Kỳ họp thứ 9 sẽ tiếp tục xem xét dự án sân bay Long Thành

16/03/2015 12:36
Ngọc Quang
(GDVN) - Với dự án Luật Biểu tình được đề nghị dời sang chương trình kỳ họp thứ 10.

Sáng nay (16/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến vào chương trình (dự kiến) kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13. Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc 29 ngày, khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc vào ngày 24/6.

Trình dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Theo ông Phúc, về cơ bản, các dự án luật và một số nội dung khác được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào các phiên họp 35, 36, 37, 38, gần ngày khai mạc kỳ họp sẽ tập trung xem xét các nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và rà soát lại một số nội dung trình Quốc hội.

11 dự án luật trình Quốc hội thông qua đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến từ phiên họp thứ 33 đến 35, đến nay đã có 4 dự án luật gửi xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội.

Riêng dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cho đến nay do còn một số ý kiến khác nhau nên sau khi cho ý kiến tại phiên họp 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến tại phiên họp, rà soát nội dung và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo nội dung chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay. ảnh: Xuân Hải.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo nội dung chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay. ảnh: Xuân Hải.

Đối với 15 dự án luật được đưa ra thảo luận lấy ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Luật biểu tình khó có thể đảm bảo thông qua tại kỳ họp thứ 9. Tôi đề nghị đưa dự án luật này ra và thay thế bằng dự án Luật kế toán”.

Đồng quan điểm, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, nên rút Luật Biểu tình khỏi chương trình dự kiến kỳ họp thứ 9, lùi sang kỳ họp thứ 10 với lý do cho đến thời điểm hiện tại Chính phủ chưa cho ý kiến và trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ trước ngày 15/4/2015; dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp 38 vào tháng 5/2015, trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các kỳ họp trước, bố trí thảo luận cùng buổi hoặc gần nhau với dự án luật có liên quan tới nhau; bố trí 2 dự án thảo luận 1 buổi tại tổ và 1 dự án thảo luận 1 buổi ở hội trường.

Riêng một số dự án quan trọng như: Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi)… sẽ bố trí 1 buổi thảo luận ở tổ và 1 buổi thảo luận ở hội trường.

Về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tại phiên họp thứ 35, sau khi cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, nghiên cứu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đã đề ra tại phiên họp, chuẩn bị hồ sơ bảo đảm đúng quy trình, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Đề nghị rút Dự án Luật Tố tụng hình sự khỏi Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách vào trung tuần tháng 4/2015 để cho ý kiến về các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bao gồm: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Tại công văn số 566 ngày 27/2/2105, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đề nghị bổ sung dự án luật Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi) vào chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách và phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ 6-11/4.

Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý cho rằng, các dự án luật đưa ra thảo luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách nhất thiết phải qua thẩm tra và phải có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Luật Tố tụng hình sự không thể đưa vào hội nghị chuyên trách lần này, vì lần này chỉ trình ra Quốc hội cho ý kiến.

Cùng quan điểm với ông Lý, ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm: “Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự là hai bộ luật rất lớn, ba bốn trăm điều. Hai luật này dự kiến một kỳ họp Quốc hội cho ý kiến, kỳ họp sau mới thông qua. Với Bộ Luật Tố tụng hình sự đến bây giờ chúng tôi chưa thẩm tra được và đang cố gắng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4. Chúng tôi đề nghị đưa ra Quốc hội thảo luận, mổ xẻ, trình bày tất cả các quan điểm, sau đó góp lại các vấn đề khác nhau, lúc đó mới thảo luận hội nghị chuyên trách được”.

Cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Bộ Luật Dân sự lấy ý kiến toàn dân, Bộ Luật Tố tụng hình sự các đồng chí phải chuẩn bị từ bây giờ đi, nếu cần lấy ý kiến nhân dân dân thì phải báo cáo Quốc hội ở kỳ họp này”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và nhận định: “Cần phải nghiên cứu kỹ xem chính sách hình sự của chúng ta tới đây có gì mới không, ngay như cá thể hóa hình phạt hay là những vấn đề còn liên quan tới tổ chức cũng đang là cả một vấn đề, hay có bỏ án tử hình không có khi phải xin ý kiến nhân dân”.

Nội dung chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 (dự kiến), Văn phòng Quốc hội trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3.

Xem xét thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết: 
1. Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) 
2. Luật tổ chức chính quyền địa phương
3. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
4. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
5. Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)
6. Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi)
7. Luật ban hành văn bản pháp luật
8. Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
9. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
10. Luật thú y
11. Luật an toàn, vệ sinh lao động
12. Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016

Cho ý kiến 15 dự án luật: 

1. Bộ luật dân sự (sửa đổi)
2. Bộ luật hình sự (sửa đổi)
3. Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)
4. Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)
5. Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)
6. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự
7. Luật tạm giữ, tạm giam
8. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
9. Luật trưng cầu ý dân
10. Luật biểu tình
11. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán
12. Luật thống kê (sửa đổi) 
13. Luật an toàn thông tin; 
14. Luật phí, lệ phí; 
15. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Ngọc Quang