Năm 2016- Một góc nhìn (2)

04/01/2017 09:04
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Năm 2016 chứng kiến rất nhiều biến động tiêu cực ở phạm vi quốc tế lẫn trong nước.

LTS: Sau bài viết "Năm 2016 - Một góc nhìn", tác giả Trương Khắc Trà tiếp tục tổng kết những vấn đề nóng bỏng của nước ta trong năm 2016.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Năm 2016 chứng kiến rất nhiều biến động tiêu cực ở phạm vi quốc tế lẫn trong nước. 

Bức tranh kinh tế thế giới vẫn chủ đạo màu xám, tình hình chính trị bất ổn ở nhiều nơi, liên minh Châu Âu (EU) đối mặt với Brexit, Hoa Kỳ - siêu cường số 1 thế giới bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực, giá dầu xuống thấp, những căng thẳng trong quan hệ giữa các nước lớn… 

Ở trong nước, tác động của thiên tai và ô nhiễm môi trường cản trở tăng trưởng kinh tế, lần đầu tiên nông nghiệp nước ta tăng trưởng kém! 

Tham nhũng, lãng phí, tình hình Biển Đông… kéo theo những hệ lụy không nhỏ đến các nền kinh tế nhỏ và vừa như Việt Nam. 

Tuy nhiên, bất chấp những tác động tiêu cực từ các vấn đề quốc tế lẫn trong nước, năm 2016 ghi nhận một kỷ lục mới về số lượng doanh nghiệp mới được thành lập. 

Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12, đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. 

Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%. [1].

Đây là bước chạy đà lý tưởng cho năm 2017, doanh nghiệp mọc lên như nấm đã cho thấy hiệu quả ban đầu của cải cách thủ tục hành chính, tính ưu việt của “Chính phủ hành động và kiến tạo” như lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Có thể hình dung, cộng đồng doanh nghiệp như là tế bào của một cơ thể nền kinh tế, một khi hệ thống tế bào khỏe mạnh thì nền kinh tế mới khởi sắc, ngược lại nền kinh tế sẽ “rỗng ruột” nếu doanh nghiệp không thể sinh ra và lớn lên. 

Hơn thế, trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước đang lâm “trọng bệnh” thì việc có 110.100 doanh nghiệp mới ra đời là chỗ dựa kịp thời.

Tranh biếm họa minh họa trên Báo Lao động
Tranh biếm họa minh họa trên Báo Lao động

Tuy nhiên, mừng nhưng cũng đáng lo bởi doanh nghiệp Việt Nam đa số nhỏ và vừa, tuổi thọ ngắn, những doanh nghiệp đủ sức vươn ra thế giới làm rường cột cho nền kinh tế, mang bản sắc, văn hóa kinh doanh của người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Các thế lực “hành doanh nghiệp”, “giấy phép con” vẫn chưa “chết” hẳn!

Cũng trong năm 2016, dư luận liên tiếp nhận những cú “sốc” khi báo chí liệt kê danh sách dài dằng dặc các “ông lớn” trong kinh tế nhà nước làm ăn bết bát, tình trạng “công làm thủ phá” đã cho thấy sự bao cấp trong quản lý, điều hành khu vực kinh tế nhà nước đang có vấn đề.

Năm 2016- Một góc nhìn (2) ảnh 2

10 sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2016

Những cái tên “cộm cán” ném cả núi tiền qua cửa sổ có thể kể ra đây như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 4 dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) 2 dự án.

Những dự án nghìn tỷ bị nổi đình nổi đám là: Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Thêm nhiều dự án mới được bổ sung là đạm Hà Bắc, đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Những cái tên làm ăn không hiệu quả kể trên đều là “con đẻ” của những tập đoàn lớn trong khu vực nhà nước nắm số vốn khổng lồ, nhiều sự việc bung vỡ làm lộ ra những sự việc kinh thiên động địa về công tác nhân sự, điều hành mà không ít những vị “tai to mặt lớn” đã chấm dứt sự nghiệp từ đây!

Trong khi kinh tế nhà nước gặp trở ngại thì năm 2016 chứng kiến sự thành công lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% [2]. 

Tuy nhiên, đây chỉ là niềm vui trước mắt bởi lẽ chẳng có nền kinh tế vững mạnh nào mà chỉ đứng trên “đôi chân” tạm bợ của doanh nghiệp nước ngoài. 

Nguyên Bộ trưởng Thương mại -Trương Đình Tuyển đã cảnh báo “động lực để tạo ra tăng trưởng bền vững, làm nên sự phồn thịnh của một quốc gia phải là cộng đồng doanh nghiệp trong nước, chứ không phải FDI”.[3].

