Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội lên tiếng về đề án trụ sở Bộ GT 12000 tỷ

08/05/2012 05:52
Pháp Anh
(GDVN) - "Con số hơn 10 nghìn tỷ đồng là cả một vấn đề. Trong điều kiện hiện nay có nhiều vấn đề dân sinh cấp thiết hơn cần đến ngân sách nhà nước", nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói.

Những ngày qua, “siêu đề án” của Bộ Giao thông Vận tải nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng trăm ý kiến, hàng nghìn ý tưởng được đưa ra nhưng sự việc vẫn chưa thực sự ngã ngũ. Bộ Giao thông Vận tải chủ trương phát triển ngành giao thông gắn với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn ngành cũng như tại cơ quan Bộ. Theo tính toán ban đầu, để đáp ứng cho mục tiêu trên, cơ quan này cần hơn 223 nghìn tỷ đồng để tập trung cho các hạng mục, dự án như: hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực...

Ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội


Nguồn vốn dự kiến cho các dự án sẽ được Bộ Giao thông Vận tải huy động từ vốn tự có của các doanh nghiệp, trong đó, khoảng 40% là vốn ngân sách (tương đương khoảng 81,5 nghìn tỷ đồng). Còn 60% vốn còn lại (tương đương 122,2 nghìn tỷ đồng) sẽ được huy động từ các nguồn khác ngoài ngân sách.

Bộ này cũng dự kiến trong vòng 3 năm tới, sẽ hoàn thành việc xây dựng mới, cải tạo trụ sở làm việc của các đơn vị trong ngành. Đáng chú ý, riêng việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn của các cơ quan trực thuộc, ước tính cần khoảng 12.170 tỷ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012 - 2015 cần 7.950 tỷ đồng).

Sau khi Bộ trưởng Thăng phát đi thông điệp “xin” kinh phí đầu tư, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã lên tiếng góp ý. Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước mắt cần ưu tiên nguồn kinh phí cho hạ tầng giao thông. “Từ cách đây nhiều năm, Chính phủ đã có chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành trung ương ra khỏi trung tâm thành phố để giảm sức ép cho nội đô. Mục tiêu là hướng tới tập trung thành một khu trung tâm chính trị - hành chính, giảm áp lực giao thông, cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao vị trí quyền lực của các cơ quan công quyền. Đây là chủ trương lâu dài và cần sự đồng thuận của nhiều ban ngành”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Mặc dù đánh giá việc di dời trụ sở các bộ là cần thiết nhưng ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, với tình hình kinh tế còn khó khăn thì thời điểm này là chưa hợp lý. Theo nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, dự án cần số tiền không nhỏ. Con số hơn 10 nghìn tỷ đồng là cả một vấn đề. Trong điều kiện hiện nay có nhiều vấn đề dân sinh cấp thiết hơn cần đến ngân sách nhà nước. Ngành giao thông vận tải cần ưu tiên nguồn kinh phí cho việc xây dựng, nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông bởi chất lượng công trình hiện nay vẫn còn kém.

Dưới góc độ xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Thực tế đây mới chỉ là đề án, chúng ta chưa nên bàn luận quá sâu. Theo quan điểm của tôi, trong quy hoạch chung thủ đô Hà Nội năm 2020, tầm nhìn 2030, một trong những việc quan trọng là di chuyển các bộ, ngành, trường học, trụ sở, bệnh viện ra khỏi nội đô nhằm giảm gánh nặng cho trung tâm thành phố. Tuy nhiên, Bộ nào di chuyển và di chuyển đi đâu đều phải có sự thẩm định của cơ quan Nhà nước và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

“Còn về ngân sách, rõ ràng phải được Nhà nước cấp và được Quốc hội thông qua, vì đó là một khoản tiền lớn, nếu không được sử dụng hợp lý sẽ nguy cơ phá vỡ ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, cũng phải căn cứ vào tình hình hiện nay, nếu thực sự cần thiết mới di chuyển không sẽ gây gánh nặng cho ngân sách. Thực tế, ngân sách Nhà nước có hạn nên chỉ ưu tiên một số bộ như Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao... chuyển. Bộ Xây dựng cũng trình đề án di chuyển trụ sở nhưng hiện giờ vẫn chưa thực hiện được”, ông Hùng nói.

Theo quan điểm của nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nếu Bộ Giao thông Vận tải có triển khai đề án này thì phải đi qua các bước từ chuẩn bị địa điểm, quy mô dự án, nguồn vốn thực hiện và được các Bộ liên quan đến đầu tư công như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội... thẩm định trước khi duyệt.


Pháp Anh