bắt mới tuổi 22, đến nay đã qua tuổi 31, đứng giữa lằn ranh chết và sống đến 2 lần nên có nhiều lúc bất ổn về tâm lý. Trong 3 ngày đứng trước vành móng ngựa trong phiên xử lần này, khi chủ tọa hỏi về những sự kiện trước đây, Mai lúc nhớ lúc không, có khi hoảng loạn.

Lời sau cùng, Lê Bá Mai khẳng định mình không có tội, do bị ép cung, mớm cung nên mới khai như vậy. Chính vì vậy bị cáo không đồng ý bồi thường cho gia đình bị hại và đề nghị tuyên không phạm tội.

Phiên tòa đã được tuyên, gia đình bị cáo cho biết sẽ tiếp tục kháng án. Nhưng nhiều người dự phiên tòa thắc mắc, liệu TAND Bình Phước tuyên như thế có đúng với thực tế hay không? Dư luận đang đặt câu hỏi lớn: Lê Bá Mai là hung thủ hay Mai vô tội, nếu như vậy thì hung thủ thật sự là ai?

Luật sư: Bị cáo Lê Bá Mai vô tội!

Trao đổi sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Trịnh Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Lê Bá Mai suốt 9 năm qua), cho biết bản án tòa sơ thẩm tuyên thể hiện tính nhân đạo đối với bị cáo Lê Bá Mai, nhưng xét về bản chất thì hoàn toàn không đúng. Lý do Mai không phải là người chở Thị Út vào sáng 12/11/2004. Do bị ép cung, mớm cung nên lời khai của Mai trước cơ quan điều tra hoàn toàn không khách quan, không phù hợp với lời khai của các nhân chứng và hiện trường vụ án. Do đó tòa tuyên án chung thân đối với bị cáo Lê Bá Mai là hoàn toàn không thỏa đáng.

Theo Infonet