Năm 2018 Chính phủ đẩy mạnh hành động, liêm chính, kỉ cương, sáng tạo, hiệu quả

24/12/2017 08:53
Theo Quân Đội Nhân Dân
(GDVN) - Làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những gợi ý, phương châm hành động năm 2018 của Chính Phủ.

Sáng 23/12, tại Hà Nội, chia sẻ tại buổi làm việc với các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ sẽ là: “Hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn, sau 5 tháng thành lập, đến thời điểm này, Tổ đã nghiên cứu, xây dựng một số báo cáo chuyên đề như:

Báo cáo về một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018 - 2020; Báo cáo đề xuất quan điểm điều hành chính sách kinh tế vĩ mô năm 2018;

Đề xuất xây dựng chương trình quốc gia về năng suất lao động; Chương trình công nghiệp gắn kết và hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thời gian qua, Tổ đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia, các nhà khoa học để tham vấn ý kiến; trao đổi, chia sẻ thông tin về nhận định, dự báo tình hình với một số tổ chức tài chính quốc tế (như WB, IMF, JICA), chuyên gia nước ngoài.

Đồng thời tổ chức nghiên cứu chuyên đề với sự phối hợp hỗ trợ của Tổng cục Thống kê và một số chuyên gia kinh tế, qua đó đã tính toán, định lượng được một số tiêu chí làm cơ sở quan trọng để rút ra những nhận định, đánh giá có tính thuyết phục.

Điển hình là các tiêu chí đánh giá sự chuyển động tích cực về chất lượng tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 (đổi mới mô hình tăng trưởng, đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng kinh tế).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn nhận thành tựu kinh tế - xã hội năm 2017, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, 2017 là “một năm bận rộn của cải cách và thành quả của tăng trưởng”.

Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung bày tỏ ấn tượng về mức tăng trưởng vượt 6,7% và đánh giá cao về kết quả cải cách thể chế, nhất là cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính, dưới sự chỉ đạo liên tục, nhất quán của Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ đã tạo ra áp lực hành chính cần thiết cùng với truyền thông để từ đó có những chuyển động mạnh mẽ ở các cấp, các ngành, địa phương.

Bày tỏ quan điểm đánh giá cao thành công của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh đến những nỗ lực mạnh mẽ của thường trực Chính phủ, các cơ quan liên quan và đề nghị việc sử dụng nguồn tiền thu được từ Sabeco (theo Nghị quyết của Quốc hội về thu ngân sách từ thoái vốn và cổ phần hóa) cần hiệu quả, minh bạch để khẳng định chủ trương đúng đắn này, tạo tiền đề thuận lợi cho thành công của các trường hợp thoái vốn Nhà nước khác.

Cùng quan điểm này, cho rằng thành công từ trường hợp thoái vốn Nhà nước tại Sabeco đã đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, Chính phủ rất nhất quán trong việc triển khai chính sách thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Vấn đề là cần tăng tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu này; ưu tiên cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình cấp bách khác của Chính phủ.

Khẳng định lại vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, quá trình thoái vốn tại Sabeco thành công nhờ những nỗ lực, quyết tâm lớn của Chính phủ và những chính sách thị trường hết sức hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu minh bạch, công khai, chống lợi ích nhóm.

Nguồn thu từ thương vụ ở Sabeco là nhằm thực hiện chỉ tiêu đạt con số 60 ngàn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao.

Để đến thời điểm bán (12-2017), Sabeco đã được niêm yết trên sàn 1 năm qua và từ đó, thương hiệu và giá trị tăng cao, đem lại nguồn thu hàng tỷ USD cho đất nước.  

Cho rằng dư luận đánh giá cao tính “hành động” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ tin tưởng về đà tăng trưởng trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Tiến sĩ Trần Du Lịch kỳ vọng thời gian tới sẽ là giai đoạn chấm dứt thời kỳ suy giảm tốc độ tăng trưởng suốt 15 năm của nền kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có cùng ý kiến, cho rằng tâm lý đầu tư, niềm tin từ phía nước ngoài rất tốt. Điều đó giúp thị trường vốn tăng trưởng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, ông cảnh báo tăng trưởng nhưng phải bền vững, tránh tăng quá nóng, nhiều rủi ro.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) nêu tình trạng cuối năm thường các cơ quan báo cáo tổng kết, họp hành rất nhiều và cho biết, ở các nước OECD, không có hệ thống báo cáo cuối năm như ở ta.

Họ dùng hệ thống quản lý hiệu suất, các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao ngay đầu năm và được nhập vào hệ thống phần mềm, sẽ tự động cập nhật, cho kết quả ngay mà không cần chờ báo cáo. Ông mong muốn nên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý công vụ.

Phát biểu tại buổi làm việc, bên cạnh những kết quả tương đối toàn diện, vượt mức của năm 2017, Thủ tướng nhắc đến những khó khăn, tồn tại, bất cập và thử thách trước mắt còn lớn như khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các biến đổi khó lường của thế giới, kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra…

Đánh giá cao sự cố gắng, nhiệt huyết của Tổ tư vấn, Thủ tướng đề nghị không chỉ tư vấn về kinh tế vĩ mô mà cả các lĩnh vực khác của sự phát triển kinh tế - xã hội bởi có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế.

Thủ tướng đề nghị các thành viên của Tổ tư vấn theo dõi sát diễn biến kinh tế - xã hội một cách chủ động, nhạy bén để kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, tư vấn cho Thủ tướng để có giải pháp tháo gỡ, không để tình trạng kéo dài, phức tạp thêm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tiếp tục dành thêm thời gian, tâm huyết, nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế - xã hội của nước ta.

“Quý vị phải hiểu Thủ tướng Việt Nam đang cần gì trong thời điểm cụ thể đó”, Thủ tướng lưu ý.

Cần làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách. Chủ động theo dõi, tham gia ý kiến về dự thảo chính sách để quyết định của Thủ tướng được đưa ra đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình.

Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn hiến kế về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở, để các bộ phận đều vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn; bám sát kế hoạch hoạt động của Thủ tướng, góp một kênh để tham mưu kịp thời hơn.

Tổ cần có sự phân công, điều phối công việc một cách nhịp nhàng hơn, ăn ý hơn giữa các thành viên. Có hình thức duy trì sinh hoạt qua mạng, trực tuyến cho phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Đi liền với đó là đổi mới cách thức tổ chức công việc để phát huy vai trò, thế mạnh của từng thành viên, kể cả việc tổng hợp báo cáo của các thành viên gửi Thủ tướng cũng phải công phu, khoa học, tôn trọng sự khác biệt. Báo cáo cần ngắn gọn, nêu được ý kiến đồng thuận và ý kiến khác nhau. Mỗi thành viên có thể gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng.

Đồng ý về một số chuyên đề sâu trong năm 2018 của Tổ tư vấn, Thủ tướng nêu rõ, kết quả của mỗi chuyên đề sẽ là sản phẩm quan trọng, là văn bản chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách liên quan do Tổ đề xuất.

Theo Quân Đội Nhân Dân