Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ bàn chuyện nâng mức GDP, sử dụng nhân tài

12/02/2013 07:13
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Trong cuộc trò chuyện đầu năm mới 2013 với báo Giáo dục Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết: “Khi chúng ta thực sự nắm công nghệ, kỹ thuật trong tay mình rồi thì chuyện nâng GDP lên 3-5 nghìn đô la không phải là viển vông. Bây giờ mà không làm được điều ấy, không nắm bắt được cơ hội ấy thì chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu, và khẩu hiệu trọng dụng người tài cũng chỉ là nói cho vui mà thôi”.

Nhân dịp năm mới 2013, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã dành cho Báo Giáo dục Việt Nam nhiều chia sẻ tâm huyết, những băn khoăn, trăn trở mà ông còn nặng lòng với đất nước.

Bài học từ việc gia nhập WTO

- Thưa TS Thang Văn Phúc, chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đất nước Việt Nam lại đón thêm một mùa xuân mới. Trong không khí náo nức đón xuân, ông có nhận định gì về những thời cơ và khó khăn trong công cuộc đổi mới đất nước?

TS Thang Văn Phúc: Tiến trình sau giải phóng, đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới, chúng ta đã nhận thức lại về con đường phát triển và những định hướng đó về căn bản là đúng. Chúng ta phải phá bỏ cơ chế cũ, cho dù cơ chế ấy đã có một thời gian đem lại cho chúng ta những thành công khi huy động sức mạnh của cả dân tộc để giải phóng đất nước, giành độc lập tự do cho tổ quốc. Và chỉ khi có độc lập thì chúng ta mới có được nền dân chủ, được quyết định con đường đi riêng của dân tộc.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cơ chế cũ lại bị kéo dài trong thời kỳ đổi mới, cho nên chính nó đã tạo ra những bất an và khủng hoảng nhất định. Chính vì thế chúng ta đã phải có một sự thay đổi lớn, đổi mới để khắc phục những khó khăn, đổi mới để tự bứt phá vươn lên, đó chính là bước ngoặt quan trọng vào năm 1986 và tiếp đó là những quyết định rất quan trọng nữa vào những năm đầu của thập kỷ 90.

Như vậy, chúng ta đã nhận ra rằng cần phải thay đổi và đã nỗ lực để thay đổi, chỉ có điều từ tư tưởng cho tới hành động vẫn còn quá chậm chạp, dù chúng ta đã có những thành công nhất định, nhưng nó không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của một dân tộc anh hùng đã biết huy động sức mạnh của chính mình và của thời đại để giành chiến thắng mà GDP bình quân đầu người hiện nay chỉ khoảng 1.300 USD.

Sau gần 40 năm giành độc lập và phát triển chưa đáp ứng đúng kỳ vọng, chưa có gì để tự hào về điều ấy. Trong khi đó, cùng giai đoạn phát triển với chúng ta có nhiều quốc gia cũng vô cùng khó khăn, như Singapore, Hàn Quốc thì bây giờ GDP bình quân của họ mấy chục nghìn đô la/năm; những nước cùng khu vực là Thái Lan, Indonesia, Malaysia thì GDP bình quân đầu người họ cũng gấp 3-4 lần nước ta rồi.

TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

- Vậy theo ông những khó khăn nào đang là rào cản cho sự phát triển?

TS Thang Văn Phúc: Đất nước nào cũng phải đi lên từ những khó khăn, tất nhiên mỗi quốc gia có những khó khăn riêng và điều kiện phát triển riêng. Thí dụ như Nhật Bản chẳng hạn, họ cũng có chiến tranh, hai thành phố lớn bị ném bom nguyên tử, họ làm gì có tài nguyên, nhưng rõ ràng về mặt công nghệ - khoa học thì họ đang thuộc tốp đầu của thế giới. Do đó, chúng ta không nên viện dẫn khó khăn của quá khứ ra nữa.

