Nghiên cứu lại dự án đường sắt cao tốc

10/12/2011 06:00
Sỹ Lực/Nông thôn ngày nay
Có 2 phương án nâng cấp đường sắt hiện nay, không xây dựng thêm một tuyến đường sắt nào khác.
Hôm qua (9.12), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) tổ chức hội thảo về dự án “Nghiên cứu các phương án phát triển đường sắt trên tuyến Bắc – Nam”.
Dự án nêu trên được thống nhất giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, được khởi động từ tháng 5.2011. Mục tiêu chính của dự án là nghiên cứu phát triển đường sắt Bắc – Nam, phân tích các kịch bản phát triển, đề xuất quy hoạch tối ưu, xây dựng kế hoạch thực hiện dự án cho một số đoạn tuyến được chọn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một nhiệm vụ thứ hai được đặt ra của dự án là “thúc đẩy hiểu biết rõ hơn về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam giữa các bên liên quan”.
Mô hình đường sắt cao tốc của Nhật Bản.
Mô hình đường sắt cao tốc của Nhật Bản.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Nhật Bản đưa ra 6 phương án phát triển hệ thống đường sắt. Trong đó, có 2 phương án nâng cấp đường sắt hiện nay, không xây dựng thêm một tuyến đường sắt nào khác. Bốn phương án còn lại là song song với việc cải tạo đường sắt Thống Nhất hiện tại sẽ xây dựng tuyến mới với các mức vận tốc khác nhau (200 hoặc 300 km/giờ). Các chuyên gia Nhật đặt mục tiêu nghiên cứu toàn bộ 6 phương án trên, từ đó chọn ra phương án tốt nhất để thực hiện. Dự kiến đến tháng 4.2012, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thành việc lựa chọn phương án.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức khẳng định các đơn vị thực hiện dự án phải tiến hành nghiên cứu toàn diện các phương án, không đặt mục tiêu phải bảo vệ cho một phương án nào trước.

Tuy nhiên, điều làm một số người tham dự hội thảo quan tâm là liệu có sự “ưu tiên” nào cho phương án xây dựng đường sắt cao tốc hay không? Thực tế, trong việc thu thập tài liệu của nhóm nghiên cứu vừa qua (được thể hiện trong báo cáo nghiên cứu tóm tắt), phạm vi khảo sát chủ yếu vẫn nằm trong đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM. Đây là các đoạn tuyến trùng với giai đoạn đầu của dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã được trình Quốc hội.

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, trong quá trình nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt cao tốc, vấn đề quan trọng cần được đặt ra là mức độ chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản cho Việt Nam đến mức nào. Vì theo ông Hùng, tiềm năng về đường sắt của Việt Nam rất lớn nên Việt Nam cần sự chủ động trong xây dựng cũng như điều hành hệ thống.

Ông Nguyễn Đạt Tường – TGĐ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng muốn phía Nhật Bản ngoài việc công bố các kết quả vắn tắt của nghiên cứu cần phải đưa ra phương thức nghiên cứu và cách tính toán các số liệu để tăng tính thuyết phục hơn. Trưởng nhóm nghiên cứu của JICA, tiến sĩ Nagase Toshio ghi nhận những góp ý đó và cho biết sẽ đưa các yêu cầu đó vào các bước nghiên cứu tiếp theo.
Sỹ Lực/Nông thôn ngày nay