Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu

29/05/2015 07:18
TRẦN SƠN
(GDVN) - Bài viết này của tác giả Trần Sơn mang đến cho quý vị một góc nhìn riêng về án tử hình của một người thầy giáo...

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: Tại phiên họp chiều 20/5, Bộ trưởng Tư pháp – ông Hà Hùng Cường đã trình bày dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) trước Quốc hội. Đáng chú ý, dự luật quy định theo hướng giảm bớt 7 tội danh có hình phạt tử hình.

Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu ảnh 1

Bỏ án tử hình là nhân đạo với một người, nhưng vô nhân đạo với nhiều người

(GDVN) - Ông Hồ Trọng Ngũ cho rằng, không nhất thiết phải bỏ án tử hình thì mới là nhân đạo, bởi nó có thể nhân đạo với một người nhưng lại vô nhân đạo với nhiều người.

Hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ tử hình các tội: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị ngoài 7 tội danh trên, cần bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ… vì đây là những tội có tính chất kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn khi có nhiều tội danh được đề nghị bỏ án tử hình, trong khi tội phạm nguy hiểm có tính chất phức tạp lại gia tăng.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Công an thì tình hình tội phạm hiện nay nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt, trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm.

Trước hết, tình hình tội xâm phạm an ninh quốc gia ngày càng phức tạp với những phương thức và thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, xảo quyệt; các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng, người phạm tội sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí, hung khí nguy hiểm bao gồm cả việc sử dụng vũ khí quân dụng và các loại vũ khí tự chế như: súng bắn đạn hoa cải, súng dạng bút và các loại vật liệu nổ, axit, bom xăng để thực hiện hành vi phạm tội.

Hai là, các loại tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ ngày càng gia tăng.

Ba là, tội phạm tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản có những diễn biến hết sức phức tạp gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội hàng ngàn tỷ đồng.

Bốn là, do có sự giúp sức, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biến chất nên tình hình tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn thuế diễn biến hết sức nghiêm trọng.

Các loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ, thông tin, viễn thông tiếp tục tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia.

Tình hình tội phạm về ma túy diễn ra với số lượng đặc biệt lớn trên phạm vi địa bàn rộng, có tổ chức chặt chẽ, có trang bị vũ khí gây khó khăn rất lớn cho công tác đấu tranh, triệt phá loại tội phạm này.

"Nhờn" luật pháp

Điều đáng nói là, bên cạnh xu hướng gia tăng tội phạm thì cũng nổi lên hiện tượng "khinh nhờn" luật pháp. Điều đó, phần nào cho thấy sự bất cập, thiếu hiệu quả, thiếu sức răn đe của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Không ít bị cáo, khi sau khi phạm tội ác và bị bắt vẫn không có một chút mảy may ăn năn, hối hận; có bị cáo khi được dẫn giải đến tòa án xét xử, vẫn thản nhiên vẫy tay cười với người thân, như bị cáo Hồ Duy Trúc trong vụ án rúng động "chém trước, cướp sau" ở TP Hồ Chí Minh, năm 2012, chẳng hạn.

Bị cáo Hồ Duy Trúc khi được dẫn giải đến tòa án xét xử, vẫn thản nhiên vẫy tay cười với người thân. Ảnh: Quốc Thắng.
Bị cáo Hồ Duy Trúc khi được dẫn giải đến tòa án xét xử, vẫn thản nhiên vẫy tay cười với người thân. Ảnh: Quốc Thắng.

Có bị cáo trong vòng một tháng rưỡi (cuối năm 2014) đã ra tay giết hại 4 mạng người. Đó là Trần Văn Điểm (27 tuổi, có các tên gọi khác là Quang, Hiếu, Thành, Ngọc, ngụ xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), bị tòa tuyên án tử hình về hành vi giết người, cướp tài sản.

Điểm khai nhận, những nạn nhân hắn ta giết đều dùng dao đâm. Mỗi một vụ án hung thủ dùng một con dao khác nhau và vứt bỏ dao cách hiện trường không xa. Mọi việc hắn làm đều nhanh và lẹ khiến các nạn nhân không kịp kêu la hay kháng cự. Hắn cũng không hề cảm thấy sợ hay ân hận về những việc mình làm vì “đã chơi là phải chơi tới bến”.

Ở một số thời điểm, không ít người dân TP Hồ Chí Minh không dám ra đường vào ban đêm vì sợ bị cướp. Sự lộng hành, "khinh nhờn" luật pháp của các băng, nhóm tội phạm đã khiến cho người dân thành phố này phải "sống trong sợ hãi".

Thời gian gần đây lại rộ lên hiện tượng chống người thi hành công vụ. Nhiều đối tượng sẵn sàng dùng ô tô đâm thẳng vào lực lượng công an, hất cảnh sát giao thông lên nắp cabin; thậm chí, dùng dao, mã tấu chém thẳng tay lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ.

Giảm hình phạt tử hình chưa hẳn là nhân đạo

Với tình hình tội phạm phức tạp như vậy, việc giảm hình phạt tử hình cần được cân nhắc thận trọng, để đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Bởi tội phạm phải nhận án tử là những người phạm tội hết sức nghiêm trọng, nguy hiểm với xã hội.

Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu ảnh 3

Tướng Chung kịch liệt phản đối bỏ tử hình với người phạm tội “tham nhũng”

(GDVN) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho rằng, nhiều người vì cuộc sống đi buôn ma túy bị xử tử hình, trong khi cán bộ tham nhũng lại không tử hình là bất công bằng.

Việc làm này (giảm hình phạt tử hình) có thể là nhân đạo đối với người phạm tội, nhưng ở khía cạnh ngược lại thì cũng có thể xem là vô nhân đạo với những người khác: những nạn nhân và người thân của họ, chẳng hạn, hay những "nạn nhân tiềm năng" khác! Nhân đạo với tội phạm tham nhũng là có tội với nhân dân, với đất nước!

Việc giảm hình phạt tử hình, hay tử hình với cách thức "nhẹ nhàng" hơn là xu hướng của một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc làm này phải có sự nghiên cứu, cân nhắc hết sức khoa học, phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển quốc gia, tình hình tội phạm, chứ không phải là cách làm vội vàng, thiếu cân nhắc, chỉ cốt "lấy tiếng thơm" nhân đạo.

Cũng cần phải nói là, hình phạt nghiêm khắc chưa hẳn quyết định sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, trong tình hình các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như hiện nay thì những hình phạt nghiêm khắc có thể phần nào răn đe các đối tượng có khả năng phạm tội, đang chuẩn bị phạm tội.

Quan trọng hơn cả, là sự vận hành có hiệu quả của hệ thống tư pháp, hành pháp như Viện kiểm sát, Tòa án, Công an... để đảm bảo việc điều tra, xét xử công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhân đạo là đảm bảo cho Công lý được thực thi, chứ không hẳn là giảm nhẹ hình phạt.

TRẦN SƠN