Năm 2017: Những chuyện vui buồn (2)

31/12/2017 07:15
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Những mảnh ghép tiếp theo cho một năm 2017 khép lại không thể thiếu những sự kiện thu hút sự quan tâm rốt ráo của dư luận.

Những mảnh ghép tiếp theo cho một năm 2017 khép lại không thể thiếu những sự kiện thu hút sự quan tâm rốt ráo của dư luận.

Mặc dù phải chống chọi với biến đổi khí hậu, thiên tai, và họa tham nhũng nhưng nhìn tổng quan, nền kinh tế Việt Nam đã có bước tiến vững chắc.

Bất chấp trở lực từ năng suất lao động, nền kinh tế vẫn đạt được nhiều con số được xem là kỷ lục.

Năm 2017: Những chuyện vui buồn (2) ảnh 1Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam năm 2017?

Những con số đó cho thấy điều gì? Trước hết là công lao của Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động.

Hàng nghìn “giấy phép con” được bãi bỏ, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp một ngày đón vài đoàn thanh, kiểm tra, là nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô đúng đắn của Chính phủ và sự thừa hành của các Bộ, ban, ngành.

Một trong những ngành để lại ấn tượng sâu sắc là du lịch. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng qua đạt gần 11.650 nghìn lượt tăng  27.8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, khách du lịch châu Á tăng nhiều nhất 30,6% tiếp đến là châu Âu, châu Đại Dương. Lượng khách đến từ châu Mỹ và châu Phi cũng tăng khoảng 15%.

Những con số ấn tượng của ngành du lịch có nguyên nhân hẳn hoi chứ không phải…tự dưng trên trời rơi xuống. Đó là hiệu ứng lan tỏa từ bộ phim Kong: Skull Island, cảnh đẹp Việt Nam xuất hiện trên "bom tấn" của Hollywood được công chiếu toàn cầu; đó là kết quả tất yếu sau hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC); đó là nỗ lực đáng ghi nhận từ Chính phủ kiến tạo…

Dĩ nhiên vẫn còn đó những hạt “sạn” khiến chúng ta phải xốn mắt. Cửa khẩu Móng Cái ùn tắc vì lượng người Trung Quốc nhập cảnh quá đông, 4.000 lượt/ngày.

Đáng chú ý, lượng khách Trung Quốc tăng cao là do giá các tour du lịch 4 ngày 3 đêm đến Việt Nam đã trở về mốc 0 đồng.

Không chỉ Việt Nam mà cường quốc du lịch như Thái Lan, Malaysia đều dính tour 0 đồng.

Đây là mô hình đưa khách du lịch vào Việt Nam, do đối tác phía Trung Quốc ép giá tour chỉ 0 đồng mỗi người.

Để có lãi, các công ty lữ hành trong nước phải đưa khách đến mua sắm tại một số cửa hàng bán với giá rất cao, do người Trung Quốc đứng sau.

Như thế, mặc dù có khách nhưng chủ nhà vẫn không thu được đồng nào, trong khi phải ôm đồm đủ thứ chuyện liên quan đến an toàn trật tự xã hội, an ninh chính trị.

Chúng ta phải "đổ vỏ" cho người khác ăn chơi mà chẳng thu được đồng cắc nào, đây không phải làm du lịch mà là…vác tù và hàng tổng.

Lại còn một vấn đề đau đầu chưa có giải pháp. Năng suất lao động của người Việt Nam hiện thực hóa theo giá thành là 3.360 USD/người/năm, chỉ bằng 4,4% của Singapore và 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia [2].

Năm 2017: Những chuyện vui buồn (2) ảnh 2Trong những trăn trở về vận nước, Thủ tướng lo lắng nhất điều gì?

Năm 2017 có nhân hòa, địa lợi nhưng thiên…không thời.

Một con số thống kê cho thấy những cơn thịnh nộ của thiên tai phá hoại khủng khiếp tiềm lực quốc gia.

Thiên tai đã làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng [3]. Số tiền thiệt hại tương đương với thua lỗ 12 dự án trọng điểm, xấp xỉ 343 triệu cổ phiếu Sabeco vừa được bán cho tỷ phú Thái Lan.

Thiên tai địch họa như một phần của tự nhiên, song đi kèm với thiên tai còn có “nhân tai”. Những năm gần đây thiên tai và nhân tai song trùng nhau như hình với bóng.

Rừng Tây Nguyên, Tây Bắc bị phá tan hoang trong 20 năm qua hóa thân thành những ngôi nhà gỗ kỳ vĩ của giới đại gia và quy thành những đồng tiền nhuốm mùi lợi ích nhóm, những dự án được phê duyệt bằng sự “bôi trơn mềm mại”.

