Luật sư nói về nhân vật đặc biệt trong vụ án mạng tại Vĩnh Phúc

22/03/2013 06:58
Tuệ Minh
(GDVN) - “Dưới góc độ pháp lý, nếu đúng như Hiệp thấy Tuấn Anh đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả anh Tuấn Anh chết thì có thể cấu thành tội theo phạm theo quy định tại Điều 102 BLHS”, LS. Cao Bá Trung phân tích.
Khó khép tội

Trong khi cơ quan điều tra đang tích cực làm việc để phá vụ án mạng gây xôn xao dư luận trong đó nạn nhân là anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1986, trú tại Phố Cả, phường Hội Hợp, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thì những thông tin từ những người thân của nạn nhân đã khiến dư luận phần nào hình dung ra thời điểm xảy ra vụ án.

5 trong số 6 nghi can đã bị bắt để điều tra vụ án mạng gây xôn xao dư luận này
5 trong số 6 nghi can đã bị bắt để điều tra vụ án mạng gây xôn xao dư luận này

Trong số rất nhiều lời trao đổi giữa anh Lê Thế Thanh (anh rể nạn nhân) với Giáo dục Việt Nam về thời điểm trước và sau khi anh Tuấn Anh tử vong cùng những người có liên quan, dư luận tỏ ra hết sức quan tâm đối với một nhân vật tên là Hiệp (em họ nạn nhân) và những lời kể của anh này với anh Thanh về đêm xảy ra vụ đánh nhau dẫn tới cái chết của nạn nhân.

Đáng chú ý có việc Hiệp cho biết anh Tuấn Anh bị đánh ở phố Quán Tiên tối 14/3. Theo như lời kể của Lê Thế Thanh thì trong vụ ẩu đánh nhau đó, Hiệp chạy thoát, còn anh Tuấn Anh bị vây đánh, song Hiệp cũng không hô hào những người xung quanh đến can thiệp và khi về nhà cũng không nói chuyện với ai.

Sau nhiều lần được gia đình nạn nhân động viên và gặng hỏi: “Tuấn Anh còn an toàn hay không?” thì Hiệp mới trả lời: "Không chắc đã an toàn đâu anh ạ".

Chiều 20/3, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Luật sư Cao Bá Trung – Công ty Luật hợp danh INCIP đánh giá: “Dưới góc độ pháp lý, nếu đúng như Hiệp thấy Tuấn Anh đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả anh Tuấn Anh chết thì có thể cấu thành tội theo phạm theo quy định tại Điều 102 BLHS”. Tuy nhiên, vị luật sư này cho biết để chứng minh được tội này trong thực tế là rất khó.

Xử lý người tung tin đồn


Trong vụ án mạng này, còn có một nhân vật rất được dư luận chú ý là con rể Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc khi xuất hiện tin đồn cho rằng vụ án mạng này có liên quan đến anh này. Thông tin này hiện nay đang được cơ quan chức năng điều tra. Và trong trường hợp nếu kết quả của cơ quan điều tra khẳng định tin đồn đó chỉ là tin đồn nhảm thì trách nhiệm pháp lý đối với những người tung tin đồn đó cũng sẽ là một vấn đề được quan tâm.

Hiệp và bạn gái.
Hiệp và bạn gái.


Về vấn đề này, Luật sư Trung cho hay: “Người loan tin đồn đó có thể sẽ bị xử lý hình sự theo điều 122 về Tội vu khống như sau: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, việc xác định được người đã tung tin đồn cũng rất khó và là trách nhiệm của các cơ quan chức năng Vĩnh Phúc".

LS. Cao Bá Trung cũng cho rằng việc mang quan tài có xác chết đi qua nhiều phố đến trước cổng tỉnh uỷ Vĩnh Phúc là việc làm gây cản trở giao thông công cộng, mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến môi trường vệ sinh.

“Theo tôi, hành vi này có dấu hiệu việc gây rối trật tự công cộng và cần phải được xử lý nghiêm để tránh tạo tiền lệ xấu, không nên vì gia đình có tang tóc và bức xúc mà làm ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Còn những người kích động người nhà nạn nhân cùng những người khác tập trung thành đám đông cũng cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi gây rối trật tự công cộng” LS. Cao Bá Trung nói.

Liên quan đến việc này, LS. Cao Bá Trung cũng cho rằng nguyên nhân một phần xuất phát từ việc cơ quan chức năng trả lời chưa thấu đáo vấn đề mà người dân bức xúc. Cũng theo vị luật sư này, trong những vụ việc mang tính chất nhạy cảm, chưa sáng tỏ thì các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm các vấn đề còn nghi vấn khiến người dân bức xúc đồng thời giải thích cặn kẽ cho người liên quan đến người bị nạn hiểu. Việc làm kịp thời này cũng sẽ giúp tránh việc vì bức xúc mà người dân gây ra một hành vi phạm tội khác không đáng có.

Điều 102 (Bộ Luật hình sự): Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Tuệ Minh