Mại dâm, lý giải dưới góc nhìn của các học giả

31/07/2014 06:55
Xuân Dương
(GDVN) - Những người đang được bao bọc bởi ánh hào quang đạo đức, những người có trách nhiệm hãy nhìn hiện tượng mại dâm một cách nhân văn hơn,...

Tiếp tục tranh luận về chủ đề chúng ta sẽ ứng xử thế nào với mại dâm, cấm hay quản, Tòa soạn nhận được bài viết của tác giả Xuân Dương bày tỏ quan điểm sau khi có ý kiến của tác giả Nguyễn Văn Viên đã được đăng tải.

Tôn trọng ý kiến của các tác giả, học giả, chúng tôi tiếp tục đăng tải các tranh luận về vấn đề này. Xin lưu ý, quan điểm của nhân vật, tác giả không phản ánh quan điểm của tòa soạn, chúng tôi hoan nghênh mọi bình luận, góp ý và phản biện đối với vấn đề này một cách có văn hóa và tinh thần xây dựng.

Tác giả Nguyễn Văn Viên, trong bài “Hợp pháp hóa mại dâm - Biểu hiện bất lực của Nhà nước trong quản lý” cho rằng: “Hoạt động tình dục được coi là chuyện phòng the, nhưng trong thực tế nó được nhiều dân tộc, quốc gia (trong đó có Việt Nam) tôn sùng, trở thành tín ngưỡng. Trong lời giới thiệu của ban biên tập, thấy nói ông làm việc tại Vụ các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

Nhân đọc bài viết của tác giả Nguyễn Văn Viên, xin nêu vài suy nghĩ của một người vốn không được đào tạo các kiến thức về khoa học xã hội.

Có một số định nghĩa khác nhau về tín ngưỡng, song định nghĩa được nhiều học giả chấp thuận là: “Tín ngưỡng của một dân tộc là niềm tin có hệ thống mà họ sử dụng để giải thích thế giới, để mang lại sự bình yên cho bản thân và cộng đồng, đôi khi tín ngưỡng được hiểu là tôn giáo”. Cơ sở của mọi tôn giáo, tín ngưỡng là sự tin tưởng, sự ngưỡng vọng của con người vào những cái "siêu nhiên" còn gọi là "cái linh thiêng" cái đối lập với cái "trần tục". 

Cơ quan công an lấy lời khai gái mại dâm trong một vụ việc bị phát hiện tại Hà Nội. Ảnh Báo phụ nữ TP.HCM
Cơ quan công an lấy lời khai gái mại dâm trong một vụ việc bị phát hiện tại Hà Nội. Ảnh Báo phụ nữ TP.HCM

Người Việt có tín ngưỡng Thành Hoàng, Đạo Mẫu… ở mức cao hơn, chặt chẽ hơn tín ngưỡng, người Việt tin vào đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Tin lành… Đó chính xác là những tín ngưỡng đã thành “Đạo” với những giáo điều, giáo quy viết thành sách và có tổ chức chặt chẽ.

Mặc dù một vài làng quê ở Việt Nam có lễ hội liên quan đến “tín ngưỡng phồn thực” như hội làng Đồng kị, một vài nơi ở Bắc Giang, Hà Tĩnh, đồng bào Chăm ở nam Trung Bộ… Nhưng nói rằng người Việt “tôn sùng” tình dục đến mức trở thành tín ngưỡng thì đó chưa hẳn là một kết luận chính xác. Không thể phủ nhận sự tồn tại “tín ngưỡng phồn thực” ở Việt Nam, nhưng người Việt có “tôn sùng” hay không lại là chuyện khác. Không thể và không được phép dựa vào một vài hiện tượng cá biệt để kết luận về tín ngưỡng của cả một quốc gia, dân tộc. 

Mại dâm, lý giải dưới góc nhìn của các học giả ảnh 2Hợp pháp hóa mại dâm - Biểu hiện bất lực của Nhà nước trong quản lý

(GDVN) - Mại dâm nên cấm hay cho phép? Hiện nay có 2 luồng ý kiến trái chiều, cá nhân tôi, Nhà nước tuyệt đối cấm mại dâm, bởi các lý do sau:

Trong cuốn “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” F. Engels đã trích dẫn quan điểm của Morgan: “Một khi thừa nhận sự thật là gia đình đã trải qua bốn hình thức nối tiếp nhau, và hiện đang ở hình thức thứ năm, thì một vấn đề sẽ xuất hiện: hình thức hiện nay (một vợ một chồng – tác giả) có tồn tại lâu dài trong tương lai không? Câu trả lời duy nhất có thể được đưa ra là: Nó phải phát triển và thay đổi, cùng với sự phát triển và thay đổi của xã hội, hệt như trong quá khứ”.

