“Nếu ông Chấn bị đánh đập ép cung, nhiều người có thể sẽ phải ngồi tù"

08/11/2013 13:24
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Sau khi được hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn cho biết cách đây 10 năm ông đã từng bị các điều tra viên dọa dẫm, đánh đập, ép cung khiến ông qua sợ hãi phải nhận tội. Nếu những cáo buộc của ông Chấn có căn cứ, được chứng minh thì việc các điều tra viên và những người liên quan rất có thể sẽ bị xử lí hình sự…

Nếu sai, xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự, không có ngoại lệ

Vụ án đi tù 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang đang là tâm điểm của dư luận trong tuần qua. Chiều 6/11/2013, Hội đồng tái thẩm Tòa án Nhân dân tối cao đã chính thức tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về tội giết người của ông Nguyễn Thanh Chấn. Như vậy, Tòa án đã có căn cứ về việc ông Chấn bị oan sau hơn 10 năm ngồi tù vì án chung thân.

Ngày về đẫm nước mắt của ông Nguyễn Thanh Chấn
Ngày về đẫm nước mắt của ông Nguyễn Thanh Chấn

Khi trở về nhà, ông Chấn đã kể lại toàn bộ “hành trình” cách đây 10 năm, từ ngày ông bị công an “lôi” đi khi cho rằng ông là thủ phạm trong vụ giết người. Ông Chấn cho rằng, những điều tra viên đã dọa dẫm, đánh đập và ép cung khiến ông quá sợ hãi nên đành chịu chấp nhận tội danh giết người.

Vì sao lại có chuyện kinh hoàng đến như vậy và những lời ông Chấn kể có phải là sự thực hay không? Nếu đúng có chuyện ông bị đánh đập, ép cung thì những điều tra viên đó sẽ phải nhận trách nhiệm ra sao? Đó là băn khoăn lớn nhất của dư luận lúc này.

Để có cái nhìn đa chiều về vụ việc, PV Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh.

PV: Thưa luật sư, ông Chấn cho rằng ông đã bị những điều tra viên dọa dẫm, đánh đập, mớm và ép cung khiến ông sợ hãi và nhận tội. Nếu những lời ông Chấn nói sau này được chứng minh là có căn cứ thì những điều tra viên đó chịu trách nhiệm như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Đầu tiên, theo luật bồi thường Nhà nước, ông Chấn sẽ được bồi thường phù hợp với từng ấy năm ngồi tù, tiền này do Nhà nước trả. Tuy nhiên những người có liên quan để xảy ra oan sai sau đó sẽ phải bỏ tiền ra trả lại cho Nhà nước và chịu hình thức xử lí. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt oan, xử sai nghiêm trọng như của ông Chấn thì cần phải xem xét để xử lí những người đó theo quy định của Bộ luật hình sự.

PV: Xử lí theo quy định của Bộ luật hình sự, cụ thể là như thế nào thưa ông?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Nếu những cáo buộc của ông Chấn đối với những điều tra viên là có căn cứ thì chuyện những người này phải đứng trước vành móng ngựa, thậm chí phải đi tù là bình thường. Ai làm sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà có đủ căn cứ chứng minh thì tất cả các chức danh tư pháp như; điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên, chấp hành viên, luật sư, thẩm phán… cũng không có ngoại lê, đều phải xử lí theo quy định của Bộ luật hình sự.

PV: Theo thông tin từ báo chí và như ông Chấn cho biết, những người đã dọa dẫm, đánh đập, mớm và ép cung ông có người đã chết vì tai nạn, có người đang bị bệnh nặng, có người đã về hưu và có người vẫn đang giữ chức vụ quan trọng trong ngành công an. Người đã chết thì không nói nhưng còn những người đã về hưu thì xử lí như thế nào? 

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Đã về hưu nhưng hành vi gây ra lúc còn đương chức sai phạm ở mức nghiêm trọng thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Sai phạm đến đâu xử lí đến đó, nhẹ thì kỷ luật, phạt hành chính, còn nặng thì xử lí hình sự.

