Lương không đủ sống, công chức đua nhau “làm thêm”

09/04/2013 07:39
Thế Kha/NLĐ
79% cán bộ được khảo sát thừa nhận có khoản thu khác ngoài lương, trong đó nhiều khoản thu nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực

Cuộc khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành trên gần 2.000 cán bộ công chức (CBCC) ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành trong năm 2012 cho thấy: 79% cán bộ có khoản thu khác ngoài lương.

Biểu đồ các khoản thu ngoài lương của CBCC - viên chức do Thanh tra Chính phủ khảo sát
Biểu đồ các khoản thu ngoài lương của CBCC - viên chức do Thanh tra Chính phủ khảo sát

Tiền được tặng không nhỏ

Các khoản thu nhập nhiều nhất là do tiết kiệm được các khoản theo mức khoán quy định (65%), tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp (55%) và tiền được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu (tặng)…

Dù chưa đại diện cho tổng thể người có chức vụ, quyền hạn ở nước ta nhưng theo TTCP, kết quả điều tra phần nào cho thấy thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; CBCC có thu nhập ngoài lương vẫn chiếm tỉ lệ cao.
Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng, có cả những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan đến tham nhũng như: tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu (tặng).

Trước đó, vào năm 2005, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng tiến hành khảo sát trên 11.532 người. Kết quả cho thấy thu nhập từ công việc chính của một số người lao động hưởng lương chỉ chiếm 42,7%, còn khoảng 53,3% là thu nhập từ hoạt động khác.

Qua nghiên cứu, TTCP nhận thấy CBCC có 6 nhóm thu nhập chính: thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ hoạt động kinh doanh; thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập khác như trúng thưởng xổ số, trúng thưởng dưới các hình thức khuyến mãi, trò chơi có thưởng, thu nhập từ tiền bản quyền; thu nhập từ thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu doanh nghiệp…
Theo một chuyên gia về tiền lương, những khoản được “chia” từ các công trình khoa học, dự án, quỹ riêng hay tiền được tặng, biếu là khó kiểm soát nhất và thường “giúp” CBCC có những khoản tiền lớn.

Buông lỏng kiểm soát tài sản công chức

Điều 53, Luật Phòng chống tham nhũng ban hành năm 2005 quy định: “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng văn bản này vẫn chưa thành hiện thực.

Công chức 1 quân ở Hà Nội đang làm việc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Công chức 1 quân ở Hà Nội đang làm việc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - TTCP, cho biết trong nghiên cứu của TTCP phối hợp với WB đã nêu rõ những khó khăn trong việc kiểm soát thu nhập CBCC. Do điều kiện thanh toán ở nước ta chủ yếu bằng tiền mặt nên để hạn chế việc trốn thuế của các cá nhân, phương pháp khấu trừ tại nguồn (thông qua sổ sách), tự kê khai và nộp thuế được thực hiện khá phổ biến.
Tuy nhiên, hiện tượng trốn thuế, không tự giác kê khai nộp thuế thường xuyên xảy ra. Vì vậy, trên thực tế, việc kiểm soát mới chỉ là kiểm soát thu thuế, không thể xem là kiểm soát thu nhập theo đúng nghĩa của nó. Việc kiểm soát thu thuế cũng không được đối chiếu với kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. CBCC kê khai và nộp cho cơ quan quản lý cán bộ, thông tin không được chuyển cho cơ quan thuế để đối chiếu.

Hơn nữa, đến nay, pháp luật chưa ra quy định về hành vi và tội phạm làm giàu bất chính. Bên cạnh đó, các quy định về những điều đảng viên không được làm, kê khai tài sản, cấm sử dụng công quỹ làm quà biếu còn thiếu chặt chẽ, không khả thi và thiếu chế tài xử lý vi phạm. Đại diện TTCP cho biết mặc dù Nhà nước đã ra một số quy định cấm sử dụng công quỹ để biếu xén; quy định về chi tiêu hội nghị, tiếp khách, mua ô tô, đấu thầu, công khai tài chính... nhưng vẫn thiếu biện pháp kiểm tra, xử lý; nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc.

Việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay cũng chỉ tập trung vào nhóm đối tượng có chức vụ từ phó, trưởng phòng cấp huyện trở lên và một số chức danh, vị trí công tác liên quan đến hoạt động quản lý tiền, tài sản, giao dịch với người dân, doanh nghiệp... Do đó, cần tính toán để xác định đối tượng chịu sự kiểm soát cho hợp lý để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp kiểm soát được đồng bộ, khả thi.

Một trong những biện pháp mà TTCP cho rằng có thể giúp việc kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là tăng cường vai trò hệ thống ngân hàng trong thực hiện chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, trả lương và các khoản thu nhập khác của người có chức vụ, quyền hạn qua tài khoản cá nhân.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin về tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn và thân thích của họ, bao gồm cả việc kiểm tra, xác minh theo kế hoạch và kiểm tra, xác minh đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.
Trước mắt, phải xây dựng luật riêng về kiểm soát tài sản, thu nhập để đến khi sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng (dự kiến năm 2015) thì đồng thời ban hành được luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP), việc niêm yết tài sản tại nơi cư trú đã đưa ra bàn luận nhưng không được chấp nhận do đây là chuyện “nhạy cảm”.

Lương không đủ sống

Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), tiền lương mà Nhà nước chi trả hằng tháng không giúp CBCC - viên chức đủ trang trải cuộc sống. Từ năm 2003-2012, Chính phủ đã 8 lần điều chỉnh tăng lương cho CBCC-viên chức từ 210.000 đồng lên 1.050.000 đồng (tăng 400%), cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (154%) nhưng mức lương tối thiểu hiện hành mới chỉ đạt 37,5% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Thế Kha/NLĐ