Nguyên văn Bộ TN&MT đáp trả "dọa kiện" của Đà Nẵng

17/02/2014 10:10
Hồng Anh
(GDVN) - Cục Quản lý tài nguyên nước phản hồi về bài viết "Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường”...

Mới đây, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT) có Công văn số: 77 /TNN-LVS phản hồi về vấn đề xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa  trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. 

Trong công văn nêu rõ: Ngày 11/2/2014, báo Pháp luật TP.HCM đăng bài “Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường” nêu ý kiến của ông Huỳnh Vạn Thắng về việc sử dụng giá trị mực nước 2,53m tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa trên sông Vu Gia làm cơ sở vận hành được quy định trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 là vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước và xâm hại lợi ích của người dân vùng hạ du thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. 

Về vấn đề này, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Trong quá trình xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa cạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổ soạn thảo cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ tập trung nghiên cứu, phân tích các đặc điểm cụ thể của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn như: hệ thống hồ, tình hình thông tin, số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, tình hình hạn hán trên lưu vực, các yêu cầu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới hạ du các hồ chứa.

Công trình Thủy điện Đắk Mi 4 ở Quảng Nam.
Công trình Thủy điện Đắk Mi 4 ở Quảng Nam.

Vấn đề chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn; nhu cầu về khai thác, sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa và nghiên cứu, tính toán các phương án phối hợp vận hành điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm hài hòa giữa cấp nước cho hạ du với phát điện trong từng thời kỳ cụ thể, trong đó đã xem xét, cân nhắc ưu tiên nhiệm vụ bảo đảm cấp nước cho hạ du (bao gồm cả thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) trên nhiệm vụ phát điện như đã được thể hiện ở phần nội dung quy định về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên vận hành các hồ trong mùa cạn.

Sau gần hai năm nghiên cứu, xây dựng hàng trăm phương án với sự tham gia góp ý, hoàn chỉnh hoặc trực tiếp tính toán tại các cuộc họp, thảo luận nhóm, ngày 11/7/2013, Cục đã trình văn bản và hồ sơ để Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi dự thảo Quy trình (Văn bản số 2654/BTNMT-TNN) tới 13 cơ quan, đơn vị liên quan (gồm cả UBND thành phố Đà Nẵng) để xin ý kiến góp ý cho dự thảo Quy trình. 

Về cơ bản, các cơ quan, đơn vị đều thống nhất với những nội dung quy định của dự thảo Quy trình, các ý kiến góp ý cụ thể đều đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, nghiêm túc tiếp thu hoặc giải trình cụ thể. 

Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy trình trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/9/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Tổ soạn thảo với sự tham gia của đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải; đại diện UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; đại diện các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Cục Điều tiết Điện lực, Tổng cục Năng lượng, Viện Quy hoạch thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Viện Cơ học và các Nhà máy thủy điện: A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2.

Như vậy, mặc dù Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng để bảo đảm có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, bảo đảm chất lượng xây dựng quy trình, quá trình xây dựng Dự thảo Quy trình đã được Bộ áp dụng như trình tự thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo quy định phần vận hành trong mùa lũ (điều chỉnh, bổ sung toàn diện so với quy trình vận hành trong mùa lũ đã được ban hành) và rà soát kỹ một số ý kiến góp ý cho phần dự thảo quy định trong mùa cạn, trong đó có ý kiến của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương, các nhà máy thủy điện... để hoàn thiện Dự thảo Quy trình.

Về vấn đề xả nước của hồ Đắk Mi 4 xuống hạ du sông Vu Gia (xả không qua phát điện) và quy định mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, có 03 nhóm ý kiến như sau:

- Bộ Công Thương, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (đơn vị quản lý thủy điện Đắk Mi 4) đề nghị xem xét giảm lưu lượng xả về hạ du để đảm bảo hiệu quả phát điện cao hơn, vì cho rằng việc xả với lưu lượng liên tục từ 12,5 đến 25m3/s trong cả mùa cạn là thiệt hại rất lớn về điện, gây lãng phí tài nguyên (đề nghị xả từ 3 đến 8,5 m3/s);

- UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị hồ Đắk Mi 4 xả liên tục 25 m3/s trong suốt cả mùa cạn;

- UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan, đơn vị khác thống nhất hoặc không có ý kiến cụ thể.

Về vấn đề này, Cục Quản lý tài nguyên nước đã cùng với các chuyên gia nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và thấy rằng thấy rằng:

Quá trình vận hành của hồ Đắk Mi 4 trong thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Chính quyền địa phương, nhân dân ở hạ du vẫn cho rằng việc xả nước như hiện nay chưa đảm bảo nhu cầu nước, làm suy kiệt dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân nhất là phía Đà Nẵng. Do đó, không những chỉ chính quyền địa phương mà còn các đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị, yêu cầu hồ Đắk Mi 4 phải xả tăng thêm về sông Vu Gia.

Đối với đề nghị của thành phố Đà Nẵng, theo kết quả thống kê chuỗi thủy văn từ năm 1976 - 2008 (trước khi có hồ thủy điện), mực nước trung bình 03 tháng nhỏ nhất tại trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,67 m, trung bình 01 tháng nhỏ nhất là 2,53 m. Trên thực tế, nếu đảm bảo được giá trị mực nước tại Ái Nghĩa từ 2,53 m trở lên thì đáp ứng được nhu cầu nước hạ du. 