Kỳ họp Quốc hội hồi tháng 7/2016 để lại nhiều điều nghĩ suy, trong đó câu trả lời của Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh xứng đáng giành vị trí quán quân, khi được hỏi “Bao giờ du lịch Việt Nam bằng Campuchia, Thái Lan, Malaysia” ông đáp, “tôi không dám trả lời mà để nhiệm kỳ tiếp theo trả lời” [4].

Câu trả lời của Bộ trưởng tiếp theo chưa ai nghe thấy nhưng ngành du lịch năm 2016 lần đầu tiên cán mốc đón 10 triệu lượt khách quốc tế. 

Con số “đầu tiên” chỉ là với Việt Nam nhưng so với Thái Lan, Campuchia, Malaysia vẫn chưa là gì, xem ra câu trả lời của “Bộ trưởng tiếp theo” chưa thể có ngay được!

Năm vừa qua ngành giáo dục chứng kiến nhiều sự việc gây “sóng gió”, nhiều người tỏ ra lo ngại nhưng thực ra đó là diễn biến… mừng! 

Mừng vì những gì được cho là tiêu cực nhất, ái ngại nhất của ngành giáo dục đã được đào bới, xới xáo lên. Không kém cạnh gì lĩnh vực kinh tế, giáo dục cũng có những “siêu dự án” ngàn tỷ bị “bóc phốt” trong năm 2016.

Đó là: Đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” với dự toán kinh phí ban đầu là 70.000 tỷ đồng[5]; đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” gọi tắt là “Đề án 2020” trị giá hơn 9.000 tỷ đồng[6]…

Dễ dàng nhận thấy, tên của các đề án đều bắt đầu bằng cụm từ “Đổi mới” nhưng những gì diễn ra trong năm vừa rồi vẫn chưa cho thấy có gì thực sự mới!

Vấn nạn bạo lực học đường, xâm hại tình dục nữ sinh gia tăng nhanh chóng, nhà trường bỗng chốc trở thành nơi không còn an toàn với nhiều phụ huynh học sinh. 

Vòng luẩn quẩn học thêm dạy thêm một lần nữa được đem ra bàn tán sối nổi nhưng cách tháo gỡ ra sao vẫn “hạ hồi phân giải”, bệnh thành tích vẫn chưa có thuốc đặc trị…

Năm 2016, ngành giáo dục chứng kiến nhiều ý kiến trái chiều về mô hình VNEN, nhiều địa phương đã tẩy chay và lần đầu tiên dư luận bị “sốc” trước những mô hình liên kết ngoại ngữ có bóng dáng của ăn chia lợi ích. 

Quyết định bỏ điểm sàn đại học đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đây hứa hẹn sẽ là đề tài nóng bỏng trong năm tới.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, chính trị (đã đề cập trong bài trước), văn hóa, giáo dục, năm 2016 những vấn đề xã hội làm báo giới tốn không ít giấy mực. 

Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm “nóng” đến mức đã đi vào đề thi học kỳ; lối sống ảo “câu like” giường như đạt đến đỉnh điểm, phong trào “Việt Nam nói là làm” bị sử dụng sai mục đích, cùng với sự xuống cấp thảm hại của đạo đức, lối sống qua các sự việc bạo hành trẻ em, giết người man rợ, ứng xử nơi công cộng.

Sự thịnh vượng của một quốc gia không thể đứng vững trên các chỉ số kinh tế, một lúc nào đó con người sẽ quay trở lại tìm kiếm bản thân mình trong các giá trị tinh thần chứ không phải vật chất. 

Sự khủng hoảng đời sống tinh thần ở các quốc gia phát triển cho thấy điều đó. Cho nên, những tín hiệu vui trong kinh tế chẳng là gì nếu các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống mục ruỗng.

Năm 2017 đã mở ra, hy vọng rằng, chúng ta sẽ được thấy bức tranh sáng màu của nền kinh tế, ít đi những sự việc đau lòng, nhiều thêm sự đoàn kết, sẻ chia.

Tài liệu tham khảo:

[1],[2] http://cafef.vn/kinh-te-viet-nam-nam-2016-va-nhung-ky-luc-20161228145054223.chn

[3] http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/dong-luc-tang-truong-da-ben-vung-76042.html

[4] http://infonet.vn/cau-tra-loi-khien-quoc-hoi-cuoi-nghieng-nga-cua-bo-truong-hoang-tuan-anh-post182671.info

[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Pham-Vu-Luan-Tien-si-Nguyen-Vinh-Hien-va-nhung-sieu-de-an-ngan-ti-post173521.gd

[6] http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=18&mode=detail&document_id=78437

Trương Khắc Trà