Sự thờ ơ tắc trách ở nhiều nơi đang dung dưỡng cho nhân tai ngày càng dày, càng nặng và rồi đây thiên tai cũng sẽ còn khôn lường gấp bội.

Đó là kiểu xả lũ “đúng quy trình”; đó là rừng phòng hộ ven biển bị đốn hạ để xây khu nghỉ dưỡng…Biết đâu, những trận lũ ống, lũ quét sẽ không diễn ra nếu chúng ta đồng thanh lên tiếng về những công trình xây dựng bất chấp, về hệ thống thoát nước ngàn tỷ có mùi lợi ích nhóm, hay một chính sách đô thị hóa sai lầm về cái biệt phủ cạo trọc đồi núi…

Chưa năm nào chính sách “đầu tư, khai thác, chuyển giao” trong lĩnh vực giao thông đường bộ (BOT) nảy sinh nhiều hệ quả như năm nay.       

Ngôi làng ven quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị thanh bình bỗng chốc náo loạn ngày đêm vì từng dòng xe cộ không biết từ đâu chui ra đâm xéo qua con đường bê tông chưa đầy 3m.

Cơn mưa đổ xuống, mặt đường trở nên nham nhở, ổ voi ổ trâu san sát, những chiếc xe dài ngoằng ngoặc vẫn lặc lè bò qua chỉ để trốn trạm BOT nằm ngay cạnh.

Dân làng phải gắn barie, cử người túc trực và thu tiền mỗi lượt xe qua chạy qua, có điều mức phí theo lệ làng dễ chịu hơn nhiều so với trạm BOT đồ sộ ngoài kia.

Sự việc to như con voi nên không thể chui lọt lỗ kim, cuối cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hai phương án: một là giảm phí, hai là chuyển trạm…

BOT Cai Lậy (Ảnh minh họa: Zing.vn).
BOT Cai Lậy (Ảnh minh họa: Zing.vn).

Một trong những điểm “nóng” là BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Cánh tài xế bất tuân và phản ứng bằng cách trả tiền lẻ, trả tiền chẵn, xô xát đã xảy ra, nhà đầu tư năm lần bảy lượt xả rồi lại đóng.

Lần đầu tiên thu phí đường bộ phải được bảo đảm bởi lực lượng có vũ trang, có người vì thế ngán ngẩm mà rằng phải chăng người ta “cố đấm ăn xôi”, bất chấp tất cả miễn thu được tiền?.

Người ta có đủ cách thức dùng tiền để thu được tiền nhưng cái giá phải trả không thể tính được bằng tiền.

Mấy tháng nay những rắc rối mang tên BOT khiến xã hội xôn xao bàn tán, đó là nguồn cơn của những luồng dư luận không tốt về hình ảnh của cơ quan chức năng.

Người dân phải được lắng nghe nhiều hơn chứ không phải chỉ nhìn vào túi tiền của họ. Vì chỉ có người dân mới là đối tượng sau cùng quyết định sự tồn tại của BOT.

Là khách hàng dụng dịch vụ nên đương nhiên có quyền mặc cả đắt, rẻ. Và vì không còn con đường nào khác ngoài đường BOT nên họ mới chọn cách phản đối.

Khi sự việc bung bét ra thì người ta mới hỏi, người dân có vai trò gì trong thực hiện các dự án BOT?

Họ có được tham gia đóng góp ý kiến và quyết định nơi nào cần BOT, nơi nào không cần BOT?

Họ có được quyền giám sát chất lượng công trình có BOT?...rất, rất nhiều những vấn đề mà nên xem đó là bài học kinh nghiệm không chỉ với BOT.

Sự việc cuối cùng tạm lắng sau khi Thủ tướng quyết định đóng cửa một vài tháng để xem xet vấn đề ở BOT Cai Lậy. Đây là biện pháp hợp lý trong tình cảnh căng thẳng leo thang. Cần nhất một động thái “ngồi lại” giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân để giải quyết tận gốc vấn đề (còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vtv.vn/kinh-te/buc-tranh-sang-cua-nen-kinh-te-11-thang-dau-nam-2017-20171203105044829.htm

[2] https://vov.vn/kinh-te/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-moi-chi-bang-44-cua-singapore-581480.vov

[3] http://dantri.com.vn/xa-hoi/385-nguoi-chet-60000-ty-dong-mat-trang-do-thien-tai-nam-2017-20171205115812675.htm

Trương Khắc Trà