Lãnh đạo đường sắt Việt Nam nói gì khi nhận được đề nghị từ chức?

07/06/2018 06:46
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - “Chuyện từ chức hay không phụ thuộc vào từng tình huống. Cũng có thể từ chức là tốt, nhưng cũng có thể từ chức chưa phải là tốt đối với công việc chung”.

LTS: Lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam hiếm khi xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng gây tê liệt hệ thống trong 4 ngày liên tiếp từ 24-27/5, khiến 3 người chết, 11 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn đường sắt thảm khốc vào rạng sáng ngày 24/5 vừa qua tại Thanh Hóa khiến 2 người chết, 8 người bị thương nặng.

Qua xác minh, 3 trong 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên là do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp; 2 trong 4 vụ có liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt.

Để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan, hôm 4/6 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Phóng viên: 4 ngày, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản quả là điều rất khó chấp nhận đối với công tác quản lý, điều hành của ngành đường sắt, thưa ông?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Rõ ràng tai nạn xảy ra trong ngành đường sắt là điều hết sức cấm kỵ, kể cả tai nạn đó là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan. 

Chỉ trong ít ngày, ngành đường sắt xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn, trong đó có 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực quá lớn tới ngành đường sắt, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của xã hội đối với lợi thế an toàn của ngành đường sắt.

Những vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp gần đây cũng tạo tâm lý không yên tâm trong trong ít cán bộ công nhân viên, người lao động ngành đường sắt. 

ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: QUỐC TOẢN.
ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: QUỐC TOẢN.

Tuy nhiên, tình hình chung trong 5 tháng đầu năm 2018, tai nạn đường sắt tiếp tục được kiềm chế và được kéo giảm khá sâu so với cùng kỳ ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Sự cố đường sắt giảm cả về chủ quan và khách quan. Riêng tai nạn do yếu tố chủ quan đã xảy ra 5 vụ, giảm 1 vụ so với cùng kỳ.

Tuy nhiên 5 tháng qua, tai nạn do chủ quan có tần suất xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn khiến chúng tôi cảm thấy đau xót.

Ông có nghĩ rằng, ngoài những cán bộ có liên quan và chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm do nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng phải có trách nhiệm liên đới trong quản lý?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Qua phân tích xác định nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra, đa số vụ tai nạn trên đều xuất phát từ việc không tuân thủ đúng quy trình tác nghiệp, quy chuẩn quốc gia về đường sắt, ý thức làm bừa, làm ẩu của những chức danh làm công tác chạy tàu.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về những nguyên nhân do quản lý, điều hành, mặc dù những tai nạn này là do yếu tố chủ quan đến từ cán bộ, công nhân viên người lao động công tác trong ngành đường sắt.

Do đó, căn cứ vào quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã, đang xem xét trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo từ cấp dưới lên cấp trên.

Những cán bộ thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải cũng bị xem xét xử lý trách nhiệm sau khi có kết quả cuối cùng.

Trước những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng diễn ra trong thời gian ngắn gây thiệt hại về người và tài sản, ông có nghĩ rằng, ngành đường sắt nợ khách hàng một lời xin lỗi?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Ngay sau khi những vụ tai nạn đường sắt xảy ra, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đến từng gia đình nạn nhân để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình họ về mặt vật chất để ổn định đời sống.  

Bên cạnh đó, lãnh đạo đường sắt Việt Nam đã gửi thư cảm ơn tới lãnh đạo địa phương trong trong việc phối hợp xử lý tai nạn, tổ chức điều tiết hệ thống giao thông, tạo điều kiện cho khách hàng di chuyển.

Chúng tôi cũng đã xin lỗi và nhận trách nhiệm đối với hành khách về sự phiền hà do tai nạn đường sắt gây ra. Tất nhiên chỉ nên xin lỗi một lần thôi chứ không thể xin lỗi mãi được.

Sau những vi phạm đường sắt liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn, liệu lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nghĩ tới việc từ chức?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Như phần trên tôi đã đề cập, qua những vụ việc vừa xảy ra, lãnh đạo ngành đường sắt đã nghiêm túc xem xét trách nhiệm quản lý điều hành.

Mới đây, tại cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm, siết chặt công tác quản lý đường sắt ở Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng cùng cán bộ công nhân viên đường sắt về trách nhiệm của người đứng đầu trước những vụ tai nạn có nguyên nhân chủ quan.

Vụ tai nạn tàu đâm ô tô, gây đổ tàu xảy ra ngày 24/5 tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ảnh của VTV.
Vụ tai nạn tàu đâm ô tô, gây đổ tàu xảy ra ngày 24/5 tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ảnh của VTV.

Còn việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu phải căn cứ vào các quy định về công tác quản lý cán bộ.

Chuyện từ chức hay không phụ thuộc vào từng tình huống. Cũng có thể (có thời điểm) từ chức là tốt hơn, nhưng cũng có thể từ chức chưa phải là tốt đối với công việc chung. 

Trong trường hợp này, người đứng đầu ngành đường sắt đã nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng và sẵn sàng chịu sự xem xét, xử lý của cơ quan cấp trên đối với người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Cũng sau khi xảy ra những sự cố đáng tiếc nói trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã họp và đưa ra giải pháp, đảm bảo tốt hơn an toàn giao thông đường sắt.

Lãnh đạo đường sắt Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Trong tháng 6, tháng 7, tháng 8, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị cơ sở sẽ bám sát hiện trường, triển khai các giải pháp giúp người lao động nhận thức rõ nguy cơ tai nạn đường sắt...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

4 vụ tai nạn đường sắt trong 4 ngày

0 giờ 30 phút ngày 24/5, tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi gần đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đâm vào xe tải khiến 2 người chết, 10 người bị thương, đầu máy và 6 toa xe bị lật.

16 giờ 20 phút ngày 26/5, tại ga Núi Thành (Quảng Nam), tàu hàng ASY2 đi vào ga theo hướng Nam Bắc. Cùng thời điểm lái tàu hàng 2469 đang dồn toa hướng ngược lại khiến hai đoàn tàu đã tông nhau trực diện... 4 toa xe hàng trật khỏi đường ray, hai đầu máy hư hỏng nặng.

Lúc 16 giờ 40 phút ngày 26/5, tàu hàng chạy hướng Nam Bắc kéo theo 27 toa xe trong lúc vào đường ray số 3 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) để tránh tàu ngược chiều thì bất ngờ bị trật bánh tại hai toa 3 và 4. 30 m đường ray, hàng trăm tà vẹt bị hư hỏng, đường sắt qua khu vực này tắc nhiều giờ.

Vào lúc 13 giờ ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy Bắc Nam, khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồntrộn bê tông băng qua đường ngang dân sinh. Đầu máy tàu bị hư nhẹ, đầu xe bồn hỏng nặng. May mắn tài xế xe bồn chỉ bị thương nhẹ.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)