Nhà văn Quang Thiều: "Đừng đổ lỗi cho người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội"

06/07/2012 06:47
Hồng Chuyên
(GDVN) - "Tôi cam đoan đó chỉ là phát ngôn của một số ít, không đáng để chúng ta bận tâm".
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước phát ngôn “người ngoại tỉnh làm bẩn Hà Nội” được đăng trên một trang mạng. Ngay sau đó, một "teen girl" Hà Nội lại đưa lên trang facebook cá nhân lên án những người tỉnh lẻ. Theo cô thì “đại bộ phận người ngoại tỉnh đang làm bẩn Hà Nội theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng”, những người ngoài tỉnh chính là những người “biến những con đường đẹp đẽ thành bãi rác thảm thương” và "tôi bắt đầu thấy xấu hổ khi phải nói tôi là người Hà nội rồi đấy!”...
Xung quanh những phát ngôn này có nhiều ý kiến trái chiều, để có cái nhìn thấu đáo hơn, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

Ai "giết chết" văn hóa Tràng An?

- Theo dõi báo chí những ngày qua khi dư luận xôn xao trước phát ngôn "người ngoại tỉnh làm bẩn Hà Nội" được đăng trên một trang mạng, ông có nhận định gì?

- Nếu đây là nhận định của một người không phải sống ở Hà Nội thì đã là một sai lầm còn nếu đó là một người đang mệnh danh là người Tràng An thì sự sai lầm này nghiêm trọng hơn. Nó gián tiếp cho thấy sự bất ổn trong văn hóa của chính một số người Tràng An. Tôi muốn lưu ý một điều là, theo các nhà sử học thì văn hóa Tràng An được dựng lên bởi đa số những người nhập cư. 
Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Theo các nhà sử học thì văn hóa Tràng An được dựng lên bởi đa số những người nhập cư (Ảnh: Nguồn internet)
Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Theo các nhà sử học thì văn hóa Tràng An được dựng lên bởi đa số những người nhập cư (Ảnh: Nguồn internet)
Không một người nào suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này lại phát biểu một cách phi lý như vậy. Việc nhập cư vào Hà Nội không phải bây giờ mới có mà nó diễn ra liên tục từ khi mảnh đất này được dựng lên. Những người đến lập nghiệp trên mảnh đất này đời này qua đời khác đã dựng lên một vùng văn hóa tinh hoa và cái tên gọi Tràng An là biểu tượng của những tinh hoa ấy. Khi vùng văn hóa ấy mạnh mẽ nó sẽ Tràng An hóa những người nhập cư. Còn khi nó trở nên yếu ớt và mờ nhạt thì nó sẽ bị một lối sống khác lấn át. 
Không một thành phố nào trên thế giới lại không thường xuyên đón nhận những dòng nhập cư. Và hầu hết những thành phố ấy vẫn giữ được văn hóa của nó như Paris, London, New York, Tokyo, Seoul…..Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề như nhận định ở trên thì chỉ tính riêng số khách du lịch và những người tìm kiếm việc làm có mặt ở những thành phố này với biết bao sự khác biệt của văn hóa và lối sống mà họ mang đến là đủ giết chết văn hóa của những thành phố đó. 
- Nhưng thưa ông, đâu đó tại mảnh đất Tràng An này vẫn có những cô gái Hà Nội hùng hồn tuyên bố “thề không lấy chồng ngoại tỉnh”, hoặc “hối hận vì đã lấy chồng ngoại tỉnh”. Dù bị số đông "ném đá", vẫn có không ít người lên tiếng ủng hộ. Ông có suy nghĩ gì về điều này? 
- Tôi cam đoan đó chỉ là phát ngôn của một số ít các cô gái Hà Nội mà thôi. Số ít này không đáng để chúng ta bận tâm.
- Nhưng trên thực tế, từ nhiều năm nay, những cụm từ “người Hà Nội gốc”, “người ngoại tỉnh” được nhắc đến rất thường xuyên và những nhận định như trên không hề là cá biệt. Theo ông, đây có phải là tâm lý của số đông người Hà Nội và nguyên nhân nào dẫn đến những suy nghĩ đó?
