Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

"Nghị định về xe chính chủ trái nguyên tắc lập pháp"

21/11/2012 13:30
Tuệ Minh
(GDVN) - “Về Nghị định 71/2012/NĐ-CP, theo quan điểm của tôi đây là một văn bản Nghị định đi trái quy định, nguyên tắc lập pháp", LS Trần Đình Triển nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư Vì Dân – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nói: “Về Nghị định 71/2012/NĐ-CP, theo quan điểm của tôi đây là một văn bản Nghị định đi trái quy định, nguyên tắc lập pháp. 

Trong pháp luật, chúng ta có những phạm vi điều chỉnh các mối quan hệ khác nhau do đó có những ngành luật và những bộ phận điều chỉnh riêng lẻ. Cụ thể như Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ… Nghị định 71/2012/NĐ-CP là Nghị định điều chỉnh giao thông đường bộ và phạm vi điều chỉnh liên quan đến Luật giao thông đường bộ. 


Luật sư Trần Đình Triển - Văn phòng Luật sư Vì Dân (Ảnh: kienthuc.net.vn)
Luật sư Trần Đình Triển - Văn phòng Luật sư Vì Dân (Ảnh: kienthuc.net.vn)

Luật Giao thông đường bộ chỉ điều chỉnh mối quan hệ đó là chấp hành luật giao thông trên đường và các phương tiện lưu thông trên đường đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc mua bán xe không sang tên đổi chủ là một lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt không liên quan gì đến việc chấp hành Luật giao thông đường bộ. Nó thuộc phạm vi mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, tặng cho là các quan hệ trong bộ Luật Dân sự". 

LS. Triển nói tiếp: "Bây giờ người đi xe trên đường miễn là họ có các giấy tờ như đã quy định trong Luật Giao thông đường bộ và họ chấp hành giao thông có đúng theo Luật Giao thông quy định hay không thì phạm vi điều chỉnh của Nghị định 71/2012/NĐ-CP cũng chỉ được trong phạm vi đó thôi. 

Vì Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã đi sang một mối quan hệ dân sự là việc sang tên đổi chủ khi mua bán xe nên đã va chạm vào rất nhiều mối quan hệ. Vì vậy đã tạo nên một sự phản ứng rất mạnh mẽ trong dư luận.

Ở đây có lẽ khi những người xây dựng Nghị định có động cơ mục đích thì tốt nhưng không tính toán kỹ và thiếu đi một suy nghĩ khái quát về mối quan hệ chung trong luật pháp. Điều này dẫn đến phản cảm gây hoang mang trong dư luận làm ảnh hưởng uy tín của Chính phủ cũng như các cơ quan thuộc Chính phủ, gây nên sự khó khăn cho lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ trên đường: Không xử lý thì không làm tròn trách nhiệm mà xử lý thì dân kêu". 

Lý giải về hiện tượng nhiều người không sang tên đổi chủ khi mua bán xe ở Việt Nam, theo LS Trần Đình Triển chỉ ra một số lý do: Thứ nhất là thu thuế khi chuyển nhượng có điểm không hợp lý vì khi ra cơ quan thuế, cơ quan này cứ nhìn vào xe mà định giá chiếc xe có giá trị khác (thường là cao hơn) so với thỏa thuận mua bán dẫn đến việc người mua phải trả thuế cao hơn. Đó là điều không thực tế.

Thứ hai là thủ tục làm hồ sơ ở cơ quan thuế phải chờ đợi lâu. Rồi sang cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy đăng ký thì thủ tục phiền toái dẫn đến việc người dân cảm thấy phiền hà nên khi mua bán họ chỉ viết tay cho nhau. Đây là tình trạng phổ biến.

Thêm nữa là ý thức của người dân cũng  chưa cao. Khi mua một tài sản lớn như vậy, họ không biết rằng nếu không sang tên đổi chủ, khi xảy ra tranh chấp thì có thể họ sẽ bị thiệt vì xe máy, ô tô là những phương tiện phải đăng ký chủ sở hữu, không phải như những tài sản khác: tủ lạnh, máy giặt…", ông Triển nói. 

Theo LS. Triển, thời gian tới đây, 1/1/2013, khi Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực, có quy định không hợp lý. Đó là việc các phương tiện phải nộp phí như nhau. Theo ông Triển, nên đưa phí này vào trong giá bán xăng vì xe đi nhiều thì phải đóng quỹ nhiều và khi đó sẽ mua xăng nhiều thì việc quỹ bảo trì đường bộ nằm trong giá xăng là rất hợp lý.

Còn về việc có phải mang giấy chứng nhận đã nộp phí khi đi đường hay không, ông Triển cho rằng các cơ quan chức năng nên triển khai làm sao để người dân càng phải mang theo ít giấy tờ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, tránh trường hợp bị mất rồi rất vất vả mới đi làm lại được, chưa kể trong trường hợp bị hỏng…
Trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 19/11, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp khẳng định: “Quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện tại Nghị định 71/2012 là không phù hợp”. 

"Nghị định 71 đã tạo điều kiện cho CSGT can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực không phải trách nhiệm quản lý của mình. Như thế là đang “ép” quan hệ dân sự, làm co lại sự phát triển của xã hội. Người ta đi xe không chính chủ là việc bình thường. Quản lý là điều cần thiết nhưng cũng vừa phải thôi. Chứ quản lý quá sâu, đến mức phạt cả việc không sang tên đổi chủ là không chấp nhận được. Còn việc giải quyết hậu quả do không sang tên đổi chủ, gây khó khăn cho việc xử lý thì đây là trách nhiệm của ngành công an", TS Sơn khẳng định.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - đại biểu Quốc Hội TP Hà Nội:

"Nội dung phạt đối với chủ sở hữu tài sản không phải là đối tượng điều chỉnh của lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ. Cơ quan tham mưu trình Nghị định 71 cần đề nghị Chính phủ xem xét, loại nội dung này khỏi nghị định".
Tuệ Minh