Gia đình chắc chắn sẽ thay đổi và đương nhiên tình dục trong hôn nhân cũng biến đổi theo. Từ Á sang Âu, từ Bắc xuống Nam, ở đâu cũng tồn tại tình dục gắn với tình yêu và tình dục không có tình yêu. Tình yêu có thể thay đổi tùy thuộc vào nhận thức và hoàn cảnh sống của mỗi cá thể, mỗi tộc người song tình dục cho đến nay vẫn như lúc loài người biết đứng bằng hai chân, biết sử dụng công cụ lao động.

Nói như vậy để thấy, bắt buộc tình dục phải gắn với tình yêu, gắn với hôn nhân là một quan niệm khiên cưỡng, trái với tự nhiên và cũng trái với những điều chính F. Engels tán thành. 

Trong thế giới loài chim, con đực dùng màu lông sặc sỡ, dùng tiếng hót để quyến rũ con cái, ở loài linh trưởng, con đực đầu đàn phải chiến đấu để bảo vệ bầy của mình… đó chính là cái giá phải trả để được quyền giao phối duy trì nòi giống. Cũng có một vài cá biệt như một bộ phim khoa học chiếu trên kênh Animal Planet gần đây cho biết, đến mùa giao phối, con cái phát triển màu sắc bộ phận sinh sản để quyến rũ con đực.

Không phải ngẫu nhiên mà các triết gia cho rằng: “Tất cả các cuộc chiến tranh trong thế giới động vật (kể cả loài người) đều bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân: Tranh giành lãnh thổ, tranh giành nguồn thức ăn và tranh giành con cái”.

Trong cuộc cạnh tranh ấy, nhiều con đực bị chết, bị tổn thương làm suy yếu sức mạnh bầy đàn, chính vì thế ngay khi thoát khỏi đời sống động vật, bước vào hình thái công xã nguyên thủy, con người cũng bước vào chế độ quần hôn. Cuộc chiến giành con cái trong các bầy người nguyên thủy không còn khốc liệt khiến cho các con đực duy trì được thể lực sung mãn tạo ra các thế hệ sau ngày càng thông minh, khỏe mạnh hơn. Nói thể để thấy quan hệ tình dục vốn là một hiện tượng tự nhiên “có trả giá” trong thế giới động vật, không loại trừ xã hội loài người. 

Trong tác phẩm của mình, nhận xét quan điểm của Westermarck rằng “quan hệ tính giao bừa bãi (tình dục không tình yêu – tác giả)  chính là hình thức xác thực nhất của tình trạng mại dâm”, F. Engels viết: “Theo ý tôi, người ta sẽ không thể hiểu được xã hội nguyên thủy, chừng nào còn nhìn xã hội ấy bằng cặp kính nhà thổ”.

Nhận định của F. Engels về xã hội nguyên thủy cho đến nay vẫn không mất tính chính xác. Một số tác giả khi viết về hiện tượng mại dâm bao giờ cũng gắn từ “mại dâm” với từ “tệ nạn”, xem đó là một hiện tượng xấu xa cần phải lên án, cần phải loại trừ khỏi đời sống xã hội. 

Tác giả Nguyễn Văn Viên viết: “Những người bán dâm không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị chà đạp về nhân phẩm, bởi trong suy nghĩ của mọi người và của xã hội, tất cả những người bán dâm là đều đê hèn, là vô liêm sỉ…” và đề nghị “Nhà nước tuyệt đối cấm mại dâm”.

Cần phải đính chính rằng không phải “mọi người” và “xã hội” đều cùng suy nghĩ như ông Viên, không biết ông đã đọc truyện ngắn “Ngựa người người ngựa” của Nguyễn Công Hoan hay chưa, ông có thấy tính nhân văn sâu sắc trong câu chuyện về người phụ nữ bán dâm ngày xưa không, nếu đã đọc chắc ông không phát biểu như vậy. Những đánh giá và đề xuất xử lý mại dâm theo chiều hướng cấm đoán, tiêu cực chính là cách nhìn nhận, đánh giá về mại dâm dưới “cặp kính nhà thổ” như cách nói của F. Engels.

Mại dâm, lý giải dưới góc nhìn của các học giả ảnh 3"Thà để cho mại dâm hoạt động còn hơn để người ta đi hiếp dâm"

(GDVN) - Đó là ý kiến của một nhà nghiên cứu xã hội học trước đề xuất của Hà Nội là tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm..

