Làm ơn, dễ bị bắt vạ…

18/02/2017 07:13
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Nhiều trường hợp khi giúp đỡ người bị nạn trên đường vô tình bị hiểu nhầm là người gây ra tai nạn và phải nhận những lời xúc phạm, thậm chí còn bị hành hung.

LTS: Câu chuyện “làm ơn mắc oán” xảy ra trong thực tế không phải là chuyện hiếm. 

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ 3 câu chuyện điển hình về việc khi giúp đỡ người khác mà “rước họa vào thân” để thấy rằng việc nhiều người “vô tâm”, ngại giúp đỡ người bị nạn trên đường là cũng có lý do.

Hơn nữa, những câu chuyện này còn cho thấy văn hóa ứng xử của một số người trong xã hội còn rất kém.

Khi chưa hiểu chuyện “đầu cua tai nheo” thế nào, họ đã vội vàng phán xét, kết tội và thậm chí là hành hung người khác.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thông tin trên một số tờ báo cho biết, ngày 11/2, anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, trú huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đi trên đường đoạn qua phố Trẹm (xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) thì gặp vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và taxi. 

Cô gái đi xe máy đâm vào đuôi chiếc taxi rồi ngã ra đường bất tỉnh. Chứng kiến vụ tai nạn, anh Nguyễn Hải Sơn đã chủ động đưa cô gái này đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành.

Trong khi anh Sơn đang hoàn thiện thủ tục nhập viện, một thanh niên tìm đến nhận là quen biết cô gái. Người này cho rằng anh Sơn gây tai nạn nên đã dùng dao đâm vào lưng anh rồi bỏ trốn. 

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành sơ cứu cho anh Sơn, rồi chuyển gấp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh để chữa trị. 

Làm ơn, dễ bị bắt vạ… ảnh 1
Anh Nguyễn Hải Sơn (ở Bắc Ninh) - người bị đâm sau khi giúp người bị nạn. (Ảnh: Báo Giao thông)

Ngày 14/2, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đề nghị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương điều tra vụ việc. 

Nếu kết quả điều tra như báo chí phản ánh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, đồng thời tổ chức hỗ trợ, động viên anh Nguyễn Hải Sơn vì hành động cứu giúp người bị nạn. 

Mới đây, trên đoạn đường Võ Nguyên Giáp (Quảng Ngãi) tôi chứng kiến một cô gái khoảng 20 tuổi, đi xe máy, do người yếu, say sẩm tự ngã xuống đường, xe thì không bị sao, nhưng chân tay bị trầy xước, rớm máu. 

Thấy người bị nạn, chị H, nhà gần đấy, chạy đến đỡ cô gái ấy cho vào lề đường và chạy vào nhà lấy dầu xoa cho cô. 

Vừa lúc đó, tình cờ cha ông gái đi xuống và thấy xe và con gái mình bị tai nạn. 

Cha cô gái liền chạy đến, với vẻ mặt sừng sộ, lớn giọng nói, đầy dọa dẫm:

"Đ. mẹ đứa nào, tông con gái tao ngã, trầy xước như thế này? Có phải con mẹ đang xoa dầu đó không? Mày đi đứng kiểu gì thế! Bồi thường đầy đủ cho con gái tao đi...

Làm ơn, dễ bị bắt vạ… ảnh 2

“Nếu anh không có lỗi tại sao lại tốt đến thế?”

Chị H rất sững sờ với cách nói năng bặm trợn như thế của cha cô gái. 

Chị H phải tốn nhiều lời lẽ để phân trần với người đàn ông rằng: "tôi không phải là người tông con gái anh đâu, con anh tự ngã đó, cháu nó tỉnh sẽ nói cho anh biết"... nhưng ông ấy vẫn cố chấp, chưa tin. 

Cũng may, nghe có to tiếng, mấy người hàng xóm gần đó chạy đến xác nhận, bà ấy giúp con anh đấy, anh không có lời cám ơn mà lại làm hung, làm dữ, thật là tệ. Lúc này ông ấy mới nguôi và hiểu ra cơ sự. 

Như chị H còn đỡ, anh bạn tôi từng gặp trường hợp trớ trêu, nặng nề hơn. 

Hôm đó, trên đường đi làm về nhà, đến bên kia cầu Trà Khúc có một bà già, tuổi khoảng 70, vẫy tay xin đi nhờ về ngoài Bình Sơn. 

Xe mình không chở ai, lại thuận đường, lại là bà già, nghĩ thương tình, anh bạn tôi cho dừng xe lại, chở bà già đi. 

Chẳng may cho anh bạn tôi, chở đến nơi, lúc bước xuống xe, do bất cẩn, tuổi già, bà già ngã nhào, ngất xỉu và trầy xước, chảy máu ở chân và tay. 

Nghe tiếng kêu, đau, mấy đứa con cháu bà già chạy ra, thấy mẹ, bà mình bị như thế, chưa hỏi rõ đầu đuôi, nguyên nhân, liền quy cho anh bạn tôi là thủ phạm gây ra tai nạn cho mẹ, bà họ. 

Anh bạn tôi thanh minh hết lời nhưng họ chẳng tin, còn đòi giữ người, giữ xe và gọi công an đến xử lý. 

Làm ơn, dễ bị bắt vạ… ảnh 3

Rượu bia, đánh nhau và văn hóa ứng xử

Để tránh phiền phức, rắc rối, anh tôi đành chịu nhận “tội” và móc túi, bỏ ra 400.000 đồng bồi thường. 

Năn nỉ một hồi lâu, đám con cháu của bà già mới cho đi.

Lên xe, họ còn cảnh cáo trước mặt: "Lần sau đi đứng nhớ cẩn thận, tránh bà già, trẻ con ra nhé" .
 
Qua ba trường hợp điển hình nêu trên, tôi thiết nghĩ sự vô tâm, vô cảm của nhiều người trước tai nạn, mất mát của đồng loại khi gặp trên đường hay đó đây, theo tôi có một phần nguyên do từ thái độ hồ đồ, nóng vội, thiếu hiểu biết... của một số người thân. 

Cho nên, công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong giao thông cần được tăng cường để thấm sâu vào nhận thức của mọi người hơn nữa để hành xử cho đúng khi tham gia giao thông.

Đỗ Tấn Ngọc