Dự thảo Quy trình đã quy định vận hành hồ trong các thời kỳ sử dụng nước gia tăng và sử dụng nước bình thường theo các cấp mực nước tại Ái Nghĩa: i) nhỏ hơn 2,53m; ii) từ 2,53m đến 2,67m và iii) lớn hơn 2,67m nhằm đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu dùng nước hạ du và hiệu quả phát điện.

Nhu cầu nước theo đề nghị của thành phố Đà Nẵng, diện tích tưới thiết kế là 46.000 hecta, thực tế là 36,3 nghìn hecta, đã bao gồm cả những diện tích không lấy nước trực tiếp trên các dòng chính sông Vu Gia, không phụ thuộc vào việc vận hành của các hồ này. 

Trong khi đó, quy định trong dự thảo Quy trình vận hành các hồ trong mùa cạn chỉ đảm bảo cho khoảng 15,3 nghìn hecta có có công trình lấy nước trực tiếp từ dòng chính phụ thuộc vào việc điều tiết của hồ Đắk Mi 4, A Vương và những nhu cầu sử dụng nước khác như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và đảm bảo dòng chảy tối thiểu. Phần diện tích còn lại không phụ thuộc vào điều tiết nước của các hồ chứa trong Quy trình này.

Lượng nước trên sông Vu Gia đến Ái Nghĩa không chỉ có hồ Đắk Mi 4 mà còn có hồ A Vương và trong tương lai còn có hồ Sông Bung 4 trên dòng sông Bung, trong khi lượng nước đến hồ Đắk Mi 4 chỉ chiếm khoảng 26% so với tổng lượng nước sông Vu Gia đến Ái Nghĩa. Do vậy, đề nghị xả nước hồ Đắk Mi 4 trong suốt mùa cạn 25m3/s, không gắn với vào yêu cầu sử dụng nước thực tế trong từng thời gian, trường hợp cụ thể chưa phù hợp, chưa xem xét toàn diện việc bảo đảm sử dụng nước tổng hợp, hiệu quả, đa mục tiêu trên phạm vi toàn lưu vực sông, gồm cả Quảng Nam. 

Trong khi đó, thực tế hồ đã được xây dựng và vận hành, trong quá trình đầu tư và xây dựng, đã được các chuyên gia, hội đồng thẩm định, các cơ quan chuyên môn, các địa phương và cơ quan quản lý đồng ý chấp thuận đầu tư xây dựng hồ Đắk Mi 4.

Tại cuộc họp tổ soạn thảo ngày 12/9/2013, có sự tham gia của đại diện của UBND tỉnh Quảng Nam, nhà máy thủy điện Đắk Mi 4, A Vương, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng (do ông Huỳnh Vạn Thắng làm đại diện), Tổng cục Năng lượng, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi,... và các chuyên gia dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đã thảo luận và cùng nhau thống nhất với việc sử dụng mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa làm cơ sở vận hành các hồ được xác định theo chuỗi số liệu thủy văn từ năm 1976 đến năm 2008 (thời gian này các hồ chưa đi vào hoạt động) bằng giá trị trung bình một tháng nhỏ nhất là 2,53m. Ngay sau cuộc họp này, các chuyên gia, đại diện các cơ quan liên đã cùng nhau bàn bạc, rà soát, tính toán kiểm tra lại con số nêu trên và không phát hiện thấy có sự nhầm lẫn.

Trên cơ sở các phân tích nêu trên, cùng với góp ý của các cơ quan, đơn vị và các địa phương, Cục Quản lý tài nguyên nước đã cùng các chuyên gia rà soát, tính toán các phương án vận hành theo hướng tối ưu hóa các nhu cầu dùng nước hạ du cũng như hiệu quả phát điện, tránh gây lãng phí tài nguyên và điều chỉnh dự thảo Quy trình trong đó có việc vận hành của hồ Đắk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia, cụ thể như sau:

- Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,53m, hồ Đắk Mi 4 xả 25m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 12,5m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường;

- Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa trong khoảng từ 2,53 m đến 2,67 m, hồ Đắk Mi 4 xả 12,5m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 8 m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường;

- Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa lớn hơn 2,67m, hồ Đắk Mi 4 xả 8 m3/s đối với thời kỳ dùng nước gia tăng, 5 m3/s đối với thời kỳ dùng nước bình thường.

Với quy định như trên, qua tính toán việc vận hành các hồ chứa đã đảm bảo nhu cầu dùng nước cho hạ du sông Vu Gia (với mực nước thường xuyên được duy trì tại Ái Nghĩa là trên 2,53m bảo đảm cho toàn bộ hệ thống trạm bơm, công trình lấy nước hiện tại trên dòng chính sông Vu Gia lấy được nước cho các thời kỳ dùng nước trong mùa cạn). Thiệt hại về điện của thủy điện Đắk Mi 4 trong mùa cạn (sẽ tùy thuộc vào việc vận hành hồ theo mực nước khống chế hàng ngày tại trạm thủy văn Ái Nghĩa) dao động từ khoảng 55 triệu Kwh (chiếm 6,6% so với tổng sản lượng điện hàng năm) đến tối đa khoảng 144,6 triệu Kwh (chiếm 17,3%), tương ứng khoảng 55 tỷ đến 145 tỷ đồng.

Những vấn đề nêu trên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, các vấn đề về xả nước của thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng và Quảng Nam) trong điều kiện khả năng nguồn nước hiện có, thực trạng hệ thống các hồ đã được xây dựng, đồng thời hài hòa với nhiệm vụ phát điện và bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật tài nguyên nước. 

Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ cùng với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hồng Anh