Tại Việt Nam ta, có thể nói rằng ngay từ Đại hội VII (năm 1991) đã có một sức “công phá” lớn, tiến hành cải cách cơ bản bộ máy nhà nước một cách cơ bản, sau đó là cải cách hành chính là trọng điểm.

Tuy nhiên, tôi rất tiếc là những chuyển biến của chúng ta vẫn còn chậm. Thí dụ như trong cải cách hành chính thì có một điều hết sức quan trọng là điều chỉnh các chức năng cửa bộ máy hành chính cho phù hợp với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chuyển từ chức năng “cai trị - quản trị” (cũ) sang chức năng mới là “quản lý - phục vụ phát triển”, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. Tức là chuyển từ cơ chế xin cho sang cơ chế phục vụ, đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu chính đáng của người dân, của doanh nghiệp. Đó là một bước chuyển mang tính đột phá, là đòn bẩy đủ mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta đã và đang chuyển biến đấy, nhưng vẫn còn rất chậm chạp, do dự, chưa nhất quán, đó là điều hết sức đáng tiếc. Chính vì vậy ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển tăng tốc.

Bên cạnh đó, việc đổi mới hệ thống chính trị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yều cầu đòi hỏi của thực tiễn, của quá trình phát triển nền kinh tế đất nước. Hệ thống hiện thời vẫn còn đang có nhiều vướng mắc, có những điều vì lý do khách quan, nhưng cũng có những điều còn tồn tại do sự quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền.

Tôi xin dẫn một bài học còn nguyên tính thời sự, ấy là câu chuyện  gia nhập WTO. Cùng thời điểm “khởi động” như chúng ta có những nước chỉ mất 5 năm để vào WTO, nhưng chúng ta phải mất tới 10 năm. Năm 2007 chúng ta mới vào thì cũng là lúc nền kinh tế thế giới đã bị khủng hoảng. Đáng ra chúng ta cần phải nhanh hơn nữa, quyết đoán hơn nữa để nắm lấy cơ hội và vươn lên trở thành một nền kinh tế mạnh của khu vực. Tuy nhiên, chúng ta đã chậm chân và nói một cách ví von là khi vào chậm thì thời cơ cũng bị hạn chế, giống như nhiều người cùng vào mạng một lúc thì bị nghẽn, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức bật của nền kinh tế.

Sử dụng nhân tài: Không thể nói suông

- Với kinh nghiệm nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, theo ông thì mấu chốt của vấn đề là chúng ta phải làm gì để thực sự đi đúng quỹ đạo đổi mới và tạo sự bứt phá cho nền kinh tế đất nước?

TS Thang Văn Phúc: Cho tới bây giờ, dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận là chúng ta đã để lỡ mất thời cơ vươn lên thành một “con hổ” ở Đông Nam Á. Chúng ta phải dũng cảm nhìn vào bài học ấy để khắc phục những điểm còn yếu kém còn đang tồn tại.

Theo tôi, chúng ta phải lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển và tất cả bộ máy nhà nước phải tập trung vào việc giải phóng con người. Muốn phát triển phải thực sự phải tạo được thị trường, điều này thì đã có nhiều nhà kinh tế, học giả đề cập, nhưng vấn đề ở chỗ làm thế nào để thực sự tạo ra thị trường mới là điều quan trọng.

Chúng ta thấy rằng, đóng góp vào GDP nhiều nhất là doanh nghiệp, mọi thứ thuế thu về để phục vụ phát triển đất nước là tiền của mồ hôi công sức nhân dân bỏ ra, chứ không phải là những cán bộ ngồi bàn giấy. Doanh nghiệp cũng là nơi giải quyết việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội. Do đó, cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để mọi doanh nghiệp phát triển, mà muốn phát triển thì chung quy là phải có thị trường.

Mấy chục năm qua, chúng ta chưa thể sánh vai được với các cường quốc hùng mạnh trên thế giới, dù định hướng phát triển luôn kiên định với mục tiêu ấy, đó là vì khoa học – công nghệ của chúng ta chưa đi đến đâu. Tôi xin lấy thí dụ, trong hàng vạn linh kiện để lắp ráp thành chiếc máy bay, chúng ta phải sản xuất được vài linh kiện, và trong hàng nghìn linh kiện để làm ra chiếc tàu thủy, chúng ta cũng phải có dấu ấn ở đó.