PV: Còn những người hiện tại vẫn đang giữ các chức vụ quan trọng thì xử lí ra sao?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Bây giờ kể cả những người đó đang giữ vị trí cao đi nữa... nhưng nếu bị truy tố thì đâu còn là Thứ trưởng, Bộ trưởng nữa. Sai phạm thì vẫn bị truy tố, vẫn phải ra trước vành móng ngựa, đi tù là bình thường.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh.

PV: Từng nhiều năm làm nghề luật sư, ông đã khi nào gặp trường hợp tương tự như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Tôi cũng đã từng gặp và bào chữa cho rất nhiều vụ oan sai, tuy nhiên thời gian giam giữ của những người đó ngắn, nhiều là 1, 2 năm. Vụ ông Chấn đây hết sức nghiêm trọng, ngồi tù oan đến hơn 10 năm, mà nếu như hung thủ thực sự không ra đầu thú thì chắc còn giam giữ người ta suốt đời, có khi còn chết ở trong tù.


Nếu ông Chấn mà bị tử hình thì còn phức tạp nữa

PV: Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của cơ quan tố tụng khi để xảy ra oan sai nghiêm trọng này?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Tôi cho rằng việc làm của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong vụ việc là rất thiếu trách nhiệm, không vô tư khách quan, không điều tra một cách sâu sắc, toàn diện để dẫn đến oan sai quá nghiêm trọng.

Ông Chấn vô tội mà tự nhiên bắt ông ấy đi tù, có bồi thường cho người ta bao nhiêu tiền thì cũng chả đủ. Giờ những người nào vi phạm pháp luật, sai phạm dẫn đến việc đẩy ông Chấn vào tù oan thì phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật, nếu nặng thì cũng nên phải vào tù chứ, vào để biết đi tù khổ sở như thế nào rồi còn làm gương cho những người khác.

Nếu không xử lí đến nơi đến chốn những người để xảy ra sai phạm dẫn đến việc bắt oan, xử sai thì vấn đề oan sai trong luật pháp nước ta còn diễn ra nhiều và rất phức tạp, còn người dân khó mà có được công lý. Đã nói đến pháp luật là phải nói đến lẽ phải, công bằng.

PV: Nếu như ông Chấn không phải là gia đình liệt sỹ thì có thể đã phải chịu mức án tử hình. Vậy trong trường hợp ông Chấn bị tử hình,trách nhiệm của những người để xảy ra oan sai như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Cũng may là ông Chấn chỉ bị chung thân chứ ông ấy mà bị tử hình thì còn phức tạp nữa. Theo quan điểm của tôi, là một người công dân, tôi nghĩ chắc cũng phải đem những vị để xảy ra oan sai ra mà xử lý nghiêm cho công bằng.

PV: Mới đây, theo báo cáo của ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội, kể từ khi chúng ta thực hiện cải cách tư pháp (2005) đến nay, tỉ lệ án oan sai hình sự đã giảm đi rất nhiều. Luật sư nghĩ như thế nào về nhận định tích cực đó?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Qua vụ việc của ông Chấn cho thấy, oan sai trong quá trình tố tụng ở nước ta rất nhiều và nghiêm trọng. Khi báo cáo với Quốc hội, các cơ quan tố tụng lúc nào cũng nói làm rất tốt, rất công bằng, rất đúng lẽ phải…và rất ít khi họ nhận họ làm sai. Nhưng thực tế trong nhiều vụ xét xử, luật sư nói nhiều khi họ coi như “nước đổ lá khoai” thôi, chả coi trọng ý kiến của luật sư là gì. Nhiều vị còn tự cho mình cái quyền chà đạp lên sự tự do, dân chủ của những người khác.

Cũng rất mừng vì báo chí thời gian qua đã thể hiện được vai trò phản biện xã hội rất tốt, đặc biệt trong vụ của ông Chấn. Nhiều bài báo đã rung lên một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm trong hoạt động tiến hành tố tụng hình sự phải hết sức thận trọng, vô tư khách quan, tiến hành công việc một cách toàn diện, chính xác, lắng nghe các ý kiến phản biện để có quyết định đúng người đúng tội, Nếu không hậu quả của việc làm oan sai sẽ vô cùng nghiêm trọng, khó có thể bù đắp công bằng với người bị oan.

Xin cảm ơn Luật sư!.

VIẾT CƯỜNG