Vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị kiện:

Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng ở Tòa cấp sơ thẩm

02/04/2013 11:14
Công Minh
(GDVN) - Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm do Thẩm phán Nguyễn thị Chinh ký ngày 4/9/2012 đã định danh "Khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai", nhưng nếu đọc kỹ đơn khởi kiện ngày 17/5/2012 của Công ty CP Khôi Việt (Khôi Việt) thì còn có cả đối tượng khởi kiện là "hành vi hành chính" nữa. Nếu đầy đủ thì phải định danh vụ án là "Khôi Việt khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai".
Tại phiên tòa đầu tiên ngày 25/9/2012, Tòa án cấp sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định một Hội đồng xét xử với 01 thẩm phán và 02 vị hội thẩm nhân dân hoàn toàn khác, không đúng với tên tuổi của 03 thành viên hội đồng xét xử nêu trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2012/HC-ST ngày 04/9/2012 của Tòa án này.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử ở Thanh Hóa
Phiên tòa sơ thẩm xét xử ở Thanh Hóa


Cụ thể, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thành phần HĐXX gồm có: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa bà Nguyễn thị Chinh; các Hội thẩm nhân dân ông Vũ Ngọc Cường, bà Nguyễn Thị Oanh, nhưng tại phiên tòa XXST mở ngày 25/9/2012 thì HĐXX giới thiệu tiến hành tố tụng là: Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa bà Nguyễn Thị Nga; các Hội thẩm nhân dân ông Lê Minh Trực, ông Lê Văn Lượng.

Chính vì lẽ đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Khôi Việt đã phải đề nghị hoãn phiên tòa XXST ngày 25/9/2012 với lý do Tòa án đã thay đổi HĐXX mà không tống đạt quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng cho Người khởi kiện theo quy định tại Điều 92 Luật TTHC 2010. Có thể nói đây là vi phạm thủ tục tố tụng đầu tiên: TAND tỉnh Thanh Hóa đã tùy tiện thay đổi HĐXX sơ thẩm. 

Tới ngày 27/9/2012 (sau 02 ngày hoãn phiên tòa 25/9/2012) thì Khôi Việt mới nhận được quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng của TAND tỉnh Thanh Hóa (ký ngày 10/9/2012!?). Tuy nhiên, tại Quyết định tống đạt sau phiên tòa đã mở này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định người đại diện theo pháp luật của Người khởi kiện là ông Nguyễn Như Hùng, không phải là ông Lê Như Hùng nêu trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Về mặt pháp lý, đây có thể đánh giá là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Tòa án khi tự tiện bổ sung đưa người khác là ông Nguyễn Như Hùng nào đó vào tham gia tố tụng trong vụ án này và tước quyền tham gia tố tụng của ông Lê Như Hùng! Như vậy là TAND tỉnh Thanh Hóa đã bổ sung người tham gia tố tụng trái pháp luật.

Đáng lưu ý là tại Quyết định hoãn phiên tòa hành chính sơ thẩm ngày 25/9/2012 đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm “theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 10 ngày 04/9/2012”. Thực tế tố tụng phản ánh, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10 ngày 04/9/2012 đối với vụ kiện của Khôi Việt là xét xử sơ thẩm, không phải phúc thẩm.

Như vậy, hoàn toàn có căn cứ và chứng cứ cụ thể chứng minh Tòa án cấp sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa cũng đã vi phạm tố tụng khi căn cứ vào hồ sơ của một vụ án phúc thẩm khác để ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vụ kiện này. Chưa kể, quyết định này còn căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 136, Điều 137 Luật TTHC 2010 thì cũng là các chi tiết cũng cần phải bàn dưới góc độ chuyên môn sâu của các luật sư và những người "cầm cân nảy mực".

