Nhà ngoại giao xuất sắc của Quốc hội Việt Nam

04/01/2016 11:41
Ngọc Quang (ghi theo lời kể của ông Vũ Mão)
(GDVN) - Trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, hiếm có ai lại có thời gian làm đại biểu liên tục tới 39 năm, từ khóa đầu tiên đến lúc mất như đồng chí Xuân Thủy.

Trong quá trình tham gia cách mạng, đồng chí Xuân Thủy được Đảng giao phụ trách nhiều công tác quan trọng: Mặt trận, Đối ngoại, Quốc hội...

Ở tất cả các lĩnh vực công tác, đồng chí đều có những cống hiến xuất sắc. Vốn kiến thức văn hóa Đông – Tây do tự học, và những kiến thức của nhiều lĩnh vực trong quá trình hoạt động cách mạng góp phần đào luyện Xuân Thủy thành một chính khách uyên thâm và lịch lãm.

Nhà hoạt động nghị trường tiêu biểu

Ở nhiệm kỳ Quốc hội các khóa II, khóa VI, đồng chí được bầu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các khóa III và IV, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa V, đồng chí Xuân Thủy đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh chỉ đạo cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội khóa VI là Quốc hội thống nhất của cả nước. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức to lớn và đã thành công rực rỡ.

Đến nhiệm kỳ khóa VII của Quốc hội, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII  để tiện cho công tác điều hành ở nhiệm kỳ khóa này.

Kể ra từng ấy công việc mà Xuân Thủy đảm nhiệm từ năm 1946 đến năm 1985 (lúc mất) thì đồng chí thật xứng đáng là Nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Đồng chí Xuân Thủy cùng với Bác Hồ. ảnh tư liệu.
Đồng chí Xuân Thủy cùng với Bác Hồ. ảnh tư liệu.

Dấu ấn ở nghị trường Quốc hội khóa I

Xuân Thủy là đại biểu Quốc hội khóa I thông qua cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Chính trong cuộc Tổng tuyển cử lịch sử này, với cương vị Trưởng ban tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, đồng chí là người đóng vai trò “Chủ soái”, góp phần tạo ra không khí sôi nổi, động viên toàn dân tham gia bầu cử. Toàn quốc đã bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội khóa I.

Bằng uy tín của tổ chức và của bản thân, Xuân Thủy được bầu làm Ủy viên Ban thường trực Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa I.

Thành phần của Quốc hội khóa I khá đa dạng. Lực lượng Việt Minh là 182 đại biểu, chiếm tỷ lệ đông nhất. Lực lượng của Việt Cách, Việt Quốc và một số người của Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội cũng có tới 70 vị không qua bầu cử.

Đồng chí Xuân Thủy là người chủ trì soạn thảo Luật hôn nhân gia đình đầu tiên của nước ta và được Quốc hội thông qua vào năm 1959.

Với Luật hôn nhân gia đình này, nước ta có một văn bản pháp lý quan trọng, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân. Đây là một dấu mốc rất quan trọng, vì từ một nước hàng ngàn năm, người phụ nữ luôn bị khinh rẻ và miệt thị, thì đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam công nhận quyền bình đẳng nam nữ về mọi mặt cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Ít ai biết đồng chí Xuân Thủy cũng là nạn nhân của việc hôn nhân phong kiến lạc hậu, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Do nạn tảo hôn, Xuân Thủy phải lấy vợ từ khi là cậu bé mới 13 tuổi, còn “vị” hôn thê mới 15 tuổi. Không được huởng cuộc hôn nhân tiến bộ, nhưng vài chục năm còn lại của đời mình, đồng chí đã rất sung sướng chứng kiến lớp lớp thanh niên nước nhà được hưởng hạnh phúc do Luật hôn nhân tiến bộ mang lại.

Còn lại là các nhân sĩ, người không đảng phái và các đại biểu yêu nước khác. Đồng chí Xuân Thủy là Truởng đoàn đại biểu Việt Minh trong Quốc hội.

Với vai trò này, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xuân Thủy đã cùng các đồng chí của mình, khôn khéo đưa Quốc hội vào hoạt động theo đúng “quỹ đạo”.

Trong quá trình diễn ra Tổng tuyển cử, lực lượng của Việt Cách, Việt Quốc đã chống phá quyết liệt, nhưng không thực hiện được ý đồ.

Từ ngày 2/3/1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên và những phiên họp sau đó, lực lượng của Việt Quốc, Việt Cách lại tiệp tục tìm cách chống phá Quốc hội ta.

Không chỉ một lần, họ đòi thay cờ đỏ sao vàng bằng một lá cờ khác hoặc đòi phải có đường viền xanh xung quanh năm cánh sao vàng và lá cờ đỏ.

