"Nguyên BT Bộ Tư pháp nói về bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992"

24/03/2013 09:55
HCQ (nguồn VTV)
(GDVN) - “Như tôi đã nói việc viết những văn bản ấy tôi không tham gia mà chỉ có tham gia ý kiến và ký vào đó. Tôi cũng không thành lập nhóm ấy”. 
Trả lời truyền thông về bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được gửi tới Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 4/2, ông Nguyễn Đình Lộc nói: “Phần tôi nói vai trò trường đoàn thì hơi to nhưng đến đấy thì mới được giao cho cái gọi là trưởng đoàn.

Trước đó, những bản đó tôi không tham gia. Vì tôi nguyên là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên các bạn ấy tín nhiệm và trao cho tôi chứ tôi không tham gia vào việc xây dựng văn bản ấy (bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – PV). Cho nên bây giờ có người cứ bảo tôi thế này, tôi thế kia”. 

Ông Nguyễn Đình Lộc trả lời VTV
Ông Nguyễn Đình Lộc trả lời VTV

“Tôi làm thì tôi nhận thôi nhưng vì tôi không làm cái đó mà chính anh em họ làm. Hôm đó mình chỉ là người đến đó được trao làm trưởng đoàn để trao quyết định”, ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Đình Lộc cũng cho biết: “Tất nhiên trước khi trao thì phải đọc. Tôi cũng nghiên cứu và bản than tôi khi đó cũng muốn sửa một số chỗ nhưng các đồng chí bảo là không, vì rằng cái này công bố trên mạng rồi, mình sửa thì không nên mà cứ để thế trao. Thực ra đến lúc đó thì mới giao cho tôi trao. Trước đấy, không trao đổi kỹ, định là người khác. Nhưng đến hôm cuối cùng gặp trước khi trao thì bảo là để ông Lộc trao thì tôi trao”. 

Một lần nữa, ông Nguyễn Đình Lộc khẳng định: “Như tôi đã nói việc viết những văn bản ấy tôi không tham gia mà chỉ có tham gia ý kiến và ký vào đó. Tôi cũng không thành lập nhóm ấy”. 

Trước đó, ngày 4/2, ông Nguyễn Đình Lộc cùng Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Hảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, GS Hoàng Xuân Phú, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Tương Lai… đã đến Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trao bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Đình Lộc nhấn mạnh các nhân sĩ, trí thức gửi kiến nghị là để mong muốn có một bản Hiến pháp do dân, vì dân. Theo ông, đây cũng là cơ hội để tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp đến với người dân, phải làm sao để tri thức Hiến pháp, văn hóa Hiến pháp lan rộng trong nhân dân như một làn sóng.

Ngày 4/2, ông Nguyễn Đình Lộc trao bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp cho Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông (Ảnh: Thành Văn)
Ngày 4/2, ông Nguyễn Đình Lộc trao bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp cho Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông (Ảnh: Thành Văn)

Ông Nguyễn Trung - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng lần sửa đổi này là sinh hoạt chính trị cực kỳ quan trọng. “Tình hình đất nước ta có nhiều thách thức nguy hiểm nhưng cũng là cơ hội nếu chúng ta biết tận dụng. Việc sửa Hiến pháp là cơ hội lớn để chúng ta tạo ra sức mạnh dân tộc, giải quyết những khó khăn. Do đó, chúng tôi thiết tha đề nghị có diễn đàn công khai, cởi mở để phát huy trí tuệ của nhân dân đóng góp cho Hiến pháp”.

Chỉ rõ quyền lợi của người dân khi đóng góp sửa đổi Hiến pháp, GS Tương Lai khẳng định: Hiến pháp là đạo luật cơ bản để dân kiểm soát quyền lực, trao quyền mà không mất quyền, để Nhà nước được phép làm những gì mà pháp luật quy định, còn dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Tiếp đoàn khi đó là ông Lê Minh Thông - Phó Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã hoan nghênh những ý kiến góp ý và hứa sẽ báo cáo với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp về bản kiến nghị của các nhân sĩ, trí thức. 
HCQ (nguồn VTV)