Nâng cao năng lực khám chữa bệnh tuyến ban đầu

21/09/2017 09:00
Trúc Diệp
(GDVN) - Bộ Y tế cho biết, phát triển mô hình bác sĩ gia đình là một biện pháp tốt để nâng cao năng lực khám chữa bệnh tuyến ban đầu.

Ngày 20/9, tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đã có buổi làm việc cùng các Sở Y tế và bệnh viện về kế hoạch nâng cao năng lực khám chữa bệnh tuyến ban đầu thông qua phát triển mô hình Bác sĩ gia đình giai đoạn 2017 – 2020.

Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam, Sở Y tế Hòa Bình, Bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị các Sở Y tế được chọn thí điểm nhanh chóng lên kế hoạch đào tạo, tập huấn trình Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ kỹ thuật triển khai.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị các Sở Y tế được chọn thí điểm nhanh chóng lên kế hoạch đào tạo, tập huấn trình Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ kỹ thuật triển khai.

Việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ cao, muốn đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng rất chính đáng, tuy nhiên thực tế có nhiều bệnh nhân được khám dưới xã, huyện, lĩnh thuốc bảo hiểm hàng tháng trên huyện rất thuận lợi nhưng có nguyện vọng nhận thuốc, chữa bệnh ngay tại xã, không cần phải đi xa, bởi, thực chất các bệnh mãn tính điều trị theo phác đồ, chỉ đến nơi lĩnh thuốc.

Để người dân có thể yên tâm khám chữa bệnh ngay tại các trạm y tế xã, Bộ Y tế đã có kế hoạch nâng cao năng lực khám chữa bệnh tuyến ban đầu thông qua phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2017 – 2020.

Hiện nay, tình trạng thiếu về số lượng, yếu và chất lượng tại các trạm y tế vẫn còn nhiều nên để nâng cao chất lượng tại trạm y tế, phát huy vai trò của y tế cơ sở thì việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của y tế tuyến xã là rất cần thiết.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị các Sở Y tế được chọn thí điểm nhanh chóng lên kế hoạch đào tạo, tập huấn trình Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ kỹ thuật triển khai.

Các bệnh viện trung ương, bệnh viện đa khoa tỉnh cùng tham gia chương trình để nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả, hỗ trợ chuyển giao và tạo uy tín cho y tế cơ sở.

Đồng thời phải triển khai truyền thông rộng rãi đến người dân về xác định nguy cơ trong một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… để chủ động sàng lọc ngay tại y tế cơ sở. Từ đó bổ sung thông tin vào hồ sơ sức khỏe của mỗi người dân.

Trúc Diệp