Người đàn bà và hai người điên

03/06/2018 08:19
Minh Ngọc – Tuấn Kiệt
(GDVN) - Chị chẳng đòi hỏi, chẳng cầu tiếng danh. Chị làm như cái tâm mình muốn vậy, đơn giản và thanh thản cho mỗi lần làm việc tốt.

Nhiều năm rồi, người đàn bà nghèo ở xóm núi vẫn âm thầm nuôi và chăm cho hai người điên ở cách mình hơn 1km.

Chị chẳng đòi hỏi, chẳng cầu tiếng danh. Chị làm như cái tâm mình muốn vậy, đơn giản và thanh thản cho mỗi lần làm việc tốt.

Trong ngôi nhà của những người điên

Gặp chị, người phụ nữ dáng sấp ngửa với bộ quần áo cũ mèm, đôi mắt ánh lên vẻ nhân hậu và nụ cười lúc nào cũng thường trực.

Câu chuyện về sự tử tế giữa đời thường

Chị Huỳnh Thị Thu Hà (sinh năm 1970, chi hội trưởng phụ nữ thôn Khô Roa, xã Ia Ròng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) giản dị như chính những con người nơi xóm núi này.

Chị chẳng kể về mình nhiều, dù việc đã hơn 5 năm qua, chị lặng lẽ chăm sóc, nuôi nấng hai chị em mắc bệnh tâm thần tái hòa nhập với cộng đồng ở gần nhà chị.

Trong căn nhà tuềnh toàng vẫn vương đầy khốn khó của chị Hà, những câu chuyện của chị lại chỉ liên quan đến số phận hai người điên mà chị chăm chút bấy lâu nay.

Chị bảo, nhìn hai người con người không may mắn cứ ngồi ngơ ngác, thỉnh thoảng nói nhảm và cười những nụ cười ngô nghê, lòng chị lại quặn thắt, nước mắt dàn dụa cứ chảy dài nóng hổi trên gò má gầy gò của người phụ nữ già nua trước tuổi.

Nước mắt người phụ nữ ấy cứ lã chã rơi khi tôi chạm đến nỗi bất hạnh của những phận người, mà chị hàng ngày vẫn phải chứng kiến.

Hai chị em mắc bệnh tâm thần là Kpăh H’ Nhoai và Kpăh H’ Beo (Thôn Khô Roa, xã Ia Ròng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).

Chị Hà cùng Nhoai và Beo (Ảnh: tác giả cung cấp).
Chị Hà cùng Nhoai và Beo (Ảnh: tác giả cung cấp).

Chị Hà bảo hơn 20 năm nay, nhìn hai con người điên dại bị nhốt trong “chuồng” nơi một xó nhà tối om, lòng chị như bị xé ra từng mảnh.

Chị thương hai con người không cùng máu mủ ruột rà ấy, chị thương hai phận người mỗi lần lên cơn là sẽ phá phách, chửi bới, rồi bị người đánh đập. “Khổ lắm!”.

Ngôi nhà của chị em Kpăh H’ Nhoai nằm sâu hun hút trong một con hẻm của xóm nghèo, ven núi.

Trong góc tối căn nhà, cảnh tượng đến đau lòng khi hai con người nằm trong một cái “chuồng”, nước dãi chảy lem nhem trên miệng, đôi mắt vô hồn ngước lên trần nhà.

Tận mắt chứng kiến chị Hà chăm sóc, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa giúp cho hai chị em chị Nhoai có thể thấy được tấm lòng yêu thương, sẻ chia của chị Hà dành cho những số phận không may mắn là rất lớn.

Chị Hà kể, cách đây 5 năm, trong một lần đi tuyên truyền dưới cơ sở chị nhìn thấy hai chị Kpăh H’ Nhoai và Kpăh H’ Beo trên người không mảnh vải che thân, đi lại trong thôn cười nói, thấy cái gì cũng cho vào miệng ăn, chị đau lòng quá.

Một tấm lòng son của cộng đồng

Nhoai và Beo đã ngoài 30 tuổi, là hai chị em trong một gia đình đều mắc bệnh tâm thần, sống trong một ngôi nhà tồi tàn, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào cô em gái sống cạnh nhà.

Tuy nhiên, kinh tế của cô em gái không dư giả gì, phải đi làm thuê để nuôi con cái nên hàng ngày cũng chỉ cho hai chị của mình một ít cơm, mỗi lần hai chị lên cơn cô em gái cũng chỉ biết xích hai chị của mình lại.

Nhoai và Beo bị xích trong phòng, đưa cơm cho ăn thì đổ xuống sàn nhà rồi bốc lên ăn.

Về nhà suốt đêm hôm đó, chị không ngủ được trăn trở nghĩ cách để giúp đỡ hai chị em.

Lúc đầu, tiếp xúc nói chuyện với hai người cũng rất khó, nhưng nhờ chị biết được tiếng địa phương nên câu chuyện cũng được cởi mở dần.