- Nếu nói là người ngoại tỉnh thì bây giờ người ngoại tỉnh là gốc Hà Tây chiếm tỉ lệ cao nhất. Nhưng Hà Tây là một vùng văn hóa đặc sắc và có thể nói trước kia nó đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành văn hóa Tràng An. Nguyên nhân chính làm cho văn hóa Tràng An đã và đang bị phá vỡ từng bộ phận là do chính những người Tràng An thế hệ hậu duệ đã sống phi Tràng An. Và bây giờ, họ nhận ra nhiều mối đe dọa đối với văn hóa Tràng An nhưng lại không tìm hiểu nguyên nhân cơ bản dẫn đến những nguy cơ đó. Họ bối rối và đổ lỗi cho kẻ khác.
- Có nhà văn hóa cho rằng, lâu nay chúng ta đã tuyên truyền quá nhiều về nét đẹp thanh lịch của người Tràng An, phần nào khiến cho nhiều người ngộ nhận. Trong khi, nhiều học giả cho rằng, thực tế, “Hà Nội lại chỉ là một cái làng lớn”? 
- Câu hỏi đã chỉ cho chúng ta thấy một mâu thuẫn hết sức nguy hiểm. Nếu nói như vậy thì tôi hiểu là “Hà Nội chỉ là một cái làng lớn” thì không thể làm ra sự thanh lịch của người Tràng An. Đây là một sự thiếu hiểu biết một cách trầm trọng. Văn hóa Việt là văn hóa làng xóm. Thực tế, theo nghiên cứu của cá nhân tôi cho thấy rằng, chính những tinh hoa thông qua từng con người cụ thể từ nhiều vùng quê trải qua thời gian đã làm ra văn hóa Tràng An.
- Bản thân ông là một người sinh sống và làm việc ở Hà Nội, nếu trao đổi trực tiếp với người đã phát ngôn “người ngoại tỉnh làm bẩn Hà Nội”, ông sẽ nói điều gì với họ?
- Tôi sẽ nói, đó là một nhận định sai lầm. Tất nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng ở đâu và thời nào cũng vậy, ngoài những vẻ đẹp thì những người nhập cư cũng mang theo những thói xấu. Người Tràng An cũng mang trong mình cả hai mặt tốt, xấu ấy.
Hãy nhìn nhận theo cách của một bác sỹ: Khi cơ thể anh yếu thì vi trùng sẽ xâm nhập và phát triển. Một trong những phương pháp chữa bệnh vô cùng hiệu quả là làm cho sức đề kháng của cơ thể mạnh lên. Hơn nữa, cho dù Hà Nội 100% là người Tràng An mà các thế hệ nối tiếp nhau không có ý thức lưu giữ và phát triển những đức tính và vẻ đẹp của những thế hệ người Tràng An trước đó thì một điều tất yếu sẽ xảy ra, đó là sự thoái hóa của những vẻ đẹp Tràng An qua thời gian.
- Nhiều học giả cho rằng người Việt Nam có nhiều tật xấu như ích kỷ, hay chê bai, trốn tránh trách nhiệm…Và suy cho cùng, những lời quở trách "giáng" xuống người ngoại tỉnh kia cũng chỉ là một trong số không ít bản tính xấu của người Việt? 
- Nhận định này chỉ đúng với người Việt Nam ở một giai đoạn nào đó trong toàn bộ quá trình hình thành lịch sử và văn hóa của dân tộc, đó chỉ là một giai đoạn rất ngắn. Nhận định trên đang khá đúng với giai đoạn này của xã hội chúng ta. Nhiều vẻ đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt Nam đang bị mất đi. Chính thế mà chúng ta có cuộc trò chuyện này. Còn nói đó là những điều cơ bản của con người Việt Nam thì làm sao chúng ta dựng lên được một lịch sử kiêu hãnh và một nền văn hóa Việt như vậy.
Nhưng một đặc tính của người Việt mà theo tôi cản trở rất nhiều cho sự phát triển xã hội đó là tính an bài, an phận. Cái tính này cản trở sự sáng tạo, cản trở ý thức đấu tranh cho lẽ phải, cản trở những hành động công chính… Và lúc này, hình như tôi thấy cái tính đó đang hiện ra rất rõ.
Cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện!
Hồng Chuyên