Nhà sử học Dương Trung Quốc gửi tâm thư tới Chủ tịch Quốc hội

09/03/2012 06:24
Dương Trung Quốc
(GDVN) - Trong bức thư gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đề nghị kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII tới đây sẽ thay đổi giờ họp nhằm giảm lưu lượng tham gia giao thông.
Trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 21/5 tới đây, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã gửi một bức tâm thư đầy trăn trở tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông Quốc đã công bố bức tâm thư này trong cuộc hội thảo Sinh viên Đại học Đại học Đại Nam với Văn hóa Giao thông ngày 9/3/2012.

Điều chỉnh giờ họp Quốc hội

"Chúng ta đang đứng trước nhiều thách đố, khó khăn trong đời sống xã hội, trong đó có vấn nạn do tình trạng ùn tắc, quá tải giao thông. Chúng ta đang nỗ lực khắc phục vấn nạn đó. Ngoài việc thực thi chức năng  lập pháp và giám sát trên lĩnh vực này, Quốc hội và đại biểu Quốc hội cần gương mẫu tham gia góp phần cùng Chính phủ và nhân dân cải thiện tình hình giao thông", Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc mở đầu.

Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Theo ông Dương Trung Quốc, mỗi kỳ họp Quốc hội với hàng trăm Đại biểu Quốc hội cùng bộ máy phục vụ hoạt động của Quốc hội tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội đã góp phần làm tăng thêm lưu lượng hoạt động trên một số tuyến phố Thủ đô. Chưa kể, lưu thông của Quốc hội gây phiền nhiễu cho dân như cấm đường, ngăn đường...
Do đó, ông Dương Trung Quốc đề xuất, Quốc hội nên điều chỉnh giờ họp, hạn chế trùng với thời gian cao điểm lưu thông của Thành phố.
“Ngày làm việc của Quốc hội có thể họp và tan muộn hơn giờ hành chính thông thường. Các đại biểu và cán bộ phục vụ Quốc hội sẽ có thời gian để dùng bữa sáng như bữa ăn chính. Buổi trưa, cũng như công nhân hay một số cơ quan hành chính làm việc thông tầm sẽ dùng bữa ăn nhẹ và nghỉ ngơi tại chỗ và tan về muộn hơn. Như thế, chúng ta sẽ hạn chế được một nửa thời gian lưu thông và tránh được các giờ cao điểm”, ông Dương Trung Quốc viết.

Không sử dụng ô tô "một chủ một lái"
Ngoài ra, cũng trong lá thư gửi tới vị đứng đầu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cũng kiến nghị, các đại biểu địa phương ăn ở tập trung và sử dụng phương tiện đi lại bằng xe bus của Quốc hội, các đại biểu khác sống ở Hà Nội thì khuyến khích không sử dụng ô tô chỉ chở “một chủ một lái”.
“Giảm bớt loại phương tiện này vừa tránh lãng phí xăng dầu (chủ yếu là xe công), nhân lực lái xe ngồi chờ, giảm không gian giao thông tĩnh... nhưng điều quan trọng là giúp Đại biểu Quốc hội gần với dân hơn, nghe được điều dân nói.
Đương nhiên đề nghị này chỉ nhằm khuyến khích và không bắt buộc. Vì có thể có vị vì sức khoẻ hay cương vị cần bảo đảm an ninh theo quy định công hoặc không có năng lực đi lại bằng các phương tiện khác ngoài ô tô công hoặc vào những ngày thời tiết xấu”, ông Quốc viết.

Theo quan điểm của ông Dương Trung Quốc, nếu thực hiện những đề nghị ông vừa nêu, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả  tốt đối với tình hình giao thông, nhưng hiệu ứng quan trọng hơn là dân thấy Quốc hội biết chia sẻ và cận dân hơn.

"Đương nhiên, buổi đầu có vị sẽ cảm thấy khó khăn do phải thay đổi thói quen nhưng lúc này trẻ nhỏ đi học phải đổi giờ, công nhân lao động nặng cũng phải làm thông tầm ...thì Quốc hội càng cần phải gương mẫu. Người dân trông vào sẽ thấy nhẹ lòng hơn", ông Quốc chia sẻ.

Luật về ngôn ngữ và chữ viết

Trong bức thư gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, cần phải quan tâm đến một bộ "Luật về ngôn ngữ và chữ viết": "Là thành viên tham gia Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTNNĐ), tôi nhận thấy sự cần thiết phải quan tâm đến một bộ “Luật về ngôn ngữ và chữ viết” để góp phần bảo tồn những di sản cũng như phát huy vai trò của ngôn ngữ, một lĩnh vực nền tảng hết sức quan trọng. Vấn đề này liên quan đến tính cách và bản sắc văn hoá của một quốc gia, nhất là đối với nước ta, một quốc gia đa thành phần dân tộc, ngôn ngữ và có một bề dày lịch sử tiếp nhận nhiều yếu tố văn hoá, văn minh từ bên ngoài.

Bảo vệ sự trong sáng và khả năng sáng tạo của tiếng Việt Nam hiện đại (tiếng nói và chữ viết), tôn trọng những di sản của quá khứ (trong đó có di sản Hán, Nôm), tôn trọng những ngôn ngữ của các dân tộc thành phần trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện đại cũng như phát huy tính phong phú của nhiều vùng miền nhưng vẫn tạo dựng được những chuẩn mực quốc gia trên lĩnh vực này; và trong xu thế hội nhập, việc tiếp thu giá trị ngôn ngữ của các quốc gia khác đi đôi với việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt Nam... đang đòi hỏi phải sớm có một bộ luật điều chỉnh", ông Quốc nói.

Ông Quốc cũng chia sẻ trong bức thư: "Được biết ý tưởng này không mới nhưng cũng không dễ và cho đến nay vẫn chưa được khởi động nhưng tôi mong  muốn Quốc hội và trực tiếp là Uỷ ban VHGDTTNNĐ sớm đưa vào chương trình xây dựng luật để huy động các lực lượng trong Quốc hội và ngoài xã hội. Trong đó có các nhà chuyên môn quan tâm, các hội nghề nghiệp, các Viện nghiên cứu có liên quan ... tổ chức thực hiện với một sự đầu tư và một lộ trình thích hợp nhằm sớm khắc phục hiện trạng đang phương hại đến đời sống ngôn ngữ và văn hoá nước ta, cũng để tạo môi trường phát triển cho ngôn ngữ Việt Nam hiện đại phát triển. Cá nhân tôi sẵn sàng tham gia vào mục tiêu này ở lĩnh vực chuyên môn và năng lực cho phép của mình".

Điểm nóng:
TP.HCM: Sắp thí điểm lệch giờ học TP HCM: Kho hàng 1.500m2 bị thiêu rụi, hàng chục tỷ đồng "bốc hơi"
Phú Yên: Con gái "báo hiếu" mẹ già bằng thuốc trừ sâu trộn chất thải Điều chỉnh vị trí sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Nữ sinh mất tích, gia đình bị "dội bom" tin sex Vụ đại gia “nước đá” trả dâu ở Cần Thơ: Sóng gió đã qua
Chồng Hàn Quốc bóp cổ chết cô dâu Việt vì bất đồng ngôn ngữ? Dư luận Hà Nội từng “ăn quả đắng” vì lời đồn “bệnh viện âm hồn” (kỳ 2)

Dương Trung Quốc