Đồng chí Xuân Thủy cùng đoàn Việt Minh trong Quốc hội vừa phê phán, vừa phân tích có tình có lý nên ý định của họ không thành công. Những người thuộc phái trung lập (không phải Việt Cách, Việt Quốc), thấy họ ngang ngược, nên cũng nghiêng về phía Việt Minh.

Trong các cuộc họp của Ủy ban Thường trực Quốc hội, nhóm Việt Cách và Việt Quốc luôn luôn tạo ra những cuộc tranh cãi gay gắt. Đồng chí Xuân Thủy cùng Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố kiên quyết bảo vệ những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là dấu ấn đậm nét của đồng chí Xuân Thủy trong Quốc hội khóa đầu tiên vô cùng khó khăn này.

Vai trò Tổng Thư ký trong Quốc hội khóa VII

Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa II và khóa VI, đồng chí Xuân Thủy đã chịu trách nhiệm của Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội – một vị trí rất quan trọng. Tổng Thư ký là người điều hành công việc hằng ngày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội có một phần không nhỏ công sức của Tổng Thư ký.

Nhà ngoại giao xuất sắc của Quốc hội Việt Nam ảnh 2

Những trăn trở cuối đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Nhiệm kỳ khóa VII của Quốc hội, đồng chí Xuân Thủy cũng đóng vai trò tương tự, là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ này có nhiều việc phức tạp mà Quốc hội phải giải quyết, trong đó có vấn đề “Giá – Lương – Tiền”.

Những sai lầm trong chỉ đạo ở lĩnh vực này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tình hình kinh tế của đất nước giảm sút nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.

Ở cương vị của mình đồng chí Xuân Thủy đã có những đóng góp xứng đáng, đầy ý nghĩa nhân văn, có lý có tình. Những quyết định đúng đắn của Quốc hội đã làm yên lòng dân, từng bước tháo gỡ những nút thắt trong kinh tế vĩ mô.

Người khởi xướng hoạt động ngoại giao Nghị viện

Việc Việt Nam gia nhập tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là một quá trình gian nan, vất vả và kiên trì.

Đánh giá về đồng chí Xuân Thủy, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Đồng chí Xuân Thủy là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có đức, có tài, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp mạng của nhân dân ta”.

Ngay từ năm 1959, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia Đoàn Chủ tịch chủ trì phiên họp riêng để bàn việc gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới của Quốc hội nước ta.

Cuối phiên họp, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn gồm 231 đại biểu Quốc hội nước ta để gia nhập Liên minh Nghị viện thế giới. Quốc hội cũng đã thông qua Nội quy và cử Ban chấp hành gồm 16 người. Sau đó Ban chấp hành đã tiến hành các thủ tục cần thiết để gia nhập IPU.

Nhưng lúc bấy giờ, tổ chức này bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc gia nhập IPU của Quốc hội nước ta. Trong khi đó, tại Hội nghị mùa Thu lần thứ 46 họp ở London tháng 9/1957, Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới đã chấp nhận Quốc hội Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) là thành viên IPU.

Nhà ngoại giao xuất sắc của Quốc hội Việt Nam ảnh 3

Người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhằm tranh thủ việc tham gia các tổ chức quốc tế để thúc đẩy cuộc đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa VI, ngày 23/12/1978, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Đối ngoại mà đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm, Quốc hội đã thảo luận và tán thành việc gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới.

Trên tinh thần đó, căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959, ngày 3/2/1979, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã ký Nghị quyết số 436 NQ/QHK6 về việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới.

Thực hiện Nghị quyết này, Đoàn Quốc hội Việt Nam được thành lập gồm 267 đại biểu để tham gia Liên minh. Đoàn đã họp thông qua Nội quy và bầu Ban Chấp hành gồm 17 thành viên do đồng chí Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ tịch.

Qua rất nhiều thủ tục và công đoạn, Hội nghị Ban Chấp hành IPU lần thứ 180 họp vào ngày 16/4/1979 đã ra Nghị quyết chấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới.

Tiếp đó, trong phiên họp ngày 21/4/1979, Hội đồng IPU đã xem xét báo cáo của Ban Chấp hành và nhất trí thông qua Nghị quyết, chấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới.

Từ khi gia nhập IPU đến nay, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực của Liên minh Nghị viện thế giới. Đặc biệt năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tại Thủ đô Hà Nội.

Nhà ngoại giao xuất sắc

Đến năm 1945, Xuân Thủy mới được làm việc với Bác Hồ. Chắc khi làm việc với Xuân Thủy, Bác đã nhận ra tố chất của anh thanh niên 33 tuổi này, vừa uyên thâm vừa mềm mỏng, vì thế Bác đã đưa Xuân Thủy đi cùng trong những cuộc đàm phán với quân Tưởng để chúng bớt chống phá đối với chính quyền non trẻ của chúng ta.