Làm được như vậy thì chúng ta mới có cơ sở, mới có đủ sức mạnh để thương thảo với các cường quốc, nghĩa là khi ấy chúng ta mới thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hóa, giá trị con người khi ấy mới thực sự được giải phóng. Còn nếu chúng ta không làm được như vậy, cứ mãi mãi là một anh đi lắp ráp thuê cho các nước phát triển thì sẽ không đi đến đâu cả, thậm chí còn thua lỗ, tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, mà suy cho cùng tiền ấy cũng là của dân, như vậy là những người làm quản lý có lỗi với nhân dân, có lỗi với đất nước..

Để phát triển được khoa học công nghệ trình độ cao, chúng ta phải có những chính sách đặc biệt cho những con người đặc biệt, có như vậy thì mới kêu gọi được những nhà khoa học giỏi là người Việt Nam trở về quê hương góp sức xây dựng đất nước. Có hai thứ bắt buộc phải làm, thứ nhất là môi trường làm việc thuận lợi để họ phát huy trí tuệ tài năng và kinh nghiệm ; thứ hai là phải đối đãi trọng thị, chúng ta không thể mời họ về nước rồi trả dăm bảy triệu mỗi tháng được. Vì thế, tôi mới nhấn mạnh là phải có cơ chế đặc biệt cho những con người đặc biệt.

Có một điều chắc chắn rằng, chỉ khi nào chúng ta tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hóa những sản phẩm trí tuệ cao như vậy thì mới kêu gọi được hàng vạn người dân Việt Nam đầy tài năng đang làm việc khắp các nước tiên tiến quay trở về cùng góp sức cho dân tộc. Khi chúng ta thực sự nắm công nghệ, kỹ thuật trong tay mình rồi thì chuyện nâng GDP lên 3-5 nghìn đô la không phải là viển vông. Bây giờ mà không làm được điều ấy, không nắm bắt được cơ hội ấy thì chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu, và khẩu hiệu trọng dụng người tài cũng chỉ là nói cho vui mà thôi.

- Thưa ông, có một điều rất đáng mừng là nước ta đã có kế hoạch phấn đấu để cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Ông có tin tưởng vào mục tiêu ấy?

TS Thang Văn Phúc: Tôi tin một dân tộc anh hùng như dân tộc Việt Nam ta thì không có điều gì là không thể làm được. Chỉ có điều, để đạt được mục tiêu ấy thì chúng ta cần phải có nhiều hơn nữa những chính sách rất thực tế, mà cụ thể như tôi nói là phải phát triển mạnh khoa học công nghệ, phải có công nghiệp phụ trợ, điều đó liên quan cả đến chính sách đổi mới và phát triển giáo dục.

Việt Nam không thiếu những người tài năng, cho nên phải đặt ra vấn đề tại sao có hơn 2 vạn Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ... mà đất nước vẫn phát triển rất chậm chạp? Ở những nước phát triển người ta đề cao cái tôi, vì thế mới thúc đẩy được sức sáng tạo. Còn ở nước ta, cái tôi vẫn rất mờ nhạt mà hầu như chỉ vin vào “tập thể’, đó là biểu hiện của sự tồn tại cơ chế cũ kỹ, chậm chạp vẫn còn đè nặng ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Dù chúng ta đã tích cực, và tôi cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực ấy, nhưng trên thực tế là vẫn còn rất nhiều rào cản, cho nên nhiều người đã nói rằng “cơ chế một cửa, nhưng vẫn có tới mấy chìa khóa”.

Người xưa đã nói rằng “Có người tài mà không biết, biết mà không dùng, dùng mà không tin tưởng”, đấy chính là lỗi của lãnh đạo, của chính sách phát triển.

Nhân dịp năm mới, xin chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.

Ngọc Quang (Thực hiện)