Ngân hàng Bản Việt "bất động" sau khi sa thải nhân viên trái luật

28/07/2015 07:42
Thế Quân
(GDVN) - Dù sự việc đã trải qua nhiều tháng, nhưng tới nay, Ngân hàng Bản Việt vẫn chưa có câu trả lời cho việc vì sao lại sa thải anh Tiến không đúng quy định.

Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thông tin anh Mai Phước Tiến – nguyên là nhân viên Marketing thuộc phòng Marketing tổng hợp bị Ngân hàng Bản Việt sa thải không đúng với pháp luật quy định, anh Tiến đã liên tục đến hội sở chính của Ngân hàng để nộp đơn khiếu nại về trường hợp của mình.

Tuy nhiên, đáp lại cho yêu cầu của người lao động, nhân viên lễ tân của Ngân hàng Bản Việt (tên Hoàng Thảo) chỉ trả lời rằng: Nếu anh Tiến muốn nộp đơn khiếu nại thì để lại, lễ tân sẽ chuyển cho bộ phận có trách nhiệm giải quyết, chứ đại diện của Ngân hàng sẽ không có bất cứ chữ ký xác nhận nào cho việc anh Tiến đã nộp đơn.

Khi anh Tiến hỏi nguyên nhân vì sao có việc này, thì chị Thảo nói đây là chủ trương, yêu cầu của cấp trên, còn khi chúng tôi (phóng viên) đề nghị cho xem văn bản, hay tên người yêu cầu nhân viên lễ tân làm việc này, thì chị Thảo đã không chịu trả lời.

Thêm nữa, nhân viên lễ tân này còn ‘đe’ anh Tiến, nếu cứ đứng ở hội sở Ngân hàng khiếu nại về việc của mình thì sẽ gọi bảo vệ mời ra về.

Với mong muốn lắng nghe thông tin khách quan, trung thực nhất từ phía Ngân hàng Bản Việt về trường hợp bị sa thải như anh Mai Phước Tiến, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Anh Tú và bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt, đề nghị có cuộc làm việc chính thức về trường hợp của anh Tiến.

Thế nhưng, đáp lại tấm thịnh tình của phóng viên, cả 2 vị lãnh đạo của Ngân hàng Bản Việt đều từ chối làm việc với phóng viên, mà chỉ nói đã giải quyết xong với người lao động, đã có văn bản trả lời cho báo giới.

Dù vậy, đã vài tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản trả lời này từ phía Ngân hàng, còn người lao động thì ngày đêm vẫn đang mòn mỏi chờ đợi câu trả lời chính thức từ phía Ngân hàng.

Ngoài ra, tương tự như trường hợp của anh Mai Phước Tiến, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được phản ánh của người lao động về việc bị Ngân hàng Bản Việt sa thải trái pháp luật quy định.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, anh Mai Phước Tiến vào làm việc tại Ngân hàng Bản Việt vào tháng 12/2012 (hợp đồng lao động 3 năm), với vị trí công tác là nhân viên Marketing thuộc phòng Marketing tổng hợp.

Trong suốt quá trình làm việc tại đây, anh Tiến không vi phạm các quy định của pháp luật về lao động, được lãnh đạo đánh giá mức độ hoàn thành công việc là “Okie”, nhưng vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ, ngày 16/5/2014, anh Tiến bị chuyển sang phòng nhân sự với chức danh lao động chờ phân công.

Nhân viên Ngân hàng Bản Việt đang tiếp xúc khách hàng (Ảnh minh họa từ ĐSPL)
Nhân viên Ngân hàng Bản Việt đang tiếp xúc khách hàng (Ảnh minh họa từ ĐSPL)

Sau đó, ngày 18/11/2014, anh Tiến bị Ngân hàng Bản Việt sa thải cũng với lý do này. Cho dù, việc thay đổi phòng Marketing tổng hợp bị chuyển thành phòng Marketing tổng hợp& Quan hệ công chúng được thực hiện từ ngày 24/12/2013.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, việc Ngân hàng Bản Việt sa thải lao động trong trường hợp này là không phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý. Bởi lẽ, luật sư Hậu đã chỉ ra rằng, khoảng cách giữa thời gian điều chỉnh tên phòng với thời gian anh Tiến bị sa thải là quá cách xa nhau, nên lấy lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ là không phù hợp.

Còn ông Nguyễn Phi Hổ - Phó Ban chính sách lao động, Liên Đoàn Lao động TP.HCM thì khẳng định: Trong trường hợp như anh Mai Phước Tiến hoàn toàn có thể khởi kiện Ngân hàng Bản Việt ra Tòa án nơi Ngân hàng trú đóng để yêu cầu đòi bồi thường, vì rõ ràng Ngân hàng sa thải lao động theo điều 44 của Bộ luật lao động trong trường hợp này là trái pháp luật.

Thế Quân