Muôn vàn khó khăn chăm sóc người tâm thần tại gia đình

09/11/2013 04:30
Theo Văn Quyết/ Báo Điện Biên Phủ
(GDVN) - Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2012, có 3.508 người khuyết tật, trong đó 643 người mắc bệnh tâm thần, chiếm tỷ lệ 18,33% tổng số người khuyết tật.
Để việc chăm sóc người tâm thần được hiệu quả, nhiều năm qua, tỉnh chỉ đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể thực hiện đầy đủ chính sách đối với người khuyết tật cũng như bệnh nhân tâm thần để họ vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, nhiều người bị tâm thần đã mau chóng hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

Gia đình anh Tòng Văn Luân, đội 13 Pom Lót, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên - người đã từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh một thời gian, sau đó được đưa về chăm sóc tại nhà. Khi hỏi về căn bệnh của anh Luân, ông Tòng Văn Quy (bố anh Luân) kể lại: Con trai ông bị bệnh tâm thần phân liệt cách đây 11 năm sau một trận ốm.

Gia đình đã bán đất cùng gia súc, gia cầm dành tiền chữa bệnh cho anh Luân tại Bệnh xá 359 của Bộ đội Biên phòng, Bệnh viện 103, Bệnh viện 354 nên bệnh tình đã giảm, sức khỏe tiến triển tốt. Sau đó gia đình quyết định đưa anh về điều trị tại nhà. Tuy nhiên, không lâu sau bệnh của anh Luân lại tái phát, gia đình phải đưa anh đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị nhưng chỉ được một thời gian rồi phải trở về do điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại nhà, anh Luân thường sử dụng thuốc do trạm y tế xã cấp phát như: Hoạt huyết dưỡng não, thuốc Aminazin. Ngoài ra gia đình mua thêm thuốc B1 cho anh Luân uống để tăng cường sức khỏe. Ngoài những khó khăn về điều kiện vật chất không đủ để điều trị bệnh viện mà việc chăm sóc cho anh Luân tại nhà cũng rất khó khăn: những lúc cho anh Luân ăn uống thì thường bị anh đánh, chửi... nguy hiểm hơn là khi phát bệnh anh chạy quanh nhà tìm dao đòi chém mọi người. Bất lực trước sự hung hãn của con, nhiều khi gia đình phải nhờ hàng xóm khống chế xích lại.

Rời gia đình anh Luân, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, đội 9 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Anh Toàn năm nay 24 tuổi, mắc bệnh động kinh đã 4 năm. Những năm trước do chưa có điều kiện nên gia đình để anh uống thuốc điều trị tại nhà. Nay bệnh càng tăng, tần suất phát bệnh ngày càng nhiều, bình quân mỗi tháng phát bệnh 5 – 6 lần nên gia đình phải đưa anh đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh chữa trị.

Sau một thời gian được các bác sĩ chăm sóc, hiện tại bệnh của anh Toàn có chiều hướng giảm. Ông Nguyễn Văn Lập, bố anh Toàn cho biết: Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện, ban đầu bệnh tình của anh Toàn có chuyển biến rõ rệt, ít bị co giật hơn, thấy thế, gia đình xin cho anh Toàn xuất viện. Về nhà được một thời gian thì bệnh cũ lại tái phát, gia đình rất vất vả khi chăm sóc và theo dõi anh Toàn mặc dù thường sử dụng các loại thuốc bổ và hoạt huyết dưỡng não do trạm y tế xã cấp.

Chị Hoàng Thị Hồng Minh (39 tuổi), đội Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Trường hợp của chị cũng không khác nhiều so với các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần khác. Tuy nhiên khi được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần với thời gian 31 ngày, bệnh của chị đã có chuyển biến tích cực so với trước nên gia đình quyết định đưa chị về theo dõi và cho uống thuốc tại nhà. Đến nay, chị đã làm được nhiều công việc như một người bình thường.

Để người bệnh tâm thần có môi trường điều trị tốt, sớm hồi phục sức khỏe, tái hòa nhập với cộng đồng, theo bác sỹ Lương Văn Sáng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, người nhà nên để bệnh nhân điều trị hết đợt tại bệnh viện, để các bác sĩ theo dõi bệnh tình, có cách xử lí đối với những trường hợp bệnh nặng.

Ngoài ra, môi trường tại bệnh viện đảm bảo vệ sinh, tốt cho người bệnh hơn. Bên cạnh đó, về phía gia đình người bệnh cũng cần quan tâm nhiều về mặt tinh thần, không để bệnh nhân bị kích động, nếu chăm sóc tại gia đình, cần làm đúng theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của các bác sĩ, có như vậy thì công tác khám, điều trị bệnh cho người tâm thần mới đạt hiệu quả cao./.
Theo Văn Quyết/ Báo Điện Biên Phủ