Làm thế nào để con cái không bỗng dưng mất tích?

24/03/2015 07:00
Thế Quân
(GDVN) - Theo Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, các bậc phụ huynh cần quan tâm sâu sát, chia sẻ thông tin với các con nhiều hơn nữa để nắm bắt nếu có sự việc bất thường.

Là một cán bộ trong ngành quản lý giáo dục, lại là một Tiến sĩ tâm lý học, ông Đinh Phương Duy (Phó Hiệu trưởng Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng, việc hàng loạt nữ sinh mất tích như tuần vừa qua là một hiện tượng bất thường, rất đáng cho người lớn chúng ta suy nghĩ lại.

Thưa ông, trong tuần vừa qua đã có đến 2 nữ sinh bị mất tích nhiều bí hiểm. Tiến sĩ có suy nghĩ gì không về hiện tượng này?

Việc mất tích xảy ra liên tục, lại đối với các nữ sinh hoàn toàn bình thường, ngoan ngoãn, học tốt thì cũng là hiện tượng rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Có thể nó xảy ra ngẫu nhiên thôi, nhưng xảy ra liên tục thì đúng là cũng hơi bất thường.

Vấn đề ở đây là cần phải xem xét kỹ nguyên nhân, diễn biến của vụ việc, có thể là do bị bắt cóc, hay bỏ nhà đi chơi theo bạn bè…thì chúng ta mới đánh giá được. Chứ trước mắt thì chúng ta chỉ có thể thấy đây là việc không được bình thường cho lắm.

Tiến sĩ Đinh Phương Duy - Phó Hiệu trưởng Học viện Cán bộ TP.HCM (Ảnh: internet)
Tiến sĩ Đinh Phương Duy - Phó Hiệu trưởng Học viện Cán bộ TP.HCM (Ảnh: internet)

Theo ông, nguyên nhân của việc các nữ sinh này bị mất tích có thể đến từ đâu?

Dưới góc độ một nhà quản lý giáo dục, lại làm công tác nghiên cứu tâm lý xã hội, tôi cho rằng chúng ta cần phải suy nghĩ đến việc tại sao lại có chuyện liên tục xảy ra mất tích đến như vậy? Thế nhưng, khi chưa biết tới nguyên nhân vì đang được điều tra, truy tìm, nhưng về mặt nghiên cứu xã hội thì tôi nghĩ qua những trường hợp này, các em học sinh, sinh viên ở xa nhà phải rất cảnh giác sau những câu chuyện này, buộc phải chú ý đến sự cảnh giác cho riêng mình, khi ra đường đi lại, và nhất là đi đâu thì không về nhà quá khuya, hay phải có những biện pháp khác để mình tự bảo vệ mình.

Làm thế nào để con cái không bỗng dưng mất tích? ảnh 2Đã tìm được một nữ sinh mất tích bí hiểm ở TP.HCM

(GDVN) - Sáng nay, người thân của em Nguyễn Thị Diễm My cho biết đã tìm được em tại khu vực ngã tư Hàng Xanh – quận Bình Thạnh, TP.HCM, và đưa em về quê.

Là một nhà tâm lý học, nếu việc mất tích xảy ra liên tục như vậy, nhất là đối với các em nữ sinh ngoan thì tôi cảm nhận nguyên nhân có thể do bị bắt cóc, có thể tống tiền gia đình nhắm vào các em học sinh, sinh viên ngoan ngoãn do gia đình không cảnh giác, vì bình thường các em quá ngoan. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác có thể xảy ra khi các em bị mất tích như: chán nản gia đình, việc học, bỏ đi chơi….cái này cần phải rõ ràng câu chuyện thì mới có một nghiên cứu về mặt xã hội học được.

Một số ý kiến cho rằng, trong thời buổi hiện đại như ngày nay, việc các em ‘đi thưa – về trình’ với phụ huynh, người lớn tuổi là không quan trọng. Quan điểm của Tiến sĩ như thế nào về ý kiến này?

Việc ‘đi thưa – về trình’ đối với người trẻ trong gia đình ngày nay vẫn còn rất quan trọng chứ.  Bởi lẽ, nếu chúng ta thông báo như vậy, thì những người trong gia đình sẽ nắm bắt được lịch trình đi lại, hoạt động của con em mình, Nếu các em đi quá khuya, không đúng giờ báo lại với người thân, thì lúc đó người thân có thể có ngay những hành động thích hợp,tìm kiếm, nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Nếu các em cứ đi, mà người nhà không biết đi đâu, đến khi nào, không biết rõ bạn bè của các em là ai, lịch trình học tập và sinh hoạt của các em, thì gia đình sẽ không biết đường nào mà đối phó. Do đó, việc ‘đi thưa – về trình’ ở đây hoàn toàn không chỉ là về mặt lễ phép thôi, cũng là một dạng thông báo kế hoạch, thời gian đi về của các em để gia đình biết thông tin, có thể hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa nhất những mất mát, rủi ro có thể xảy ra.

Lê Thị Hà Phương, một trong số hai nữ sinh đang mất tích bí hiểm chưa có thông tin (Ảnh tư liệu)
Lê Thị Hà Phương, một trong số hai nữ sinh đang mất tích bí hiểm chưa có thông tin (Ảnh tư liệu)

Tiến sĩ có lời khuyên nào đối với các bậc phụ huynh, để những trường hợp mất tích tương tự không còn xảy ra trong tương lai?

Những trường hợp vừa qua, chúng ta chưa nắm rõ nguyên nhân, và phân tích được những khía cạnh tâm lý xã hội học. Tuy nhiên, vẫn cần có một vài điều lưu ý với các bậc phụ huynh như: Cần quan tâm, để ý đến giờ giấc sinh hoạt vui chơi, học tập của con em mình. 

Đó không có nghĩa là chúng ta kèm cặp, đi với các em kè kè từng bước một, nhưng chúng ta chỉ cần nắm rõ các em đi đâu, làm gì, chơi với ai, học ở đâu, làm ở đâu để chúng ta có những thông tin nhất định còn ứng phó khi có chuyện xảy ra.

Cần quan tâm, gần gũi, động viên và chia sẻ nhiều với con cái trong nhà hơn. Chúng ta cần phải xem các em coi có những tâm sự gì, khó khăn gì không? Lúc đó, nếu các em có những vấn đề gì khác thường, như bị đe dọa bắt cóc, giết…thì các em sẽ tâm sự với phụ huynh. Mối quan hệ thân thiện giữa bố mẹ và con cái trong gia đình sẽ dễ làm cho các em thổ lộ hơn.

Cần thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin nhiều hơn với nhà trường, cho dù là các em đã là sinh viên ở các trường ĐH, Cao đẳng, trung cấp. Những thông tin về học hành, sinh hoạt với nhà trường, bạn bè của các em ở trong lớp thế nào…sẽ rất là quan trọng nếu phụ huynh và nhà trường thường xuyên trao đổi với nhau.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Đinh Phương Duy!

Thế Quân