"Người ra văn bản quy phạm pháp luật đắp chiếu nên có văn hóa từ chức"

24/04/2013 07:50
Ngọc Quang (thực hiện)
(GDVN) - Việc các VBQPPL được ban hành nhưng lại “đắp chiếu” không chỉ gây lãng phí ngân sách, mà đáng lo hơn, nếu để lọt các văn bản thiếu thực tế, không khả thi sẽ khiến người dân ngày càng coi nhẹ VBQPPL và nghi ngờ năng lực quản lý của Nhà nước.

Thời gian gần đây, không ít những văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được đề xuất, ban hành bị dư luận phản đối hoặc không thể triển khai, đó là: Xử phạt người tham gia giao thông đội MBH không đạt chuẩn; Ghi tên cha mẹ trên mẫu giấy CMTND; tổ chức tang lễ cán bộ, công chức không được có quá 10 vòng hoa…

Vậy đâu là nguyên nhân khiến các quy định thiếu thực tế liên tục được xây dựng và ban hành? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính khiến các cơ quan soạn thảo, ban hành các VBQPPL thiếu thực tế, không khả thi?

LS Nguyễn Đăng Quang: Thứ nhất, cơ quan bộ hoặc ngành được giao dự thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định thường họ soạn thảo sao cho có lợi cho công tác quản lý của ngành mình, khó khăn thì đùn đẩy cho ngành khác. Cuối cùng thì người dân lãnh đủ (cũng có thể gọi là lợi ích nhóm được).

Thứ hai, cơ quan soạn thảo thiếu khảo sát các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đưa ra xem người dân phản ứng ra sao, có khả thi không. Có như vậy mới đưa được luật vào cuộc sống, tránh tình trạng ngồi trên mây mà làm luật.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Thứ ba, các cơ quan bộ, ngành chưa quan tâm đến bộ phận tham gia soạn thảo, thiếu các chuyên gia pháp lý nên khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đưa ra thường bất khả thi bởi nó đụng chạm đến những luật khác chứa những quy phạm pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà khi soạn thảo họ quên không để ý đến (thiếu năng lực).

Thứ tư, phải nói đến công tác làm luật của Quốc hội: Đại biểu Quốc hội đa phần là những chính khách thành viên chính phủ, các viên chức lãnh đạo trong bộ máy hành chính nhà nước trung ương và địa phương, vừa làm công tác chuyên môn, vừa là đại biểu Quốc hội, có vị còn làm cả công tác Đảng. Kiêm nhiệm hai, ba việc liệu có làm tốt được cả? Thời gian Quốc hội họp thì ít, chương trình nghị sự thì nhiều, lại muốn thông qua được nhiều đạo luật nên chỉ có thể xây dựng được luật ống, luật khung, luật nguyên tắc, cho nên nhiều khi luật có hiệu lực rồi vẫn chưa đi vào cuộc sống ngay được vì còn phải chờ văn bản hướng dẫn.

Theo ông, cần làm gì để khắc phục tình trạng này? Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm pháp lý quốc tế?

LS Nguyễn Đăng Quang: Để khắc phục tình trạng này, cần lưu ý ba điều. Thứ nhất, cần bầu thêm vào Quốc hội những đại biểu có trình độ luật học cao. Song song với Ủy ban tư pháp của Quốc hội cần có thêm Ủy ban soạn thảo luật, pháp lệnh gồm các đại biểu chuyên trách, chuyên nghiệp, chuyên sâu về kiến thức luật.

Thứ hai, các bộ, ngành cần tăng cường cán bộ có trình độ pháp lý cao cho ban soạn thảo dự án, dự thảo luật, nghị định, tránh cơ cấu hình thức cho đủ thành phần để rồi dự thảo đưa ra kém chất lượng như thời gian vừa qua.

Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung Luật ban hành VBQPPL theo hướng: Nâng cao trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ về công tác soạn thảo, ban hành, xử lý VBQPPL do bộ, ngành mình ban hành; Đưa thêm liên đoàn luật sư Việt Nam vào thành phần góp ý, xây dựng dự án, dự thảo, luật, pháp lệnh, nghị định… Quy định chế tài xử lý đối với tập thể, cá nhân tham gia soạn thảo VBQPPL trái pháp luật hoặc vi hiến bị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

Kinh nghiệm xây dựng luật quốc tế đặc trưng nhất là các nước theo chính thể cộng hòa, họ có nền luật pháp hoàn chỉnh bởi họ có cơ quan làm luật chuyên nghiệp xây dựng dư án luật, sau đó thông qua hạ viện và thượng viện.

Theo ông, có cần thiết phải đưa ra các chế tài xử lý với cá nhân, cơ quan tham mưu ban hành các VBQPPL thiếu thực tế, không khả thi như các trường hợp đã xảy ra thời gian vừa qua?

LS Nguyễn Đăng Quang: Tại sao không? Theo tôi là rất cần. Ở trên tôi đã nêu rằng, cần bổ sung thêm vào luật ban hành VBQPPL trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và cần phải có chế tài xử lý đối với tập thể, cá nhân tham gia soạn thảo dự án, dự thảo bị trái pháp luật.

Người có chức, có quyền làm sai phải có tự trọng, tự xử bằng văn hóa từ chức. Bên cạnh văn hóa từ chức cần phải có chế tài đối với những chính khách, quan chức thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc, với dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (thực hiện)