Hàng ngày, mang cơm vào cho hai chị em tâm thần rồi gần gũi nói chuyện. Từ đấy, hai con người ấy bỗng gần gũi với chị Hà đến lạ kỳ, và chẳng ai có thể hiểu được tâm trạng của hai chị ấy ngoài chị Hà.

Chị Hà (áo cam) giúp Nhoai và Beo tắm rửa (Ảnh: tác giả cung cấp).
Chị Hà (áo cam) giúp Nhoai và Beo tắm rửa (Ảnh: tác giả cung cấp).

Hơn cả một tấm chân tình

Nhà chị Hà cách nhà của hai chị em Nhoai và Beo gần 1 km, dù bận rộn với công việc làm ăn nuôi gia đình, nhưng chị Hà vẫn dành thời gian quan tâm giúp đỡ hai chị em đều đặn hằng ngày.

Ngày nào cũng vậy, sau khi làm việc và chăm lo cho gia đình của mình, chị Hà lại tất tưởi nấu cơm rồi mang đến cho Nhoai và Beo. Đút cho hai chị em ăn, rồi dọn dẹp, rồi tắm rửa, trò chuyện, dỗ dành uống thuốc…

Chị Hà chăm Nhoai và Beo như người mẹ chăm hai đứa con vậy. Mỗi lần thấy Nhoai và Beo tự gây thương tích cho mình, chị lại cặm cụi bôi thuốc, băng bó, rôi thủ thỉ như người mẹ dỗ dành những đứa con của chính mình vậy.

Ngoài tự mình giúp hai con người ấy, chị Hà còn vận động các chị em phụ nữ khác trong thôn đóng góp ngày công cùng với kinh phí hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã Ia Ròng sửa chữa căn phòng cho hai chị em.

Căn phòng hai chị em Nhoai và Beo ở trước kia mái tôn hỏng hết mưa xuống bị dột, nền nhà xình lầy, chị đã kêu gọi sự giúp đỡ sửa chữa nơi ở cho Nhoai và Beo.

Tấm lòng chia sẻ yêu thương của các giáo viên Bình Thuận

Hiện nay, phòng của Nhoai và Beo đã được lát gạch hoa, mái lập tôn kiên cố mưa xuống không bị dột như trước kia.Chị Hà cho biết.

May mắn, trong một lần có nhóm thầy thuốc về làm công tác từ thiện tại địa phương, chị đã cùng các bác sĩ khám bệnh và cho thuốc hai chị.Nhưng để cho hai người tâm thần uống thuốc hằng ngày là cả một vấn đề.

“Vì đã quen với tôi, nên chỉ có tôi đưa thuốc thì hai chị em ấy mới uống, còn người khác thì không chịu. Chính vì vậy, nhờ uống thuốc đầy đủ bệnh tình của hai chị em cũng đã thuyên giảm!”, chị Hà mừng vui kể lại.

Rồi không chỉ có thế, chị vận động, chị làm hồ sơ để Nhoai và Beo được hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật hàng tháng mỗi người 405 ngàn đồng. Chí ít cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho người em của Nhoai và Beo.

Đồng thời, hàng tháng còn có số thuốc men để Nhoai và Beo được điều trị.

Mong muốn lớn nhất của chị Hà đó là làm thế nào để căn bệnh của chị Nhoai và chị Beo thuyên giảm, có thể ý thức được những hành động và việc làm của mình. Để tránh kẻ xấu lợi dụng hàng tháng chị cùng với các chị phụ nữ trong thôn còn đưa hai chị em lên Trạm Y tế xã để tiêm thuốc tránh thai, chị Hà chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Ròng cho biết:

“Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Ia Ròng đã triển khai nhiều mô hình giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đã được nhiều hội viên phụ nữ nhiệt tình tham gia.

Để trẻ con được đi học, phải đi ăn mày cả thế gian tôi cũng làm

Chị Huỳnh Thị Thu Hà, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Khô Roa là một điển hình. Bản thân chị Hà luôn năng nổ nhiệt tình trong công tác hội, quan tâm giúp đỡ những phụ có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt trong 5 năm qua, chị chăm sóc giúp đỡ hai chị em mắc bệnh tâm thần.Bằng tình yêu thương, giúp đỡ của chị Hà bây giờ chị Kpăh H’ Nhoai, Kpăh H’ Beo đã có chiều hướng tốt hơn”.

Chiều mênh mang nơi xóm núi, ngôi nhà của 2 chị em tâm thần Kpăh H’ Nhoai và Kpăh H’ Beo ấm lên bởi bàn tay chăm sóc của một người dưng.

Nơi xóm núi vốn nghèo khó ấy, vẫn tươi sáng bởi trái tim yêu thương, biết chia sẻ và cảm thông của một người phụ nữ nhân hậu, giúp cuộc sống này trở nên ý nghĩa nhiều hơn.

Minh Ngọc – Tuấn Kiệt