Kể từ đó trở đi, sự nghiệp Ngoại giao Nhân dân, Ngoại giao Nhà nước, Ngoại giao của Đảng, Ngọai giao Quốc hội cứ đan xen trong hoạt động cách mạng của Xuân Thủy.

Từ năm 1945 đến 1950, nước ta đã độc lập và đứng lên chống một đế quốc hùng mạnh là Pháp, nhưng chưa nước nào công nhận, nhân dân thế giới chưa hề biết đến.

Sau Chiến thắng Biên giới 1951, ta mới phá được vòng vây cô lập. Xuân Thủy là người trực tiếp dẫn đầu nhiều đoàn đại biểu thay mặt cho nhân dân Việt Nam đi các nước xã hội chủ nghĩa và các nước Tây Âu, Bắc Phi, Tây Á để lên án thực dân Pháp, đồng thời tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta để các nước ủng hộ.

Mặt khác, Xuân Thủy cũng là người chịu trách nhiệm chỉ đạo các đoàn thể ra nước ngoài hoạt động đối ngoại trong suốt thập kỷ 50 của thế kỷ trước.

Từ năm 1961 đến năm 1962, Xuân Thủy giữ vai trò chủ chốt trong Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào, kết quả là lực lượng cách mạng Pa-thét Lào đã đứng trong Chính phủ Liên hiệp Lào.

Từ năm 1963 đến năm 1965, trong lúc quan hệ Trung – Xô đang xung khắc tới đỉnh điểm, Xuân Thủy được chọn vào vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là đoàn kết với cả hai nước lớn đó để bạn đều ủng hộ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta đang ngày càng quyết liệt.

Sau đó, bệnh hen quái ác đã bắt Xuân Thủy phải ngừng công việc này để đi chữa bệnh. Khi sức khỏe bình phục, Xuân Thủy lại làm Trưởng ban Đối ngoại của Đảng trong suốt 10 năm liền, đồng thời kiêm Trưởng ban Ban công tác Miền Tây (Ban này có chức năng và trách nhiệm giúp cách mạng Lào).

Năm 1968, đế quốc Mỹ ngỏ ý muốn đàm phán với chính phủ ta. Xuân Thủy là người đầu tiên được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử “cầm quân” trên mặt trận ngoại giao “vừa đánh vừa đàm” quan trọng này.

Vốn là người có kiến thức uyên thâm, có sự sắc sảo của một nhà báo lão luyện và bề dày kinh nghiệm ngoại giao, Xuân Thủy được cử làm Trưởng đoàn trong cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao nước nhà.

Xuân Thủy không thiếu vắng trong cuộc đấu trí quyết liệt của 174 phiên họp công khai và 24 phiên họp bí mật. Trong 5 năm ấy, đồng chí cũng bận rộn không kém về ngoại giao ngoài bàn Hội nghị.

Về mặt này, đồng chí càng phát huy thế mạnh của mình. Đồng chí đã trực tiếp tiếp rất nhiều đoàn, trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn. Đồng chí cũng chỉ huy cả một đội quân hùng hậu là các phóng viên, các thuyết trình viên đi rất nhiều nơi trên đất Pháp, châu Âu, có khi cả Mỹ để tuyên truyền cho công cuộc chống Mỹ cứu nước của ta. Thực tế lúc đó đã hình thành được một mặt trận rộng lớn nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.

Trong cuộc đàm phán này, với tài năng và mưu trí linh hoạt, Xuân Thủy cùng các đồng chí trong Đoàn phải đối đầu với bốn ngài Trưởng đoàn sừng sỏ và một vị cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ. Kết quả là chúng ta đã thu được thắng lợi thật giòn giã.

Chỉ năm tháng đầu, ta đã buộc Mỹ phải chấm dứt việc ném bom toàn miền Bắc. Khi sắp kết thúc Hội nghị, biết Xuân Thủy giỏi cờ, Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã tặng Xuân Thủy một quân mã bằng pha lê (nay gia đình còn giữ). Phải chăng Kissinger đã thừa nhận Mỹ thua Việt Nam ván cờ lớn về ngoại giao trên bàn hội nghị này.

Đến ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hội nghị Paris đã khép lại, chúng ta đã thu được thắng lợi vẻ vang như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá: “Mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại”. Đó là yếu tố quan trọng để chúng ta giành được chiến thắng hoàn toàn vào năm 1975.

Nói đến Ngoại giao Việt Nam cuối thế kỷ XX không thể không nhắc đến tên tuổi Xuân Thủy. Cho nên cụm từ Xuân Thủy – Ngoại giao đã gắn liền trong Từ điển bách khoa Việt Nam. 

Ngọc Quang (ghi theo lời kể của ông Vũ Mão)