ông Lê Như Hùng, GĐ Cty CP Khôi Việt
ông Lê Như Hùng, GĐ Cty CP Khôi Việt


TAND tỉnh Thanh Hóa cũng đã bỏ sót người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm: Quyết định hành chính số 2284/QĐ-UBND ngày 25/7/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là đối tượng khởi kiện trọng vụ án hành chính này - liên quan đến việc “hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Quảng Thành” của Khôi Việt đã trúng đấu giá (theo Quyết định số 3013/QĐ-UBND ngày 23/10/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa v/v phê duyệt kết quả trúng đấu giá) trên cơ sở có những vấn đề mấu chốt liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tư vấn quy hoạch; các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu và đề nghị ban hành Quyết định 2284 nhưng các bên liên quan này không được Tòa án cấp sơ thẩm đưa vào tham gia tố tụng trong vụ kiện với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm quy định tại Điều 52 Luật TTHC năm 2010.

Có thể liệt kê một số cơ quan, đơn vị có liên quan, đã không được Tòa án cấp sơ thẩm mời: Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thanh Hóa, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Bộ Xây dựng, các sở ngành của Thanh Hóa: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Mội trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Hội đồng Đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng GPMB của UBND TP. Thanh Hóa,...

Đặc biệt, TAND tỉnh Thanh Hóa đã lập Biên bản phiên tòa XXST không đúng thực tiễn diễn biến phiên tòa! Đối chiếu Biên bản phiên tòa hành chính sơ thẩm của hồ sơ vụ án với toàn bộ diễn biến phiên tòa đã được phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) ghi âm và ghi hình tại phiên tòa ngày 08/10/2012 cho thấy Biên bản phiên tòa hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn phản ánh nội dung sai lệch, không chính xác những gì diễn ra tại phiên tòa.

Như vậy, đã có đủ cơ sở để xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi lập ra Biên bản phiên tòa hành chính sơ thẩm trong hồ sơ vụ án không đúng thực tế diễn biến phiên tòa, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật TTHC 2010 - Biên bản phiên tòa XXST không có giá trị pháp lý để làm căn cứ cho HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết vụ kiện và cần phải được loại bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án để bảo đảm việc tuân thủ và thực thi đúng pháp luật của cơ quan xét xử!

Xin nói thêm, TAND tỉnh Thanh Hóa ra Bản án số 11/2012/HC-ST không phải là bản án đã tuyên đọc tại phiên tòa XXST vụ kiện. Nội dung Bản án đã tuyên tại phiên tòa XXST ngày 08/10/2012 được thể hiện rất rõ tại băng thu hình và thu âm của VTV thì nội dung án văn ban hành có rất nhiều sự khác biệt so với án tuyên thực tế tại phiên tòa XXST. Chắc chắn đã có nhiều sự sửa chữa, bổ sung, đổi khác giữa án tuyên và án văn. Điều này cho thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng theo quy định tại Điều 164 và 167 Luật TTHC 2010.

"Trên cơ sở 06 vấn đề vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vụ án nêu trên, chúng tôi đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm giải quyết nội dung kháng cáo này của chúng tôi đúng theo quy định của pháp luật để bảo đảm việc tuân theo pháp luật của cơ quan xét xử, của những người tiến hành tố tụng nhằm khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật. Chúng tôi hy vọng rằng, vị đại diện VKSND tối cao tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 11/4 tới đây sẽ nghiên cứu, kiểm tra quan điểm nêu trên của chúng tôi để trình bày đầy đủ ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm theo quy định tại Điều 204 Luật TTHC 2010." - mong muốn và hy vọng của Khôi Việt như thế đối với HĐXX phúc thẩm đã được thể hiện trong Đơn đề nghị ký ngày 20/3/2013 gửi tới Chánh án TANDTC, Chánh Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, HĐXX phúc thẩm của Chánh Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, HĐXX phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi mong muốn các chuyên gia về luật pháp trong lĩnh vực TTHC chia sẻ những ý kiến đối với các nghiên cứu và nhận định nêu trên. Về phần mình, BBT chúng tôi sẽ cập nhật tiếp tục các thông tin và nội dung về vụ án.

Công Minh