Một khi đã công nhận xã hội loài người phát triển theo đường xoáy trôn ốc thì không thể không nhận ra rằng đến một lúc nào đó khái niệm gia đình sẽ không còn tồn tại như ngày nay, hôn nhân không còn là được luật hóa để bảo vệ khái niệm “tình dục hợp pháp”. Nói cách khác, không còn chuyện tình dục giữa vợ và chồng mà chỉ còn hai phạm trù: Tình dục không vụ lợi và tình dục vụ lợi.

Một trong các biểu hiện của tình dục vụ lợi là tình trạng “cặp bồ” của không ít người, bao gồm cả một số quan chức nhiều quyền, nhiều tiền. Gái mại dâm phải đánh đổi nhân phẩm, sức khỏe, đôi khi là cả tính mạng cho những đồng tiền bạc bẽo, xét về bản chất họ là những người “lao động thực sự”. Đồng tiền mà các “bồ nhí” có được đa phần không phải là tiền sạch, hành động “cặp bồ” của họ vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, thúc đẩy sự tham ô, làm băng hoại đạo đức xã hội, vậy tại sao không đề xuất cấm?

Nếu công nhận mại dâm là hợp pháp, theo ông Viên sẽ dẫn tới tình trạng gái mại dâm “về hưu” sớm so với tuổi quy định trong Luật Lao động rất nhiều năm, có khi lên tới 15 - 20 năm. Bài toán đặt ra là sẽ xử lý như thế nào đối với những người “về hưu non” này nếu thừa nhận họ là lao động hợp pháp?

Quan tâm đến người hành nghề mại dâm là tốt, nhưng Việt Nam có 90 triệu dân trong đó nông dân chiếm khoảng 70% và cũng chiếm trên 50% lực lượng lao động xã hội. Bao nhiêu người trong số đó có bảo hiểm và được nghỉ hưu? Liệu có cần quan tâm đến giai cấp nông dân nhiều hơn trước khi lo lắng thái quá về một vấn đề đang còn bàn luận?

Cần nói thẳng rằng, dù có cố đến mấy, dù huy động tất cả công cụ chuyên chính có trong tay cũng không cấm được hiện tượng mại dâm. Con người khi trưởng thành, nhu cầu tình dục tự nhiên xuất hiện, họ tự nhiên biết các động tác “phòng the” mà không cần dạy dỗ. Bản năng tự nhiên này khởi thủy là nhằm mục đích duy trì nòi giống, sau này nó mới biến dạng trở thành một đòi hỏi, một ham muốn không kèm theo sự sinh sản.

Bà mẹ chồng ngày xưa khuyên con dâu khi con trai vắng nhà, rằng “nếu cái nhớ cái thương nó khiến con không chịu được thì bỏ thóc vào cối mà xay, nếu thóc hết thì bỏ trấu vào mà xay”. Nhu cầu tình dục của phụ nữ  làm xuất hiện đối tượng mại dâm nam mà Thái Lan được xem là thiên đường và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Thông tin trên tờ Vietnamplus cho biết, năm 2012 tỷ lệ trẻ sơ sinh tại Việt Nam là 112,3 trai/100 gái. Nếu xu hướng này không thay đổi, đến năm 2035 số nam giới trưởng thành sẽ nhiều hơn nữ là 10%. Theo một nghiên cứu được công bố trên trang Web của Bộ Thông tin và Truyền thông thì số người ở độ tuổi từ 19 trở xuống chiếm khoảng 33%, như vậy số người trưởng thành sẽ là 67%.

Nếu Luật hôn nhân và gia đình, nếu chế độ một vợ một chồng vẫn còn duy trì thì tình trạng 10% nam giới không có bạn tình sẽ là một thảm họa, bởi vì 10% ấy là khoảng vài triệu người. Hãy nhìn tình trạng nhập khẩu “cô dâu” của Trung Quốc, Hàn quốc, Đài Loan… để mà cân nhắc.

Những người đang được bao bọc bởi ánh hào quang đạo đức, những người có trách nhiệm hãy nhìn hiện tượng mại dâm một cách nhân văn hơn, hãy tìm phương cách quản lý một cách cơ bản mà xã hội có thể chấp nhận hơn là tìm cách cấm đoán.

Mại dâm là hiện tượng xã hội, xấu hay không xấu là tùy thuộc vào quan điểm của cộng đồng. Không công nhận sự tồn tại hiện tượng mại dâm như chính quyền Đồ Sơn, Quất Lâm chỉ là tự lừa dối mình và lừa dối dư luận. Hợp pháp hóa mại dâm thời điểm này có thể chưa phù hợp, nhưng giống như lời tuyên bố bất hủ của Galileo Galilei “dù sao trái đất vẫn quay”, dù cấm đoán cách gì thì “mại dâm vẫn tồn tại”.

Xuân Dương